Về dữ liệu kinh tế, doanh số bán nhà ở Mỹ trong tháng 3 giảm xuống mức thấp nhất 1 năm, nhưng tín hiệu tích cực là xu hướng giảm đã có dấu sắp kết thúc.
Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Dow Jones tăng 65,12 điểm (+0,40%), lên 16.514,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,66 điểm (+0,41%), lên 1.879,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 39,91 điểm (+0,79%), lên 4.161,46 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch đầy hứng khởi khi trở lại sau 2 phiên nghỉ lễ. Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên giao dịch thứ Ba (22/4) cũng nhờ kết quả kinh doanh khả quan được công bố và hoạt động M&A trong lĩnh vực dược phẩm. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn được hỗ trợ khi Ủy ban châu Âu công bố báo cáo cho thấy, niềm tin tiêu dùng khu vực đồng tiền chung tăng hơn kỳ vọng trong tháng 4. Chỉ số niềm tin tiêu dùng khu vực tăng 3,4% kể từ giữa tháng 4 và chỉ còn cách mức cao gần 6 năm 0,5%.
Kết thúc phiên 22/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 56,51 điểm (+0,86%), lên 6.681,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 190,38 điểm (+2,02,%), lên 9.600,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 52,40 điểm (+1,18%), lên 4.484,21 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á. Chứng khoán Nhật Bản có diễn biến khá giống với phiên trước đó khi mở cửa với sắc xanh nhờ ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ trước đó. Tuy nhiên, thị trường này sau đó nhanh chóng hạ nhiệt và đi ngang trong phần lớn thời gian còn lại trước khi lao dốc cuối phiên và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày khi nhà đầu tư thận trọng trước mùa báo cáo lợi nhuận sắp tới của các doanh nghiệp và tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Trong khi đó, báo cáo thứ Ba cho biết, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tuyên bố sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại nông thôn. Động thái này là một nới lỏng chính sách tiền tệ để cố gắng kích thích khu vực nông nghiệp của nền kinh tế Trung Quốc.
Thông tin này giúp chứng khoán Trung Quốc phục hồi trở lại sau những phiên giảm điểm, đặc biệt là phiên giảm mạnh đầu tuần. Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ khi giao dịch trở lại sau ngày nghỉ lễ.
Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 123,61 điểm (-0,85%), xuống 14.388,77 điểm. Chứng khoán Hồng Kông giảm 29,56 điểm (-0,13%), xuống 22.730,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 7,00 điểm (+0,34%), lên 2.072,83 điểm.
Giá vàng tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Ba (22/4), xuống mức thấp nhất 9 tuần. Hoạt động bắt đáy ngắn hạn đã bị đánh bại bởi lực bán kỹ thuật và lệnh bán tự động. Bên cạnh đó, giá vàng cũng chịu áp lực bởi dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ và mới đây là niềm tin tiêu dùng của khu vực đồng tiền chung.
Kết thúc phiên 22/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 6,60 USD (-0,51%), xuống 1.283,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 7,4 USD (-0,57%), xuống 1.281,1 USD/ounce.
Sau chuỗi ngày tăng giá do lo ngại cuộc khủng hoảng ở Ukriane và dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ, giá dầu đã giảm mạnh trong phiên 22/4 khi Mỹ công bố dự trữ dầu đang tăng dần và gần chạm mức kỷ lục.
Kết thúc phiên 22/4, giá dầu thô Mỹ giảm 2,24 USD (-2,19%), xuống 102,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,68 (-0,62%), xuống 109,27 USD/thùng.