Khách hàng vụ chuyển nhầm tiền đã trả lại ngân hàng

Khách hàng vụ chuyển nhầm tiền đã trả lại ngân hàng

Thừa nhận mình có phần sai khi không chủ động thông báo về số tiền quá lớn và bất thường trong tài khoản của mình, song ông Phạm Sự rất bức xúc với cách hành xử của Ngân hàng Agribank Đà Nẵng.

>> Ngân hàng chuyển nhầm tiền tỷ, khách mang tội chiếm đoạt

Trong số 500 triệu đồng rút ra, trừ đi 105 triệu đồng thuộc sở hữu của mình, ông Phạm Sự đã trả lại phần lớn cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Đà Nẵng vào ngày 1/8, thông qua cơ quan công an. Hơn 20 triệu còn lại, ông Sự cam kết trả dứt điểm trong ngày hôm nay, 4/8.

 

Không phải là chuyện lần đầu tiên xảy ra trong ngành ngân hàng, song vụ Agribank Đà Nẵng chuyển nhầm 1,3 tỷ đồng vào tài khoản của ông Phạm Sự diễn ra hôm 28/7 đang khiến dư luận chú ý bởi cách xử lý của cả phía ngân hàng và khách hàng. Nhiều ý kiến độc giả cho rằng lẽ ra ông Sự cần thông báo về số tiền bất thường, không nên vội vã rút ra chi tiêu. Nhưng không ít độc giả phê phán cách xử lý chưa chuyên nghiệp của Agribank Đà Nẵng, nhất là việc nhân viên ngân hàng tay không đến đòi tiền, rồi lại phải nhờ công an can thiệp, gây sức ép với khách hàng.

 

Tháng 11/2006, một chi nhánh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từng chuyển nhầm 4 triệu đồng thành 48 tỷ đồng cho khách hàng, do nhập sai đơn vị tiền tệ. Khách hàng đã chủ động thông báo, Vietcombank cũng nhanh chóng phong tỏa tài khoản, thương lượng với khách hàng và tổ chức họp báo công khai sự việc.

 

Sau khi đọc ý kiến của độc giả ngày 3/8, ông Sự chủ động liên lạc với phóng viên giãi bày mong được sự chia sẻ, cảm thông. Ông nói: "Việc tôi đã không thông báo với ngân hàng khi phát hiện có số tiền quá lớn, bất thường trong tài khoản của mình là sai. Đi rút tiền gửi nhầm của họ để chi tiêu việc riêng càng không đúng. Nhưng xin nói rõ thêm là ngay sau khi nhận được giấy báo chính thức của ngân hàng về việc chuyển nhầm tiền, tôi đã nghiêm túc hoàn trả cho họ đầy đủ, vô điều kiện. Chỉ có điều bức xúc là ngân hàng đã vội vàng nhờ công an can thiệp, xem tôi như tội phạm, cố tình chiếm đoạt tài sản của họ".

 

Ông Sự cho biết thêm, ngân hàng đã mời công an làm việc, gây áp lực với gia đình ông trước khi gửi thông báo chính thức, hợp pháp về việc chuyển nhầm tài khoản và đề nghị hoàn trả. Hơn nữa, người chuyển thông báo này không phải là nhân viên của Agribank Đà Nẵng mà là Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Điện Bàn. "Họ còn hăm dọa bắt giam tôi thông qua mẹ già 85 tuổi. Mẹ tôi tâm thần bấn loạn vì sẵn bệnh đau tim. Đây cũng là lý do khiến gia đình tôi bức xúc", ông Sự nói.

