Thông tư 128 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-11-2013, quy định đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải giám định tại cảng. Chỉ có hiệu lực một tuần, vài chục doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng thiết bị, máy móc như “ngồi trên lửa” vì hàng về ở cảng nhưng không mang về được.
Thiệt hại tiền tỉ
Ông Nguyễn Đức Viện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Máy xây dựng Vitrac (Đồng Nai), cho biết DN của ông chuyên nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho các công trình, hạ tầng. Mỗi máy móc, thiết bị có kích thước lớn, trọng lượng từ 10 đến 500 tấn, khi vận chuyển phải tháo rời và đóng trong container. Theo quy định trước đây, khi hàng hóa nhập về, DN được mang về kho bãi của mình để lắp ráp và đăng kiểm tại kho của mình. Thế nhưng Điều 27 Thông tư 128 không cho DN mang hàng hóa về mà phải để tại cảng để cơ quan chuyên ngành kiểm tra chất lượng, sau khi có chứng thư của cơ quan chuyên ngành thì mới cho mang về công ty.
“Đây là loại máy móc kỹ thuật cao, đòi hỏi phải có kỹ sư chuyên nghiệp, thậm chí phải có cả chuyên gia nước ngoài tham gia. Việc đưa người và máy móc vào cảng để phục vụ cho việc lắp ráp rất khó khăn. Láp ráp xong thì phải chờ cơ quan chuyên ngành là Cục Đăng kiểm Việt
Ông Viện nói thêm: “Từ khi Thông tư 128 có hiệu lực, tôi bị kẹt chín container ở cảng Cát Lái, sắp đến có gần 30 container tiếp tục về cảng Cát Lái. Trong hoàn cảnh DN gặp nhiều khó khăn, thay vì tháo gỡ cho DN thì Bộ Tài chính lại ban hành văn bản để tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy cái khó cho DN”.
ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Công ty Vĩnh Hưng Thịnh (Bình Dương), đang có 12 container máy móc, thiết bị bị kẹt tại cảng Cát Lái. Ông Hưng than: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn,thông tư 128 có hiệu lực làm phát sinh nhiều chi phí bất hợp lý, DN đang khó càng thêm khó, mất tính cạnh tranh với các DN nước ngoài”.
Nhóm lợi ích được lợi?
Ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hạnh (TP.HCM), bình luận: “Điều 27 Thông tư 128 chỉ tạo điều kiện cho lợi ích nhóm là hải cảng, kho bãi, vận chuyển và đặc biệt là các tàu hàng. Tất cả hàng hóa trước khi lấy ra khỏi cảng, DN đã nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT, hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước. Việc quản lý, giám sát chi tiết việc lắp ráp, đăng kiểm tại cảng là không cần thiết và không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước với hoạt động DN hiện nay…”.
Bà Nguyễn Thị Bông, Phó Chi cục trưởng Hải quan cảng Cát Lái, nhận định: “Theo Điều 27 Thông tư 128, hàng hóa thiết bị kiểm tra tại cảng. Theo chúng tôi, hàng hóa là thiết bị, máy móc thì cơ quan chuyên ngành xem xét, giải quyết cho họ mang về chứ để hàng hóa lưu tại cảng thì DN sẽ tốn thêm nhiều chi phí. Chi cục Hải quan cảng Cát Lái đã nhận thấy những vướng mắc và đã có công văn gửi Cục Hải quan TP.HCM, Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ, ngành liên quan để gỡ khó cho DN”.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, chiều qua (8-11), có hàng chục DN chuyên nhập khẩu máy móc, thiết bị đồng loạt gửi đơn kiến nghị đến Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Theo đó, các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các DN tạm giải tỏa hàng hóa mang về kho của DN để lắp ráp, đăng kiểm tại kho như quy định trước đây.
Có “xin” mang về cũng không được
Thông tư 128 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-11-2013 quy định đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải được giám định để xác định có được xuất khẩu, nhập khẩu hay không. Trường hợp người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì chi cục trưởng hải quan, nơi đăng ký tờ khai chỉ chấp nhận cho người khai hải quan đưa hàng về bảo quản tại cảng nội địa, kho ngoại quan hoặc địa điểm kiểm tra tập trung. Điều này chỉ được thực hiện trong trường hợp người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng về bảo quản và được cơ quan kiểm tra chuyên ngành chấp nhận. Trong thời điểm đó, người khai hải quan phải bảo quản nguyên trạng hàng hóa trong thời gian chờ kết quả giám định.