Càng ở những ngành có liên quan đến tài sản lớn thì càng hay xảy ra những vụ việc pháp nhân chối bỏ trách nhiệm, từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm…
Đó là trường hợp Phó tổng giám đốc một tập đoàn lớn chuyên kinh doanh bất động sản đã bán hàng loạt suất đất trong một dự án ở Hà Nội thu hơn 87 tỷ đồng. Năm 2010, vị phó tổng giám đốc này đã loan tin về dự án nói trên với nội dung: đã được phê duyệt các suất đối ngoại (20%), thực hiện đền bù xong và đang thi công hạ tầng dự án, vì vậy, dù chưa đủ điều kiện đưa lên sàn giao dịch bất động sản nhưng Tập đoàn vẫn được huy động vốn cho những suất đất đối ngoại.
Dự án có thật, người rao bán lại là Phó tổng giám đốc của tập đoàn chủ đầu tư và mình đang giao dịch với pháp nhân tập đoàn nên hơn 20 cá nhân đã tin tưởng đặt tiền mua đất nền. Mọi chuyện vỡ lở khi vị phó tổng giám đốc bị đưa ra truy tố, phía tập đoàn này đã không thừa nhận trách nhiệm bồi thường dân sự và cho rằng bị cáo chủ định lừa chính những người mua đất, rằng tập đoàn không phải là bị hại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo bị buộc bồi thường cho các bị hại. Phán quyết cuối cùng vẫn chờ phiên tòa tiếp theo, nhưng việc đòi lại tiền của 20 cá nhân trên chắc chắn còn nhiều lắm gian nan.
Một vụ việc cũng dai dẳng không kém, đó là vụ việc ở Chi nhánh vàng Hà Đông thuộc Tổng công ty Vàng Agribank. Chuyện là Nguyễn Tuấn Anh (SN 1968, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Hà Đông thuộc Tổng công ty Vàng Agribank bị truy tố vì hành vi chiếm đoạt 1.471 chỉ vàng của 5 khách hàng gửi vàng ở Chi nhánh. Trần Ngọc Minh (SN 1970, trú phường La Khê, quận Hà Đông), nhân viên kinh doanh cùng bị truy tố vì đã đứng ra làm hồ sơ và nhận vàng giúp Tuấn Anh.
Ở cấp sơ thẩm, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Anh Tuấn 20 năm tù giam vì tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Trần Ngọc Minh 3 năm tù giam vì tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Cựu Phó giám đốc Chi nhánh Vàng Hà Đông còn phải chịu hình phạt bổ sung là bồi thường toàn bộ số vàng đã chiếm đoạt.
Ngay sau đó, cả 5 bị hại đều có đơn kháng cáo vì cho rằng họ không giao dịch với cá nhân Nguyễn Tuấn Anh mà là giao kết hợp đồng và gửi vàng cho người đại diện Chi nhánh Vàng Hà Đông. Vì thế, các bị hại yêu cầu Tổng công ty Vàng Agribank phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngày 20/9/2013, TAND Tối cao tại Hà Nội đã mở lại phiên tòa theo trình tự phúc thẩm và sau khi xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, TAND Tối cao đã chấp nhận kháng cáo của các bị hại, đồng thời tuyên buộc Tổng công ty Vàng Agribank phải bồi thường toàn bộ 1.471 chỉ vàng cho khách hàng. Thế nhưng, vụ án vẫn chưa thể kết thúc khi Chánh án TAND Tối cao có kháng nghị cho rằng, hành vi của Nguyễn Tuấn Anh đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm b, khoản 4, Điều 139-BLHS và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, kể từ khi gửi vàng vào tháng 5/2011, đến nay, những khách hàng đã tin tưởng vào Vàng Agribank vẫn chưa biết số phận tài sản của mình sẽ ra sao. Nếu như kháng nghị được chấp nhận, vụ án sẽ quay trở về vạch xuất phát và những khách hàng này sẽ mất hàng năm nữa chờ đợi các cơ quan tiến hành tố tụng có phán xét cuối cùng.
Ở lĩnh vực chứng khoán, ĐTCK từng thông tin về trường hợp bà Trần Thị Vượng. Tháng 5/2011, khi bà Trần Thị Vượng, một nhà đầu tư hàng VIP của CTCK Trường Sơn với tài khoản cả chục tỷ đồng, đột nhiên nhận được trát đòi nợ của công ty này. Phải đến buổi làm việc cùng “bộ sậu” của công ty này, bà Vượng mới ngã ngửa khi phát hiện tài khoản chứng khoán của mình phát sinh khoản lỗ gần 2 tỷ đồng từ giao dịch ký quỹ, trong khi bà không ký bất kỳ phiếu lệnh nào.
Lúc đầu, CTCK Trường Sơn thừa nhận lỗi là do nhân viên môi giới tự ý dùng tài khoản của nhà đầu tư thực hiện giao dịch và nhân viên này có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền cho Công ty. Việc này không liên quan đến bà Vượng. Nhưng khi chuẩn bị chấm dứt nghiệp vụ môi giới, khi nhà đầu tư không còn là nguồn sống, CTCK Trường Sơn đã thay đổi thái độ, buộc bà Vượng phải chịu trách nhiệm khoản nợ nói trên. Bà Vượng không chấp nhận, CTCK Trường Sơn đã phong tỏa tài khoản của bà.
Vụ việc đã được đưa lên UBCK và cơ quan công an. Đến nay, khi CTCK Trường Sơn đã bị rút giấy phép kinh doanh, vẫn chưa có phán quyết của cơ quan chức năng và tài khoản chứng khoán của bà Vượng vẫn đang bị phong tỏa.
(Còn nữa)