CTCK hưởng lợi từ chứng khoán
Quý I thường là quý mà DN đạt lợi nhuận ít nhất trong năm, do thời gian nghỉ lễ dài. Tuy nhiên, với các CTCK, việc này không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận quý I/2013, do TTCK sôi động và các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận.
Theo đó, CTCK Sài Gòn cho biết, lãi hợp nhất trước thuế gần 190 tỷ đồng trong quý I/2013. Một số CTCK khác dự kiến lợi nhuận quý I/2013 khả quan như: CTCK TP. HCM ước đạt 83,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, CTCK VNDirect ước lãi sau thuế 27,3 tỷ đồng, CTCK Sài Gòn - Hà Nội ước lãi sau thuế 8,7 tỷ đồng, CTCK Bảo Việt ước đạt 34,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, CTCK Ngân hàng Công thương ước đạt 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế…
So sánh với quý I/2012, lợi nhuận nhiều CTCK công bố hiện nay không lớn bằng, nhưng chất lượng các nguồn thu nhập trong quý I/2013 có sự cải thiện. Theo đó, trong quý I/2012, nhiều CTCK có khoản lợi nhuận đến từ hoàn nhập dự phòng, trong khi năm nay, lợi nhuận đến chủ yếu từ đầu tư, thu phí môi giới và dịch vụ tài chính.
Doanh nghiệp ngành thép khởi sắc
Trong quý I niên độ tài chính 2012 - 2013 (tức quý IV/2012), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) báo lãi 145,5 tỷ đồng trước thuế, tăng 26% so với cùng kỳ niên độ tài chính 2011 - 2012. Sự thay đổi này có nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí tài chính giảm mạnh. Nhưng sang quý II của niên độ tài chính (tức quý I/2013), ngoài yếu tố chi phí tài chính giảm, HSG còn có một yếu tố nữa dự báo sẽ mang lại kết quả khả quan cho Công ty, đó là sự ấm trở lại của thị trường thép.
CTCP Thép Việt Ý công bố lãi 21 tỷ đồng trong quý I/2013, tăng mạnh so với con số lợi nhuận cùng kỳ năm 2012 là hơn 9 tỷ đồng.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2013, Ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, quý I/2013, HPG đã hoàn thành 37,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2013, đạt 450 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 200 tỷ đồng lãi quý I/2012.
Một DN ngành thép khác là CTCP Đầu tư thương mại SMC công bố hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2013 ngay khi kết thúc quý I, đạt 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên kế hoạch 70 tỷ đồng lợi nhuận cả năm.
Việc nhiều DN ngành thép công bố kết quả kinh doanh khả quan không chỉ cho NĐT thấy cơ hội đầu tư vào DN nhóm này đang lớn lên, mà còn là chỉ số quan trọng cho dự báo hoạt động đầu tư xây dựng bất động sản, công trình xây dựng cơ bản đang ấm dần lên.
Bất động sản, tàu biển vẫn khó khăn
Tính đến ngày 18/4/2013, chưa có nhiều DN ngành xây dựng, bất động sản công bố báo cáo tài chính quý I/2013 hay ước tính lợi nhuận quý. Tuy nhiên, những DN trong nhóm này đã công bố lợi nhuận đều đưa ra số lãi rất thấp, như Vinaconex 7, Sông Đà 10.1, Dầu khí IDICO, Contrexim số 8… đều có con số lãi dưới 1 tỷ đồng. Một số DN khác như Sông Đà 9, Tasco ước lợi nhuận lớn hơn, nhưng về cơ bản đều rất thấp so với quy mô vốn chủ sở hữu.
Trên thực tế, với tình trạng trầm lắng kéo dài của thị trường bất động sản, khả năng cao là nhiều DN ngành này sẽ ghi nhận doanh thu thấp, hoặc có doanh thu đi kèm với lỗ (trừ một số trường hợp có lợi nhuận bất thường).
Tương tự lĩnh vực bất động sản, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển và cho thuê tàu trong quý I/2013 dự kiến tiếp tục ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh chính. Theo tìm hiểu của ĐTCK, giá cước vận tải không tăng, nhu cầu vận tải thấp khiến các DN trong ngành chỉ dám đặt mục tiêu lỗ ít nhất từ mảng này. Với những DN có “của để dành” là các tài sản định giá thấp, hoặc đã khấu hao hết nhưng vẫn còn giá thị trường lớn như: tàu biển, đất đai, diện tích cảng…, thì việc thanh lý các tài sản là hướng đi gần như duy nhất để DN hạch toán lãi cuối kỳ kế toán.
Dược, dịch vụ dầu khí, hóa chất dầu khí giữ vững phong độ
Đối với các DN hoạt động trong chuỗi giá trị chính yếu của “họ” dầu khí như dịch vụ dầu khí, kinh doanh hóa chất dầu khí…, thì hoạt động kinh doanh về cơ bản duy trì tốt trong thời gian gần đây.
Quý I/2013, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PVDrilling (PVD) đạt trên 420 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi kế hoạch cả năm là 1.450 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2012, doanh thu, lợi nhuận quý I/2013 của PVD tăng tương ứng 23% và 11%, chủ yếu là do giá cho thuê giàn khoan tăng xấp xỉ 15% so với cuối năm 2012.
Một DN lớn khác là Tổng công ty Khí - CTCP (GAS) công bố lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý I/2013 đạt gần 4.160 tỷ đồng (trong đó có 1.100 tỷ đồng được hoàn nhập từ Quỹ khoa học công nghệ do GAS không sử dụng), xấp xỉ 41% mức lợi nhuận thực hiện trong cả năm 2012.
Các DN thuộc ngành dược dù đa số chưa có báo cáo tài chính quý I/2013, nhưng được dự báo chung là có kết quả kinh doanh khả quan. DN đầu tiên trong nhóm này công bố lợi nhuận quý I/2013 là Traphaco, với 28,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2012.
Lợi nhuận doanh nghiệp chế biến thủy sản giảm mạnh
Năm 2012, nhiều DN niêm yết ngành chế biến thủy sản ghi nhận con số lợi nhuận khá ấn tượng. Nhưng năm 2013, khởi đầu với các DN này có vẻ không mấy thuận lợi. Những DN lớn như Thủy sản Minh Phú, Gò Đàng, Hùng Vương chưa công bố lợi nhuận quý I/2013, nhưng bức tranh lợi nhuận của ngành được “vẽ” bởi báo cáo tài chính của các DN đã công bố khá trầm.
CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre có lợi nhuận quý I/2013 gần 14 tỷ đồng, giảm 50%; CTCP Thủy sản Bạc Liêu lãi 761 triệu đồng, giảm gần 65%; CTCP Thủy sản Mekong lãi 1,22 tỷ đồng, giảm gần 83% so với quý I/2012.
Đến chiều 18/4/2013, trên cả 2 Sở GDCK Hà Nội (HNX) và TP. HCM (HOSE) mới ghi nhận trên 50 báo cáo tài chính (BCTC) quý I của các DN niêm yết. Trong khi đó, hạn cuối cùng để các DN công bố báo cáo tài chính quý là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp DN là công ty mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì thời hạn công bố thông tin là 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
Các DN đã công bố BCTC, hầu hết đều có kết quả kinh doanh có lãi, dù con số rất khiêm tốn. Chưa có công ty nào đã công bố BCTC có lợi nhuận trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, khoảng 30% số DN này có lợi nhuận sau thuế quý I/ 2013 dưới 1 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận của 38 DN công bố BCTC đầu tiên chỉ đạt 314 tỷ đồng và 2/3 tổng số lợi nhuận này tập trung vào 6 DN.