Khác biệt trà ướp sen Bách Diệp trên đầm chính hiệu Hồ Tây

0:00 / 0:00
0:00
Khoảnh khắc những bông sen được khoe sắc trên chính thân cây vươn lên từ lớp bùn ngàn năm đẹp và thơm đến nao lòng, những cánh trà thấm trọn làn hương rực rỡ ngay chính trên đầm sen ấy, tất nhiên là khác biệt.

Chỉ khi được nở ở ngay trên đầm, những bông sen vốn vô cùng nhạy cảm với thời tiết, mới rực rỡ nhất, cả về sắc, lẫn hương. Và những cánh trà được ôm ấp bởi bông sen ấy, không thể nào lẫn được với các loại trà sen khác.

Không có nhiều bông sen ướp trà ngay trên đầm như thế này. Ảnh: Mỹ An.

Không có nhiều bông sen ướp trà ngay trên đầm như thế này. Ảnh: Mỹ An.

Tháng 6, sen Hồ Tây vào mùa rực rỡ. Cũng là những ngày bận rộn của những người yêu trà sen, mê trà sen, thức uống vô cùng độc đáo được kết hợp từ sen Bách Diệp (trăm cánh) - loài hoa có từ hàng trăm năm trước trên Hồ Tây (Hà Nội) với các loại trà, phổ biến hơn cả là trà xanh Thái Nguyên.

Chiều chiều, khi cái nắng hè oi bức đã dịu đi đôi phần, những ngọn gió thoang thoảng hương sen thu hút các bậc cao niên đến thưởng trà trên những chiếc lều đơn sơ ven những chiếc đầm quanh Hồ Tây. Cuốn hút nhất vẫn là câu chuyện trà xưa, trà nay.

Trà sen Hồ Tây xưa, theo lời kể của một số chủ đầm, ấy là khi hoa sen nơi này chưa phải là hàng hiếm, chưa có giá cao ngất ngưởng (có khi lên tới 20.000 đồng/bông vẫn cháy hàng) như bây giờ. Khi nắng đã nhạt, những người đàn ông bơi chiếc thuyền nhỏ ra giữa đầm, chọn vài bông sen cứng cáp, sẽ nở vào sáng sớm hôm sau, nhẹ nhàng thả vài chục cánh trà vào giữa lớp gạo sen (những hạt trắng nhỏ như hạt gạo trên đầu nhụy sen, quyết định độ thơm của bông sen), buộc kín bông hoa có trà bằng chiếc lá nhỏ (phòng xa mưa gió).

Sáng sớm hôm sau, những cánh trà được ủ hương cả đêm trên đầm ấy, sẽ được pha bởi nước sương tinh khiết đọng trên những chiếc lá sen xanh rời rợi.

Giờ chẳng còn mấy người hứng sương trên lá sen về đun nước pha trà sen nữa. Ảnh: Mỹ An.

Giờ chẳng còn mấy người hứng sương trên lá sen về đun nước pha trà sen nữa. Ảnh: Mỹ An.

Kỳ công như thế, nhưng mùa sen chỉ kéo dài đôi tháng. Để có thể có trà sen uống quanh năm, thời ấy, nhiều người ướp trà khô (thường là trà mạn) với gạo sen, rồi đem sấy khô. Cách này cũng rất cầu kỳ, thường người làm trà sẽ lấy gạo của 100 bông sen Bách Diệp Hồ Tây (công đoạn tỉ mỉ này tốn khá nhiều công sức) trộn đều với 1 kg trà mạn, trải lên loại giấy chuyên dùng, sấy bằng bóng đèn cho khô đến độ. Sau đó, tách gạo sen cũ ra, trộn tiếp gạo của 100 bông sen mới vào, lại sấy khô. Cứ như thế lặp đi, lặp lại 10 lần, tức là cần 1.000 bông sen (khoảng 1 kg gạo sen) mới được 1 kg trà mạn ướp sen.

Sen Hồ Tây chính hiệu được bán với giá 17.000 -20.000 đồng/bông nên để làm được trà sen khô giá thành rất cao. Ảnh: Mỹ An.

Sen Hồ Tây chính hiệu được bán với giá 17.000 -20.000 đồng/bông nên để làm được trà sen khô giá thành rất cao. Ảnh: Mỹ An.

