Lên cấp nhờ đối tác ngoại
Năm 2008, thị trường bất động sản Hà Nội chứng kiến hàng loạt thương vụ hợp tác giữa doanh địa ốc nội địa và doanh nghiệp nước ngoài để triển khai dự án. Chẳng hạn như CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành hợp tác với Capitaland (Singapore) triển khai Dự án Mulberry Lane, quận Hà Đông; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành hợp tác với Tập đoàn Perdana Park City (Malaisya) để phát triển Dự án ParkCity Hà Nội, quận Hà Đông; Vinaconex và Posco E&C (Hàn Quốc) thành lập liên danh để triển khai Dự án Bắc An Khánh - Splendora; hay liên doanh Công ty Berjaya (Malaysia) và Handico 12 đầu tư Dự án Hà Nội Gardens City…
Trong quá khứ, đa số các dự án được triển khai bởi sự kết hợp nội ngoại trên đều đem lại những giá trị gia tăng rất lớn cho dự án. Cụ thể, các dự án này thường ở “chiếu trên” so với các dự án lân cận, được chủ đầu tư trong nước thực hiện.
Chẳng hạn, năm 2009, Dự án Mulberry Lane, từng được nhiều nhà đầu tư mua với giá trên 30 triệu đồng/m2, cao hơn 50 - 60% giá bán của các dự án lân cận, dù dự án này khi đó còn chưa được triển khai.
Còn Dự án Parkcity Hà Nội giai đoạn 2008 - 2009, dù không thuộc khu vực trung tâm, nhưng nhiều khách hàng tranh nhau mua với giá trên dưới 70 triệu đồng/m2, cao gấp đôi các dự án lân cận. Trong khi đó, tại Dự án Splendora, với sự tham gia của đối tác Hàn Quốc, sản phẩm đất nền dự án này được nhà đầu tư săn đón đặc biệt, chấp nhận tiền chênh vài tỷ đồng mỗi căn biệt thự, dù đã có mức giá đắt hơn rất nhiều các dự án khu đô thị lân cận, do doanh nghiệp nội địa triển khai.
Bị lũng đoạn, thâu tóm
Không giống như kỳ vọng ban đầu, không phải dự án nào và đối tác nội nào cũng được hưởng lợi từ những cái bắt tay với đối tác nước ngoài. Thậm chí, có dự án gặp khó khăn hơn vì dính tới đối tác ngoại.
Cụ thể, tại Dự án Khu đô thị Splendora, sau gần 10 năm triển khai, khu đô thị này mới hoàn thành được một phần rất nhỏ. Bất chấp đối tác Hàn Quốc là một tập đoàn lớn, có tiềm lực, nhưng việc triển khai các giai đoạn tiếp theo của Dự án Splendora vẫn gặp khó khăn. Một trong những lý do là vì việc sở hữu lượng cổ phần tương đương nhau, không bên nào có được quyền chi phối, nên khi không tìm được tiếng nói chung trong việc phát triển dự án, các bên đã thường xuyên “ngáng chân” nhau.
Tương tự, những bất đồng trong việc triển khai dự án của 2 bên cũng khiến Dự án Parkcity Hà Nội thời gian dài bị đình trệ và bị khách hàng khiếu kiện, dù đối tác ngoại có tiềm lực tài chính mạnh.
Với việc để dự án đình trệ trong thời gian dài, đối tác trong nước đã không chịu được khó khăn, nên chấp nhận rút khỏi liên doanh và dự án hoàn toàn thuộc về Perdana Park City. Sau khi thâu tóm toàn bộ dự án, chủ đầu tư này đã nhanh chóng triển khai và đã hoàn thiện giai đoạn 1 và bán giao nhà cho khác, hiện chủ đầu tư đang triển khai giai đoạn 2.
Trong khi đó, tại Dự án Hà Nội Gardens City, dù có tiềm lực tài chính, nhưng đối tác ngoại không chịu rót vốn triển khai dự án, khiến dự án phải đắp chiếu trong thời gian dài và nhiều khách hàng tin vào mác ngoại, mua sản phẩm tại dự án đã “phải ăn trái đắng”.
Sau thời gian dài ngó lơ và tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp địa ốc phía Nam, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bắt đầu trở lại với thị trường Hà Nội. Cụ thể, mới đây nhất, Bitexco hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi trong việc phát triển dự án 1,9 tỷ USD mang tên The Manor Central Park Hà Nội, tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một đại diện Tập đoàn Bitexco xác nhận về thương vụ trên và cho biết thêm, Tập đoàn vẫn giữ quyền chi phối trong triển khai dự án này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com