 

Giám đốc Agribank Đà Nẵng Ngô Lành cho biết, Luật Ngân hàng và Agribank không có quy định cụ thể về việc chuyển nhầm (thừa, hoặc làm âm) vào tài khoản của khách hàng. Trong hợp đồng với khách hàng khi mở tài khoản cũng không có điều khoản chi tiết như vậy. Trường hợp chuyển nhầm tiền, nếu lỗi chủ quan từ nhân viên, thì nhân viên phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

 

"Biết là mình chuyển nhầm hơn 1 tỷ đồng vào tài khoản ông Phạm Sự, nhân viên, cán bộ Agribank Đà Nẵng đã vào tận nơi thương lượng, thậm chí khóc lóc để xin lại, nhưng ông Sự đã không hợp tác nên buộc lòng ngân hàng đã có văn bản đề nghị công an can thiệp", ông Lành nói.

 

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những lần gặp trực tiếp, thương lượng giữa nhân viên Agribank với ông Sự đều nói miệng, không có thông báo, giấy giới thiệu... "Tôi sẽ xem lại việc vì sao thông báo chuyển nhầm tiền của Agribank lại không phải người của ngân hàng mà là công an. Sự việc xảy ra trong lúc tôi đi công tác, nên sẽ kiểm tra lại chi tiết", ông Lành nói.

 

Một chuyên gia luật làm việc lâu năm trong ngành ngân hàng cho biết, hiện pháp luật của ngành chưa có quy định riêng về việc chuyển nhầm tiền. Khi xảy ra vụ việc, các bên thường giải quyết căn cứ vào quy định chung của pháp luật (Bộ Luật Dân sự và Luật Hình) và thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng khi mở tài khoản. Luật Dân sự quy định hưởng lợi không có căn cứ là không hợp pháp. Nếu cố tình chiếm đoạt thì bên hưởng lợi vô căn cứ sẽ bị xử lý hình sự.

 

Mặt khác, theo thông lệ của các ngân hàng, bản hợp đồng mở tài khoản thường có điều khoản cho phép ngân hàng toàn quyền xử lý số tiền chuyển nhầm vì bất cứ lý do gì. Thậm chí có những ngân hàng còn ghi cụ thể nếu xảy ra việc chuyển nhầm, ngân hàng sẽ phong tỏa tài khoản và chuyển ngược lại số tiền cho chính chủ.

 

"Với vụ việc của Agribank, cách hành xử của nhân viên và ngân hàng nói chung chưa chuyên nghiệp. Lẽ ra ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản, rồi trao đổi một cách chính thức với khách hàng để đề nghị hoàn số tiền rút thừa. Chưa đến mức to tát phải mời công an vào cuộc", vị chuyên gia này nói.

 

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, Agribank có thể đuối lý nếu đưa vụ việc giải quyết trước tòa, bởi hợp đồng mở tài khoản không có quy định gì về chuyện chuyển nhầm tiền.

 

Tổng giám đốc một ngân hàng lớn từng xử lý nhiều vụ chuyển tiền nhầm tương tự tại Agribank cho biết, trong trường hợp này khách hàng không thể bị quy tội chiếm đoạt tài sản. Khi tiền được chuyển vào tài khoản của một cá nhân thì người đó có quyền rút tiền ra để chi tiêu bởi về mặt nguyên tắc đó là tài sản thuộc sở hữu của họ lúc đó.

 

Người chủ tài khoản không nhất thiết phải kiểm tra mọi khoản tiền chuyển đến rồi mới được phép rút ra cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân bởi pháp luật không yêu cầu điều này. Tuy nhiên, khi ngân hàng đưa ra các bằng cớ chứng minh rằng họ đã chuyển tiền nhầm thì người nhận khoản tiền “đi lạc” phải trả lại. Điều này có thể được thực hiện thông qua một thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng chứ không nhất thiết phải dùng các biện pháp liên quan đến cơ quan công an.

 

"Tội chiếm giữ trái phép tài sản" được quy định tại Khoản 1, Điều 141 - Bộ Luật Hình sự: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng... sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

 

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, phải đủ các điều kiện: - Tài sản do người phạm tội cố tình chiếm giữ phải có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên.- Đã có sự đề nghị trả, giao nộp cho chủ sở hữu hoặc cơ quan có thẩm quyền mà chủ thể vẫn tỏ rõ thái độ cố ý chiếm giữ trái phép.