Thiếu tướng Lê Công, Tổng giám đốc MB

Thiếu tướng Lê Công, Tổng giám đốc MB

“Khách hàng còn cơ hội, chúng tôi còn giúp sức”

(ĐTCK) Đó là điều Thiếu tướng Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khẳng định với Báo ĐTCK khi ông nói về quan điểm kinh doanh của MB hiện nay.

Cũng là doanh nghiệp, chịu trách nhiệm với hàng vạn cổ đông, nhưng ở MB, văn hóa kinh doanh mang đậm chất nhân văn trở thành một nét đẹp riêng có của những người lính thời bình làm doanh nghiệp. Trong quan hệ đối nội, ông Lê Công khẳng định, càng khó khăn, nội bộ MB càng đoàn kết, càng quyết tâm vượt khó. Trong quan hệ đối ngoại, ông nói, lúc khó khăn là lúc cần sự gắn bó, trách nhiệm với nhau nhất. “Giúp bạn là giúp chính mình”.

9 tháng đầu năm nay, GDP Việt Nam tăng trưởng 5,14% so với cùng kỳ, có sự cải thiện nhất định so với các quý trước đó. Là tổng giám đốc một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, xin ông chia sẻ góc nhìn của ông về sự chuyển biến trong nền kinh tế và bình luận của ông về việc trong 9 tháng qua, vẫn có hàng chục ngàn DN phải ngừng hoạt động, đóng cửa?

Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển, có sự hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới trong 5 năm trở lại đây, nên nền kinh tế của chúng ta đã bị tổn thương khá mạnh từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, bắt đầu từ năm 2008. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhiều bộ ngành đã nỗ lực tạo ra cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, cho nền kinh tế, nhưng tác động vĩ mô của khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn trong nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Một số dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế đã xuất hiện như lạm phat được kiềm chế, dòng vốn FDI tăng mạnh, năng lực cạnh tranh được cải thiện…, nhưng chưa thể nói Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi.

Nhìn lại quá trình 27 năm từ khi Đảng khởi xướng sự nghiệp Đổi Mới (năm 1986), có những giai đoạn tăng trưởng GDP của Việt Nam rất cao, 7-8% và từng là quốc gia có tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP giảm dần kể từ năm 2008 đến nay. Năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất, GDP năm 2012 chỉ đạt 5,03%; 9 tháng năm 2013, chỉ đạt 5,14% và cả năm, theo ước tính của nhiều tổ chức kinh tế, GDP Việt Nam sẽ đạt 5,1-5,2%. Khó khăn của nền kinh tế thể hiện rõ nét qua sức sống của các DN: năm 2011-2012, cả nước có gần 100.000 DN phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Sang năm 2013, trong 9 tháng đầu năm đã có thêm 25.000 DN nữa phải ngừng hoạt động, từ nay đến cuối năm có thể sẽ thêm 15.000 DN nữa rơi vào tình trạng này. Nhiều DN đã vượt qua khó khăn của năm 2011-2012, nay phải ngừng hoạt động, là một tổn thất lớn cho nền kinh tế.

Để hỗ trợ DN, Chính phủ, các bộ, ngành đã áp dụng các giải pháp như giảm lãi suất, giảm thuế…, nhưng có lẽ là chưa đủ. Chúng ta cần sự nỗ lực, hiệp lực tổng thể và đồng bộ hơn nữa của toàn xã hội, mới có thể tạo nên sức sống cho khối DN, chuyển biến tích cực cho nền kinh tế.

 

Trong ngành ngân hàng, trước những khó khăn chung của đất nước, dù NHNN và nhiều ngân hàng thương mại đã nỗ lực, nhưng con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng mới chỉ đạt 6,45%. Thực tế này cho thấy, dòng vốn tín dụng vẫn chưa thực sự thông chảy, chưa đến với đại đa số DN và các chủ thể trong nền kinh tế, vì sao vậy, thưa ông?

Quan sát nền kinh tế trong một quá trình dài có thể thấy, có sự tỷ lệ thuận giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng GDP hàng năm. Năm 2007, tăng trưởng tín dụng đạt 51,3% thì tăng trưởng GDP đạt cao nhất, 8,48%; năm 2010, tăng trưởng tín dụng 31% thì GDP đạt xấp xỉ 7%. Sang năm 2011, chủ trương của Chính phủ là giới hạn tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát, nên với mức tăng trưởng tín dụng 10,9%, GDP cả nước chỉ đạt 5,98%. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt 8,9%, GDP chỉ đạt 5,03%. Sang năm 2013, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%, nhưng 9 tháng đầu năm mới đạt 6,45%. Trong bối cảnh này, GDP của Việt Nam được dự báo chỉ vượt trên 5% một chút.

Mặc dù lãi suất trên thị trường ngân hàng đã giảm mạnh, từ mức bình quân 20% xuống còn 15%, rồi từ 15% xuống còn 10% và mức cho vay phổ biến hiện nay từ 9-11%, nhiều khoản vay có lãi suất chỉ từ 6-8%; lãi suất cho vay USD chỉ từ 2-4%, tức là ngang với mặt bằng lãi suất 6 năm trước, nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN, của nền kinh tế vẫn rất khó khăn. Thực tế này cho thấy, lãi suất không phải là động lực cơ bản thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mà cái gốc của vấn đề nằm ở khả năng gấp thụ vốn của DN, ở sức cầu của các thị trường.

