Nới lỏng định lượng hay mua lại tài sản bằng các tiền in thêm đã thành con “ngựa thồ” của các chính sách tiền tệ kể từ khi lãi suất của các quốc gia giàu có giảm xuống gần bằng 0 trong giai đoạn 2008 - 2009.
Bất chấp sự mở rộng của chương trình này, rất nhiều ý kiến cho rằng, đó là một công cụ tiền tệ kỳ cục, thậm chí có thể nguy hiểm. Tuy nhiên, việc kết thúc QE3 có thể sẽ khiến nền kinh tế lỡ mất những lợi ích lớn.
Những người gièm pha QE chỉ ra rằng, các ngân hàng trung ương của các nước giàu đã tăng thêm hàng tỷ USD trên bảng cân đối kế toán trong những năm gần đây, nhưng nền kinh tế vẫn lờ đờ trên con đường hồi phục. Tuy nhiên, có một điểm mà các nhà nghiên cứu phải nhất trí là, QE thực ra đã giảm chi phí đi vay và do đó đã tăng cả đầu ra nền kinh tế và lạm phát. Ở cả Mỹ và Anh, nhiều nghiên cứu đã kết luận, công cụ này đã giúp giảm lãi suất - nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những nghiên cứu gần đây của Martin Weale và Tomasz Wieladek của Ngân hàng Trung ương Anh chỉ ra, mỗi 1% GDP Fed chi cho trái phiếu, cả đầu ra kinh tế và lạm phát tăng khoảng 1,3%.
Vậy tại sao các ngân hàng trung ương không làm mạnh hơn? Sự lạc quan thái quá là một trong những nguyên nhân. Ví dụ như Fed đã liên tục ước tính quá về tăng trưởng kinh tế Mỹ. Những nỗi lo về tác dụng tiêu cực của công cụ này vẫn còn đó và những nỗi lo cho rằng QE đang gây ra những bất ổn tài chính nguy hiểm vẫn dai dẳng. Jeremy Stein, nằm trong Hội đồng Thống đốc của Fed từ năm 2012 -2014 cho rằng, lãi suất liên tục giữ ở mức thấp sẽ khiến nhà đầu tư lao vào các tài sản rủi ro, hòng tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Những ý kiến phản đối còn cho rằng, QE có thể đang xây nên một ngôi nhà tài chính bằng những lá bài và khi nó sụp đổ, hậu quả sẽ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào đã từng có.
Rất khó để đánh giá chính xác những lo ngại này cho đến khi thời gian có thể kiểm chứng, nhưng có những lý do tốt để tin rằng những lo ngại đó hơi quá. Phần lớn các lãnh đạo ngân hàng trung ương khẳng định họ có công cụ để kiểm soát thường xuyên các rủi ro phát sinh quá mức cho phép (mặc dù những bằng chứng gần đây cho thấy họ không làm được tốt như thế). Những nghiên cứu gần đây của Gabriel Chodorow - Reich thuộc trường Đại học Harvard chỉ ra những rủi ro mà QE tạo ra không cao lắm so với lợi ích mà nó mang lại.
“Các đợt mua tài sản giúp bơm vốn cho các ngân hàng yếu và giá trị tài sản cao lên đã giảm bớt các hành vi rủi ro”, Gabriel Chodorow - Reich thừa nhận.
Điểm phê phán thứ ba đối với QE là công cụ này làm gia tăng sự bất bình đẳng. Việc mua tài sản về bản chất làm tăng giá tài sản trong khi chính nhóm giàu sở hữu phần lớn các tài sản tài chính. Tuy nhiên, QE lại thúc đẩy tăng trưởng, qua đó giúp giảm bất bình đẳng, bởi nếu thất nghiệp xảy ra, hậu quả còn lớn hơn: những người lao động nghèo chịu tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thu nhập bị cắt giảm nhiều hơn. Lạm phát tăng cao cũng giúp nợ nần trở nên dễ chịu hơn, vì người đi vay sẽ trả nợ bằng món tiền rẻ hơn so với lúc vay (người đi vay thường nghèo hơn những người cho vay). Do đó, QE thực ra lại giúp xóa bớt sự bất bình đẳng. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, chính sách thắt chặt tiền tệ thực chất lại có xu hướng gia tăng bất bình đẳng hơn là những chính sách nới lỏng.
Nếu QE thực sự hoạt động và những chi phí dự tính của nó bị cường điệu, liệu Fed có nên duy trì chương trình này hay không? Những người ủng hộ việc kết thúc QE lưu ý rằng, tăng trưởng thực tế đã mạnh và đều trong phần lớn thời gian của năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,9% đã gần đạt mức trung bình trong dài hạn. Nhưng lịch sử lại cho thấy, bỏ QE không bao giờ là đơn giản.
Chừng nào lãi suất vẫn còn gần bằng 0, bất cứ một biến chuyển xấu nào cũng sẽ buộc Fed phải sử dụng lại công cụ đó hoặc sẵn sàng sử dụng lại khi nền kinh tế suy giảm. Những kỳ vọng về lạm phát giảm thấp cho thấy thị trường nghi ngờ khả năng của Fed trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình trệ kiểu Nhật. Việc kết thúc sớm gói QE3 đem đến khả năng sẽ lại có gói QE4.