Kết thúc quý II/2022, thị trường tiền điện tử bốc hơi gần 2.000 tỷ USD, nhiều đồng tiền đứng đầu giảm từ 70 - 99% giá trị

Kết thúc quý II/2022, thị trường tiền điện tử bốc hơi gần 2.000 tỷ USD, nhiều đồng tiền đứng đầu giảm từ 70 - 99% giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến thời điểm sáng ngày 12/7, thị trường tiền điện tử có 12/100 mã tăng điểm. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa - Bitcoin giảm 3,04%, còn 19.958 USD/BTC.

Giá Bitcoin đã có phiên giảm thứ 4 liên tiếp để từ đó xóa sạch mọi nỗ lực phục hồi trong tuần vừa qua, khi có thời điểm bật lên trên 22.000 USD. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, giá Bitcoin đã không còn giữ được mốc tâm lý quan trọng 20.000 USD và đang được giao dịch trong phạm vi hẹp xung quanh vùng 19.900 USD.

Cùng với việc chỉ số đồng USD (DXY) tiếp tục tăng mạnh đạt 108,14, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2002 và sự đi xuống của chứng khoán Mỹ trong phiên vừa qua cho thấy tâm lý có phần lo ngại của giới đầu tư trước báo cáo lạm phát sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 13/4.

Báo cáo này sẽ quyết định nhiều tới việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất nhanh như thế nào và tới mức nào để chống lại sự leo thang của giá cả.

Giới phân tích dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ sẽ tăng mạnh hơn mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5. Chỉ số CPI theo ước tính sẽ rơi vào 8.8%, cao hơn 0.2% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, chỉ số Core CPI không bao gồm thực phẩm và năng lượng thấp hơn tháng trước ở mức 5.7%. Có thể thấy, CPI tăng bởi lạm phát tăng chủ yếu ở thực phẩm và xăng dầu.

Số người khai thất nghiệp của tháng 6 cũng sẽ được công bố trong tuần này. Ước tính con số khai thất nghiệp sẽ giảm so với tháng trước. Những báo cáo liên quan đến lạm phát và thất nghiệp cũng sẽ tác động đến những quyết định trong cuộc họp trong tháng 7 của FED.

Một con số gây bất ngờ có thể dẫn tới xáo trộn mạnh trên thị trường tài chính Mỹ, thậm chí là toàn cầu.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tiếp tục ở trên kỳ hạn 10 năm, tạo nên hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược. Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia coi sự đảo ngược này là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế.

Tính từ đầu năm cho đến nay, giá trị của Bitcoin đã giảm 69% so với mức đỉnh kỷ lục, cùng với đó giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử cũng đã bốc hơi khoảng 2 nghìn tỷ USD và đang dao động quanh khoảng 910 tỷ USD. Mọi tài sản lớn trong bảng xếp hạng 10 coin hàng đầu (ngoại trừ stablecoin) đều giảm hơn 65% trở lên theo giá trị USD.

Ở thời điểm hiện tại, giá của Bitcoin đã giảm xuống dưới đường MA 21 và nếu tiếp tục giảm xuống dưới đường trendline thì khả năng đáy mới của loại tài sản này sẽ được thiết lập mới.

Tâm lý thị trường cũng đang dần chuyển sang tiêu cực, khi chỉ báo Sợ hãi và Tham lam lại tiếp tục giảm sâu trong vùng “sợ hãi tột độ”, sau khi phục hồi nhẹ trong ngày hôm qua.

Thị trường đỏ rực trong phiên giao dịch ngày 12/7. Nguồn: Coin360.
Thị trường đỏ rực trong phiên giao dịch ngày 12/7. Nguồn: Coin360.

Cùng với Bitcoin, cả 10/10 đồng tiền điện tử đứng đầu đều giảm giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum giảm 5,34% còn 1.092 USD; Binance Coin giảm 2,26% còn 226,14 USD; XRP giảm 3,51% còn 0,31 USD; Cardano giảm 3,93% còn 0,44 USD; Solana giảm 4,92% còn 33,89 USD; DOGE giảm 5,91% còn 0,062 USD; Polkadot giảm 2,25% còn 6,61 USD; TRON giảm 2,16% còn 0,065 USD; SHIB giảm 5,65% còn 0,00001 USD.

Việc giá Bitcoin liên tục lao dốc trong các phiên gần đây đã khiến bầu không khí trên thị trường vô cùng ảm đạm, gần như mức hồi phục của các altcoin trong tuần vừa qua đã bị xóa sạch trong phiên giao dịch ngày hôm nay.

Đồng ETH cũng đã bị ảnh hưởng bởi đà sụt giảm của Bitcoin, khi ghi nhận khoản lỗ hơn 5% trong vòng 24h qua, tương ứng với khoản lỗ hơn 5% trong vòng 7 ngày qua và đã mất mốc 1.100 USD.

Kể từ sau khi blockchain Ethereum thử nghiệm thành công Merge trên testnet công khai Sepolia, giá ETH đã tăng lên mức cao gần 1.280 USD vào ngày 8/7. Tuy nhiên, đà hồi phục của đồng tiền dẫn dắt các altcoin đã không thể được nối dài mà thay vào đó quay đầu giảm dần đều cho đến thời điểm hiện tại.

Theo giới chuyên gia phân tích nhận định, phe bò cần phải vượt qua ngưỡng kháng cự 1.200 USD nếu muốn thực hiện động thái duy trì cao hơn, trong khi gấu đang cố giữ vững mức kháng cự được cung cấp từ đường trung bình động hàm mũ (EMA) 21 ngày và tiếp tục thúc đẩy áp lực giảm.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 910 tỷ USD, giảm 28 tỷ USD so với ngày 7/7.

Tin bài liên quan