Một số cổ phiếu ngành dược, thép, mía đường… có thể sẽ tiếp tục “tạo sóng” trong ngắn hạn

Một số cổ phiếu ngành dược, thép, mía đường… có thể sẽ tiếp tục “tạo sóng” trong ngắn hạn

Khả năng điều chỉnh sâu khó xảy ra

(ĐTCK) Với 3 phiên giảm điểm vừa qua, VN-Index đã điều chỉnh xuống mức 570,91 điểm và ngưỡng hỗ trợ 570 điểm đang trở nên rất “nhạy cảm”. Tuy vậy, nhiều CTCK cùng quan điểm, khả năng điều chỉnh sâu của thị trường là khó xảy ra.

Một trong những yếu tố đang “níu giữ” thị trường là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra các thông báo về việc có thể nâng lãi suất đồng USD 2 lần trong năm nay, thay vì dự báo nâng lãi suất 4 lần trước đó của thị trường, khiến giới đầu tư quốc tế lạc quan, cộng thêm việc giá dầu phục hồi, chạm mốc 40 USD/thùng, giúp cho nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí “dễ thở” hơn.

Giá dầu phục hồi đang là một trong những yếu tố quan trọng tạo “chất xúc tác” đối với diễn biến của TTCK. Thỏa thuận “đóng băng” sản lượng của Nga và Ả Rập Xê út ngày 16/2 khiến giới phân tích nhận định, giá dầu sẽ duy trì quanh mức 40 USD/thùng, nhưng mục tiêu trước mắt trong năm nay và cả năm sau khó vượt qua 60 USD/thùng. Tuy nhiên, với hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam, giá dầu trong khoảng 40 - 50 USD/thùng sẽ phần nào tránh được tình trạng ngưng trệ hoạt động khai thác và các công ty trong ngành cũng giảm được nhiều áp lực khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2016.

Trên TTCK, giá của nhóm cổ phiếu dầu khí hiện đã phục hồi được khoảng 30% so với mức đáy, nhưng so với dự phóng kết quả kinh doanh năm nay thì giá cổ phiếu vẫn còn khá hấp dẫn. Vì vậy, nếu giá dầu giữ ổn định trên mức 40 USD/thùng sẽ có nhiều cổ phiếu dầu khí nhận được sự quan tâm trở lại của giới đầu tư trong thời gian tới.

Ở giai đoạn cuối tháng 3, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Sacombank, đây là giai đoạn nghỉ ngơi, thăm dò kết quả kinh doanh quý I/2016 cũng như những thông tin liên quan đến các DN của không ít NĐT, khi mà ĐHCĐ đang bước vào mùa cao điểm.

Các thông tin về nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room), chia cổ tức, dự báo hoạt động kinh doanh là những chủ đề NĐT đang quan tâm nhất, vì vậy, trên TTCK sẽ có sự phân hóa lớn giữa các nhóm ngành và công ty.

Mặc dù vậy, ông Khanh cho rằng, thị trường vẫn trong trạng thái lạc quan hơn là bi quan với hoạt động kinh tế năm nay. Do đó, tuần tới, chỉ số chứng khoán nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp và có thể có vài phiên điều chỉnh, nhưng đây là cơ hội để NĐT tích lũy cổ phiếu.

Trong khi đó, dựa trên những dấu hiệu rủi ro xu hướng được ghi nhận trong 2 phiên đầu tuần này, CTCK FPT (FPTS) khuyến nghị NĐT nên tạm thời hạn chế các hoạt động giải ngân mới, nhằm tránh các biến động khó lường của xu hướng tiếp theo.

Theo FPTS, việc mua mới cần kiên nhẫn chờ các tín hiệu củng cố vùng hỗ trợ dưới hoặc một phiên bứt phá thực sự của các chỉ số lên khỏi mốc kháng cự quan trọng (tương ứng 580 điểm của VN-Index và 80,6 điểm của HNX-Index) để có cơ sở chắc chắn hơn về kịch bản kéo dài xu hướng tăng của thị trường chung. Trong đó, yếu tố thanh khoản cần được cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định mua bán.

Cụ thể, trong các phiên chỉ số giảm về ngưỡng hỗ trợ, thanh khoản thị trường cần sụt giảm để tạo nền tảng an toàn cho trạng thái tích lũy. Ở chiều ngược lại, nếu thanh khoản tiếp tục ngược chiều xu hướng, NĐT nên cân nhắc giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đã tăng “nóng” trong thời gian vừa qua.

Nhận định về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, ông Lê Sơn Tùng, Trưởng phòng Đầu tư và Tư vấn tài chính, CTCK Agriseco cho biết, thị trường đang có những diễn biến không mấy tích cực khi dòng tiền chưa được cải thiện, trong khi nhóm cổ phiếu trụ cột hiện bị “kìm kẹp” khi nhiều mã đang ở trong vùng kháng cự mạnh như VNM, MSN... Theo ông Tùng, trong ngắn hạn, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa vào những cổ phiếu có thông tin tích cực về kỳ ĐHCĐ, đặc biệt là thông tin về nới room hoặc chia cổ tức cao.

Diễn biến giao dịch trong thời gian qua cho thấy, một số ngành đã thu hút sự quan tâm trở lại của NĐT nhờ thông tin nới room, giá nguyên liệu hỗ trợ như ngành dược, thép, mía đường… và được dự báo sẽ tiếp tục “tạo sóng” trong ngắn hạn. Ở các nhóm khác như vận tải, bất động sản, dầu khí, là các nhóm ngành lớn, có những cổ phiếu đầu ngành, được kỳ vọng tiếp tục tạo sức hút đối với dòng tiền đầu tư.

Tin bài liên quan