Hậu quả của viêc tăng trưởng nóng đã bộc lộ nhiều bất cập trên vĩ mô lẫn vi mô. Nhiều công ty chứng khoán đã phá sản, các cổ phiếu bị “treo giò”, nhiều doanh nghiệp mở rộng ra khỏi ngành nghề cốt lõi bị thua lỗ vì đầu tư chứng khoán.
Vấn đề bung vỡ tại Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, cùng hàng loạt các trường hợp vi phạm quy định công bố thông tin khi các báo cáo tài chính đã không phản ảnh đầy đủ sự sụt giảm trong đầu tư kinh doanh, bán hàng tiêu thụ sản phẩm, không trích lập dự phòng, nợ khó đòi..., đã xảy ra trong giai đoạn này trên TTCK Việt Nam.
Tất cả làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, họ phản ứng và yêu cầu sự công khai và minh bạch. Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất trên TTCK Việt Nam đã ra đời trong bối cảnh như vậy.
10 năm trước, trong bối cảnh khủng hoảng, đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc thực hiện ý tưởng thành lập Cuộc bình chọn, nhiều câu hỏi lo ngại cho Ban tổ chức là làm sao kiểm tra được tính minh bạch của các báo cáo thường niên?
Chuyện gì xảy ra nếu các doanh nghiệp được vinh danh sau đó mới phát hiện làm ăn thua lỗ và không minh bạch? Ban tổ chức sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này? Làm sao để đảm bảo tính khách quan trong công tác chấm giải? Nguồn lực nào để đảm bảo cuộc bình chọn phục vụ được mục tiêu dài hạn?
Rất nhiều quan ngại trong thời điểm thị trường không mấy thuận lợi. Thật sự không phải dễ dàng để Cuộc bình chọn có thể phát triển các ý tưởng, tìm được các đối tác tin cậy, hiểu nhau, dám làm dám chịu, không thương mại hóa và cùng một mục tiêu chung: Vì một thị trường minh bạch và phát triển ổn định.
Cho đến nay, qua hành trình 10 năm, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất đã trở thành một sự kiện quan trọng hàng năm của TTCK Việt Nam, nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp niêm yết trên cả nước. Theo thời gian, cùng với Ban Tổ chức gồm Sở GDCK TP.HCM, Sở GDCK Hà Nội, Báo Đầu tư Chứng khoán và Dragon Capital, Cuộc bình chọn nhận được hợp sức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và những hỗ trợ kỹ thuật đắc lực từ các chuyên gia từ đến từ các tổ chức uy tín như IFC, ACCA, VCCI, gần đây nhất là KPMG, PwC, E&Y và Deloitte.
Cuộc bình chọn là khởi nguồn cho nhiều hoạt động tạo giá trị gia tăng liên quan đến hướng dẫn, đào tạo và trao đổi hai chiều với các công ty niêm yết trong công tác quản trị rủi ro, quan hệ với nhà đầu tư, thiết lập báo cáo phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ tốt của quốc tế, đây chính là tiền đề ra mắt Bộ chỉ số phát triển bền vững VN Sustainability Index (VNSI).
Trong những năm tới, chúng tôi dự kiến sẽ nâng tầm Cuộc bình chọn, tập trung và tăng cường hơn nữa việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về quản trị công ty, quản trị rủi ro để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng công bố thông tin và tính cạnh tranh.
Những nỗ lực này được thực hiện với mong muốn mở ra các cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn khu vực và quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng những nỗ lực đẹp, hướng các doanh nghiệp và TTCK Việt Nam đến chuẩn mực cao hơn.