Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Chủ tịch UBĐP chung khu vực TGPT của Việt Nam, ông Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, khu vực TGPT rất giàu tiềm năng với diện tích đất đai rộng lớn nhưng kết cấu hạ tầng còn thấp, nguồn lực còn hạn chế là những thách thức lớn trong hợp tác của khu vực TGPT.
“Cần phải đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của khu vực TGPT của ba nước cao hơn bình quân của ba quốc gia và không thể để khu vực này tụt hậu xa so với các vùng khác. Kết nối hạ tầng, tăng cường đầu tư của mỗi quốc gia cho khu vực TGPT sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế thương và thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho khu vực này,” Bộ trưởng Vinh nói.
Hai trong số các giải pháp Bộ trưởng Vinh đề xuất tại Hội nghị UBĐP lần thứ 10 để chính phủ ba nước phối hợp triển khai nhanh và hiệu quả trong thời gian tới đã nhận được sự đồng thuận của đồng Chủ tịch UBĐP chung của Lào và Campuchia, bao gồm thúc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Hà Nội (Việt Nam) và Viêng – Chăn (Lào), tuyến đường cao tốc kết nối TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Phnôm Pênh (Campuchia), và tập trung ưu tiên thu hút nguồn lực cho các dự án trồng và chế biến cao su – một trong những lĩnh vực thế mạnh của khu vực TGPT ba nước.
Nằm trong kế hoạch kết nối giao thông ba nước, Bộ trưởng Vinh cho biết phía Việt Nam đã đề xuất đưa vào quy hoạch dự án xây dựng tuyến đường sắt kết nối TP.Viêng – Chăn (Lào) với Cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) với chiều dài 100 km, đồng thời đang kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho dự án xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh đi Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) dài 128 km, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương cho khu vực TGPT.
Trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đang phối hợp với các bộ chuyên ngành của Campuchia và Lào để hoàn tất báo cáo nghiên cứu phát triển cây cao su, đặc biệt gắn với công nghiệp chế biến trong khu vực TGPT, đồng thời tổ chức các đoàn thăm quan học tập kinh nghiệm các mô hình trồng và chế biến cao su tại Việt Nam trong thời gian tới. Dự kiến, 5 tỉnh thuộc TGPT của Việt Nam có thể mở rộng thêm 135.000 héc-ta trồng mới cây cao su.
Khu vực TGPT Campuchia – Lào – Việt Nam gồm 13 địa phương của ba nước có tổng diện tích 144.200 km2 và dân số ước 7 triệu người. Việt Nam có 5 tỉnh nằm trong khu vực TGPT bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk-Lăk, Đăk Nông và Bình Phước có diện tích 51.700 km2 và dân số 5,2 triệu người. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2014-2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 5 tỉnh này ước đạt 8%/năm và thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 1.600 USD/năm, bằng 72,7% mức bình quân chung của Việt Nam.
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, Việt Nam đang có 62 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD tại 4 tỉnh thuộc TGPT của Lào, và 47 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD tại 4 tỉnh thuộc TGPT của Campuchia. Các dự án này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây cao su, khai khoáng và thủy điện. Tuy nhiên, phía Lào và Campuchia hiện chưa có dự án đầu tư nào trong 5 tỉnh thuộc TGPT của Việt Nam.
Đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, khu vực TGPT ba nước mới triển khai một dự án hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản trị giá 20 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng của các tỉnh trong khu vực. Ngân hàng phát triển Châu Á cũng đang hỗ trợ 800.000 USD để tiến hành nghiên cứu khả thi xây dựng dự án “Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới cho 5 tỉnh khu vực TGPT của Việt Nam” với tổng vốn vay ưu đãi khoảng 100 triệu USD.