Giờ thì ít ai làm như thế nữa. Người ta vẫn làm trà ướp sen khô, nhưng sen Tây Hồ đã ít hơn xưa, chẳng lấy đâu ra gạo sen mà ướp đến 10 lần như thế, đành dùng gạo sen Bách Diệp trồng nơi khác. Sen nơi khác có giá mềm hơn rất nhiều (chỉ bằng 1/3 sen Hồ Tây chính gốc, số lượng lớn, dễ mua).

Phổ biến hơn, người ta làm trà sen tươi, là trà khô được ướp trực tiếp trong bông sen tươi mới hái từ đầm, cắm nước và để ở nhiệt độ thường qua đêm cho trà ngấm hương, sau đó có thể dùng ngay hoặc cất vào tủ đá dùng quanh năm. Vì quy trình không quá cầu kỳ nên số người tự ướp trà này ngày càng thêm đông. Ít thì vài chục bông để nhà dùng, nhiều thì lên tới cả ngàn bông, thậm chí cả vạn bông để bán quanh năm.

Thế nên, trà ướp sen ngay trên đầm, dường như chỉ còn trong câu chuyện ngày xửa ngày xưa.

Trà trong bông sen này không chỉ thấm hương sen mà còn thấm cả hương đất trời. Ảnh: Mỹ An.

Trà trong bông sen này không chỉ thấm hương sen mà còn thấm cả hương đất trời. Ảnh: Mỹ An.

Nhưng, mấy năm gần đây, hình ảnh người chủ đầm sáng sáng bơi thuyền ra giữa đầm sen hái những bông hoa đã ủ trà cả đêm lại xuất hiện. Bởi, có cung thì có cầu, có những người mê trà sen muốn đi tìm hương vị của thức uống kỳ công ấy.

Có lẽ, cũng không hẳn vì cái thú thưởng trà sen ngày xưa gợi nên sự tò mò. Mà bởi sự khác biệt của chính sản phẩm độc đáo này sự đỏng đảnh của loài sen, đặc biệt là sen Bách Diệp Hồ Tây thì khó có loại hoa nào bì kịp. Mỗi ngày sẽ chỉ có một số bông hoa nhất định có thể ướp được trà, đấy là những bông hoa hàm tiếu (bắt đầu chúm chím, chưa nở hẳn) sẽ bung lụa rực rỡ vào tầm 5-6 giờ sáng hôm sau và chỉ rực rỡ sắc hương trong vài giờ ngắn ngủi. Trong vài tiếng đó, không chỉ có sắc hoa dần phai mà hương cũng nhạt dần. Bởi thế, không phải vô cớ mà người chơi sen thường nói loài hoa này biến đổi từng khoảnh khắc.

Khoảnh khắc những bông sen được khoe sắc trên chính thân cây vươn lên từ lớp bùn ngàn năm đẹp đến nao lòng. Ảnh: Mỹ An.

Khoảnh khắc những bông sen được khoe sắc trên chính thân cây vươn lên từ lớp bùn ngàn năm đẹp đến nao lòng. Ảnh: Mỹ An.

Và, khoảnh khắc những bông sen được khoe sắc trên chính thân cây vươn lên từ lớp bùn ngàn năm đẹp đến nao lòng, làn hương tỏa ra khi đó chắc chắn cũng quyến rũ hơn rất nhiều những bông sen đã rời cây. Những cánh trà thấm trọn làn hương rực rỡ ngay chính trên đầm sen ấy, tất nhiên là khác biệt.

“Hương sen tươi mới quyện vị trà ngọt dịu vô cùng quyến rũ, thực sự là thức uống đặc biệt”, đó không chỉ là nhận xét của riêng một vài người sành trà, sau khi thưởng thức chén trà được ủ hương giữa đầm sen.

Nếu muốn thưởng thức sản phẩm độc đáo này, bạn có thể mang loại trà mình yêu thích đặt hàng chủ đầm (tất nhiên bạn phải sẵn sàng trả công xứng đáng). Vì còn phụ thuộc vào lượng hoa, vào thời tiết, và cả vào tâm trạng, sức khỏe của người trồng sen nữa, nên không phải bạn cứ bỏ tiền ra là có. Nhưng, dù có khó khăn đôi chút, nếu bạn đủ mê trà sen, thì cũng không đáng kể.

Tin bài liên quan