Đại đa số NĐT trên TTCK Việt Nam là NĐT nhỏ lẻ, nên rất khó thực hiện chế độ sổ sách kế toán như các tổ chức kinh doanh (Ảnh: Hoài Nam)

Đại đa số NĐT trên TTCK Việt Nam là NĐT nhỏ lẻ, nên rất khó thực hiện chế độ sổ sách kế toán như các tổ chức kinh doanh (Ảnh: Hoài Nam)

“Kêu trời” vì thuế chứng khoán bất hợp lý (bài cuối)

(ĐTCK-online) “Thực tế áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán bộc lộc một số điểm bất hợp lý, nên Bộ Tài chính đang nghiên cứu để tìm biện pháp khắc phục", lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ với ĐTCK.

>> Bài 1: Đã chịu "thuế mẹ" còn bị đánh "thuế con"

>> Bài 2: Kỹ thuật đánh thuế chưa ổn

>> Bài 3: Các luật sư: Nhiều điểm “bất thường” là quá rõ

 

Bài cuối: Bộ Tài chính nói gì?

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trước thông tin về những phát sinh trong thực tiễn áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó có những bất hợp lý trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà NĐT phản ánh thời gian qua, lãnh đạo Bộ đã họp bàn nghiêm túc và quyết định thành lập một Tổ chuyên môn nghiên cứu thấu đáo vấn đề này.

Nhiệm vụ của tổ này là lắng nghe ý kiến của dư luận, các chuyên gia để tổng hợp, phân tích, trên cơ sở đó đối chiếu với thông lệ quốc tế, cũng như thực tiễn của Việt Nam nhằm đề xuất phương án sửa đổi Luật Thuế TNCN theo hướng hợp lý hơn. Trong đó, phải thể hiện được tư duy quan trọng của người làm chính sách thuế là không vì nguồn thu trước mắt, mà cần phát triển nguồn thu ổn định và bền vững về dài hạn. Trên thực tế, mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi Luật đưa ra mức thuế hợp lý hơn so với hiện tại.

Với đề nghị chia sẻ quan điểm dưới góc độ của người làm chuyên môn hơn là trên cương vị quản lý nhà nước,  lãnh đạo Bộ Tài chính nhìn nhận, Luật Thuế TNCN đưa ra 2 phương án nộp thuế để NĐT lựa chọn, nhưng sau một thời gian áp dụng đang gây lúng túng cho đối tượng chịu thuế.

Điều này cũng giống như lý sự đời thường, một khi bị đặt vào tình thế phải lựa chọn, bao giờ con người cũng phân vân, khó đưa ra quyết định thoả đáng. Để khắc phục tình trạng này, trong lần sửa đổi sắp tới, dự kiến Luật Thuế TNCN chỉ đưa ra một hình thức nộp thuế áp dụng cho NĐT chứng khoán. Bởi vậy, Bộ Tài chính rất mong nhận được ý kiến giàu tính khoa học, xác đáng của các chuyên gia, kể cả người nộp thuế để giúp cơ quan soạn thảo trình Chính phủ, Quốc hội một phương án sửa đổi khả thi nhất.

Theo đại diện Bộ Tài chính, đa số NĐT trên TTCK Việt Nam hiện là NĐT cá nhân, nhỏ lẻ. Với đặc thù này thì việc Luật Thuế TNCN đưa ra phương pháp kê khai (20% trên thu nhập) khi quyết toán thuế là khó khả thi, bởi NĐT nhỏ lẻ rất khó thực hiện chế độ sổ sách kế toán như các tổ chức kinh doanh.

Một số ý kiến cho rằng, để tháo gỡ tình trạng này chỉ cần bổ sung vào Luật các quy định về công nhận hoá đơn điện tử, nhưng như thế có ổn?

Hiện Việt Nam đã có Luật và Nghị định về giao dịch điện tử, đồng thời Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư hướng dẫn về hoá đơn điện tử trong lĩnh vực tài chính, nên việc bổ sung các quy định về hoá đơn điện tử vào Luật Thuế TNCN là có căn cứ pháp lý rõ ràng, cũng như không thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, rắc rối nằm ở chỗ hoá đơn điện tử có thống kê được tất cả các chi phí mà NĐT bỏ ra không?

Thực tế, khi tính chi phí để khấu trừ, ngoài chi phí hữu hình, còn có chi phí vô hình, nên tính khả thi của phương pháp đánh thuế này chưa thực sự thuyết phục. Chẳng hạn, khi xác định chi phí đầu tư, một NĐT lý sự rằng, anh ta mất 4 - 5 năm đào tạo ở nước ngoài về nghiệp vụ đầu tư chứng khoán để có được thành công trong các thương vụ đầu tư. Vậy chi phí chất xám của anh ta sẽ khác với những NĐT chỉ được đào tạo tại Việt Nam.

Theo thông lệ nhiều nước, họ không áp dụng kỹ thuật kê khai thuế, mà thay vào đó là khoán thuế. Đây là một kinh nghiệm đáng để Việt Nam học tập, nhưng không nên theo kiểu sao chép máy móc, mà cần tính đến đặc thù của NĐT trên TTCK Việt Nam để đưa ra một kỹ thuật đánh thuế khả thi, hợp lý nhất.

Một câu hỏi mà nhiều người đang nóng lòng muốn có câu trả lời là bao giờ sửa Luật Thuế TNCN? Theo vị lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ chính thức kiến nghị Chính phủ đưa nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2012, nhưng Bộ Tư pháp muốn trình Quốc hội xem xét sửa đổi ngay trong năm nay.