Tháng 3 đã khép lại với mức dao động gần như không đáng kể của chỉ số VN-Index, nhưng nhiều cổ phiếu đã tăng vượt trội. Đó là các cổ phiếu ngành vận tải, phân bón, dầu khí... Điều này cho thấy, dù thị trường chung đi ngang, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời tốt, nếu chọn đúng cổ phiếu.
Vì sao điều trên lại diễn ra? Vì trong một nhịp tích lũy đi ngang, dòng tiền sẽ chuyển từ dòng cổ phiếu tăng chốt lãi qua dòng chưa tăng và ngược lại. Thanh khoản giảm dần là lý do giúp nhóm cổ phiếu nhỏ tăng nóng.
Bước sang tháng 4, thị trường đã chứng kiến một phiên mở màn ấn tượng, khi chỉ số VN-Index tăng 24,29 điểm trong phiên đầu tháng, lên 1.516,44 điểm. Sắc xanh bao phủ trên đa số cổ phiếu, cộng với việc các cổ phiếu “họ” FLC được “giải cứu”, khiến nhà đầu tư có thể tạm gác những âu lo về ảnh hưởng tiêu cực từ việc cựu Chủ tịch FLC bị bắt vì tội thao túng giá cổ phiếu và thông tin về sai phạm của một số lãnh đạo và cựu lãnh đạo ngành chứng khoán được công bố.
Có lẽ câu hỏi với nhiều nhà đầu tư lúc này là liệu tâm lý hưng phấn trong phiên cuối tuần qua có kéo dài, hay là sẽ nhanh chóng nguội đi để bắt đầu cho một downtrend? Câu trả lời ghi nhận từ nhiều chuyên gia phân tích là khó có khả năng xảy ra.
Cơ sở cho luận điểm này là, thông tin quý I được Tổng cục Thống kê công bố tuần qua cho thấy nhiều yếu tố vĩ mô vẫn khá tốt, bên cạnh đó là thông tin về doanh nghiệp dồn dập tung ra trong giai đoạn cao điểm mùa đại hội cổ đông. Trong nhịp giảm điểm của thị trường cuối tháng 2, đầu tháng 3, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraina, chỉ số VN-Index cũng chỉ về tới 1.435 điểm rồi lại bật lên.
Các nhịp giảm tháng 4 sẽ là nhịp giảm phân hóa lại các nhóm cổ phiếu đầu tư. Tiền đề của điều này chính là những nhóm cổ phiếu đã tăng nóng như thép, phân bón, dầu khí có thể có nhịp giảm mạnh và những nhóm cổ phiếu chưa tăng bắt đầu có tính hiệu dẫn dắt xu hướng mới.
Bên cạnh đó, giá của cổ phiếu sẽ có những nhịp điều chỉnh tương ứng với kết quả kinh doanh dần được hé lộ. Các cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian trước nhưng kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng sẽ bị điều chỉnh. Các cổ phiếu đi ngang nhưng kết quả kinh doanh lại tốt sẽ bắt đầu xu hướng tăng mới...
Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản sẽ ra sao trong quý II?
Thực tế, có nhiều nhà đầu tư đã lãi rất đậm từ nhóm ngành này. Việc cổ phiếu ngành này tăng cũng rất đơn giản và dễ hiểu, là do giá bán của các mặt hàng sản xuất đang tăng mạnh do tình hình thiếu hụt cung cũng như giá dầu tăng mạnh tạo lạm phát làm giá hàng hóa thế giới bật tăng.
Cho nên, nhà đầu tư cần cập nhật tình hình chiến sự cũng như giá hàng hóa mà doanh nghiệp mình đầu tư ra sao. Trên hết, cần xem xét liệu đà tăng giá cả hàng hóa trên thị trường có phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hay không.
Vậy, có thể đầu tư nhóm cổ phiếu nào trong ngắn hạn cho giai đoạn sắp tới?
Trước khi bàn đến điều này, nhà đầu tư cần lưu ý diễn biến tuần qua đó là phiên giao dịch tăng điểm mạnh thì khối lượng khớp lệnh giảm sút cho thấy sự thận trọng của dòng tiền ở mức giá cao.
Thông tin GDP quý I/2022 của Việt Nam ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt đà tăng trưởng của nền kinh tế và sự khởi sắc của ngành dịch vụ có thể là một chỉ báo cho nhóm ngành tiềm năng trong quý II.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm và bán lẻ - có khối lượng giao dịch tăng mạnh gần đây - cũng là hai nhóm được hưởng lợi từ số liệu sức cầu tiêu dùng và chỉ số lạm phát.
Tín hiệu từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản cũng là cơ sở để nhà đầu tư có thể tự tin xuống tiền. Khi thị trường có dòng dẫn dắt rõ ràng, sẽ có động lực để thị trường thoát khỏi mô hình tam giác từ đầu năm đến nay.