 

Trong hoạt động tín dụng, MB được nhiều DN biết đến như một ngân hàng rộng lượng, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ DN nhiều mặt để giúp họ vượt qua khó khăn. Xin ông chia sẻ những định hướng chính trong điều hành hoạt động tín dụng tại MB, thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, MB đã giảm mạnh lãi suất, nhằm hỗ trợ cho các khách hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung đẩy mạnh tín dụng vào 5 lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế, gồm khối DN vừa và nhỏ; DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; DN xuất khẩu; DN công nghệ cao; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Chẳng hạn, chúng tôi dành 8.000 tỷ đồng để tập trung gói tín dụng xuất khẩu với lãi suất VND từ 8-8,6%; USD từ 2,9-5,2%; dành 8.300 tỷ đồng cho gói tín dụng với các DN ngành than, khoáng sản, dầu khí, hàng không, viễn thông, với lãi suất VND 6-7,8%; USD 2-3,2%... Ngoài ra, MB chủ động phối hợp với khách hàng thực hiện phương án cơ cấu nợ, tạo điều kiện cho khách hàng từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng vốn vay để phát triển.

Trong khó khăn, nếu các ngân hàng cứ co cụm lại vì sợ nợ xấu, sợ rủi ro thì sẽ có thêm hàng nghìn, hàng chục nghìn DN tốt phải đóng cửa. Như tôi đã nói, đó là tổn thất rất lớn cho nền kinh tế và vì thế, quan điểm kinh doanh của chúng tôi là sẽ nỗ lực tối đa để giúp các DN tốt, các DN nỗ lực hoạt động và còn cơ hội, vượt qua khó khăn tạm thời để vươn lên. Chúng tôi đã và đang giúp DN bằng nhiều cách, cơ cấu lại tài chính, giãn nợ, cho vay mới, thậm chí là đàm phán với các ngân hàng hàng bạn để cùng hợp sức “cứu” những DN đáng được sống; đàm phán với cơ quan chức năng để tạo thêm cơ hội sống cho DN. Tại nhiều DN, nếu ngân hàng quay mặt đi, họ sẽ chết, nhưng nếu được tiếp sức và hợp tác, họ sẽ vượt qua khó khăn để vươn lên. Cộng đồng DN là sức mạnh của nền kinh tế và chúng tôi luôn nỗ lực để góp sức mình gìn giữ, củng cố sức mạnh ấy.

 

Cộng đồng DN là sức mạnh của nền kinh tế và MB luôn nỗ lực để góp sức mình gìn giữ, củng cố sức mạnh ấy

Đâu là lý do quan trọng nhất khiến MB có định hướng kinh doanh mang đậm chất nhân văn như vậy, thưa ông? Với cách làm này, khả năng tăng trưởng tín dụng của MB năm nay dự kiến như thế nào?

Trong kinh doanh, không thể chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, mà phải quan tâm hơn đến lợi ích tổng thể và dài hạn. Quan điểm của MB là hướng đến khách hàng, nếu khách hàng còn cơ hội và còn nỗ lực, chúng tôi sẽ còn giúp sức. Chính quan điểm này đã và đang giúp MB giữ vững các  khách hàng truyền thống và mở rộng hiệu quả các khách hàng mới, gắn kết và song hành cùng phát triển với MB.

Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tính đến 30/6, MB đạt 7%, trong khi chỉ tiêu chung toàn ngành là 4,3%. 9 tháng đầu năm nay, MB đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 9%, trong khi toàn ngành là 6,45%. Cả năm nay, chúng tôi quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, cũng là một con số cao hơn so với mục tiêu này của toàn ngành. Tất nhiên, bên cạnh quan điểm kinh doanh hướng đến DN, đẩy mạnh tín dụng để hỗ trợ DN, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, chúng tôi sẽ phải nâng cấp chất lượng quản lý để hạn chế nợ xấu, giảm chi phí, đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của MB.

 

Một sự kiện đặc biệt với MB năm 2013 là Tổng giám đốc Ngân hàng vừa được phong hàm cấp Tướng. Đó là một sự ghi nhận với những nỗ lực của cá nhân Tổng giám đốc, nhưng đồng thời sẽ góp phần không nhỏ củng cố niềm tin của người dân nói chung vào sự phát triển vững chắc của Ngân hàng Quân đội. Trên cương vị một doanh nhân, một vị Tướng, xin ông chia sẻ điều ông trăn trở, mong muốn nhất hiện nay là gì?

Với cá nhân mình, điều trăn trở nhất là làm cách nào để có giải pháp thiết thực, hỗ trợ được nhiều DN, nhiều khách hàng  hơn vượt qua khó khăn hiện tại, giúp họ trụ vững và vươn lên trong tương lai. Lúc này, các DN cũng như mỗi doanh nhân, rất cần có bản lĩnh vững vàng, sự quyết tâm và sáng tạo để tìm ra con đường mới, vượt qua khó khăn.

Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao nền kinh tế sớm hồi phục, hoạt động của thị trường tài chính, DN hiệu quả hơn, chân thực hơn. Hơn bao giờ hết, tôi cho rằng, tinh thần kinh doanh mang tính chất hỗ trợ, chia sẻ cần được đẩy mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng như nhiều nước đã thực hiện, tôi mong Chính phủ sớm có  giải pháp kích thích kinh tế, giúp các DN tìm được, mở rộng được thị trường, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa, tiền tệ, để tạo nên động lực mới cho nền kinh tế trong tương lai gần.                                     

 

Trong khó khăn chung của nền kinh tế, uy tín, vị thế của Ngân hàng TMCP Quân đội cũng như sự gắn bó và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng luôn được giữ vững. Chưa bao giờ tinh thần làm việc tại MB lại sôi động như bây giờ. Cán bộ, nhân viên MB không quản ngại khó khăn, vất vả, không quản ngày đêm sát cánh bên nhau, cùng các khách hàng của mình, tìm cách vượt qua khó khăn để phát triển”.

Thiếu tướng Lê Công - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội