Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD khẳng định, VSD sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các thành viên kết nối bộ điện tín chuẩn để trong vòng ba năm tới, toàn bộ các thành viên đều kết nối trực tuyến với VSD.
Được biết, hiện mới chỉ có 10 thành viên áp dụng bộ điện tín mới. Xin ông cho biết về lộ trình áp dụng bộ điện tín mới để các thành viên thị trường cùng được tham gia?
Từ 1/7/2015, VSD đã chính thức áp dụng bộ điện tín chuẩn ISO15022 trên cổng giao tiếp trực tuyến, cho phép các giao dịch tác nghiệp trên hệ thống lõi (Core) của thành viên được truyền trực tiếp đến VSD, thay vì qua hệ thống máy trạm như hiện nay.
Để có được kết quả này, VSD đã mất hơn hai năm tìm hiểu về bộ điện tín chuẩn ISO15022 - bộ điện được áp dụng rộng rãi cho các giao dịch quốc tế trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán và ngân hàng - cũng như chuẩn bị về hạ tầng, giải pháp kết nối và làm việc với các đối tác có liên quan.
Điểm đặc biệt của dự án này là toàn bộ các mẫu điện ISO15022 tích hợp trên hệ thống của VSD đã được các chuyên gia của SWIFT tư vấn đánh giá đáp ứng theo đúng chuẩn mà các thị trường khác đã áp dụng.
Về lộ trình thực hiện, thành viên được quyền lựa chọn tham gia kết nối và áp dụng toàn bộ hoặc một số giao dịch với hệ thống cổng giao tiếp tại bất kỳ thời điểm nào trên cơ sở đăng ký và đáp ứng điều kiện về kỹ thuật theo quy định của VSD.
Trong quá trình thử nghiệm ứng dụng điện tín chuẩn ISO15022, có 14 thành viên tham gia và chúng tôi rất vui mừng vì đến 1/7/2015, đã có 10/14 thành viên kết nối thành công với VSD.
Nhiều CTCK chưa triển khai kết nối bộ điện tín chuẩn cho biết, họ sẵn sàng thực hiện kết nối khi đủ điều kiện. Như vậy, CTCK phải đạt được tiêu chí cụ thể nào mới được tham gia vào hệ thống mới, thưa ông?
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên lưu ký trong đó có các CTCK kết nối được với cổng giao tiếp trực tuyến thông qua bộ điện chuẩn ISO15022, VSD đã ban hành Quyết định 79/QĐ-VSD về Hướng dẫn xử lý các nghiệp vụ qua Cổng giao tiếp trực tuyến, hướng dẫn chi tiết về bộ điện chuẩn cũng như các điều kiện, tiêu chí cụ thể để thành viên có thể kết nối với VSD.
Theo đó, thành viên cần chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật như đường truyền kết nối, các thiết bị và phần mềm tin học cần thiết (đối với thành viên đang sử dụng cổng giao tiếp điện tử thì sử dụng đường truyền hiện có và bổ sung thêm 1 máy Gateway client). Ngoài ra, thành viên cũng cần chuẩn bị nhân sự tin học có chuyên môn về mạng máy tính và tiến hành tích hợp các điện nghiệp vụ theo quy định của VSD với hệ thống phần mềm nghiệp vụ của thành viên.
Theo quy định của VSD, sau 03 năm (kể từ ngày 19/6/2015) mọi thành viên của VSD phải đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật và nhân sự để chuyển sang áp dụng phương thức kết nối trực tuyến với VSD. Do cơ chế kết nối trực tuyến được thực hiện trực tiếp giữa hệ thống lõi (core) của thành viên với VSD, nên các giao dịch giữa VSD với 10 thành viên đầu tiên đã có kết nối với cổng giao tiếp trực tuyến của VSD đến nay đều diễn ra thông suốt, an toàn và chuẩn xác nhờ hạn chế sự can thiệp của con người ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó, hiện đã có thêm một số thành viên khác cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị và đang phối hợp với VSD để thử nghiệm nghiệp vụ trên cổng giao tiếp trực tuyến thông qua bộ điện chuẩn ISO 15022.
VSD cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa cho thành viên khi kết nối và tin rằng với những ưu việt của việc áp dụng điện tín chuẩn ISO15022 trên cổng giao tiếp trực tuyến, trong thời gian tới sẽ ngày càng nhiều các thành viên kết nối với VSD qua phương thức này.
Ông có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển các sản phẩm/dịch vụ mà VSD dự kiến sẽ đưa ra thị trường trong thời gian tới?
Từ một Trung tâm Lưu ký chứng khoán chuyên cung cấp dịch vụ sau giao dịch truyền thống cho thị trường giao ngay, đến nay, VSD đã hướng tới cung cấp các dịch vụ mới và các dịch vụ gia tăng như: triển khai các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường quỹ với việc cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho quỹ mở, cung cấp hệ thống quản lý quỹ hoán đổi danh mục ETF; phát triển dịch vụ vay, cho vay chứng khoán thỏa thuận để hỗ trợ cho thanh toán và hỗ trợ các tổ chức đủ tiêu chí làm thành viên lập quỹ ETF có đủ chứng khoán để góp vốn và thực hiện giao dịch của quỹ hoán đổi danh mục theo quy định hiện hành; triển khai dịch vụ quản lý thế chấp để phục vụ cho hoạt động vay - cho vay chứng khoán và hướng tới phục vụ cho thị trường phái sinh.
Trong thời gian tới, VSD dự kiến sẽ tập trung hoàn thiện các dịch vụ về quỹ, xây dựng hệ thống bù trừ, thanh toán cho các sản phẩm phái sinh theo mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP), phát triển các dịch vụ gia tăng tiện ích cho thị trường như dịch vụ bỏ phiếu trực tuyến cho các tổ chức phát hành và đăng ký mã số giao dịch trực tuyến... để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức phát hành và thành viên lưu ký, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm/dịch vụ cho thị trường và tạo thêm sức hút cho thị trường.