“Kẹt cửa” thuê bao muốn chuyển nhà mạng

0:00 / 0:00
0:00
Việc thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số bị làm khó dễ khiến khách hàng nản lòng đang được Bộ Thông tin và Truyền thông rốt ráo giải quyết.
“Kẹt cửa” thuê bao muốn chuyển nhà mạng

Hàng triệu thuê bao không chuyển mạng thành công

Từ cuối năm 2018, việc chuyển mạng giữ số đã được tiến hành với 5 nhà mạng là MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile, Gtel và mới đây là sự tham gia của tân binh Mobicast với mạng Reddi.

Sau hơn 3 năm, số liệu mới nhất từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, lũy kế đến nay, đã có 4.047.402 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số và có 2.905.419 thuê bao chuyển mạng giữ số thành công.

Theo đánh giá của Cục Viễn thông, chuyển mạng giữ số đã tạo ra sự cạnh tranh cần thiết giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường di động đang bão hòa, hướng tới mục tiêu giữ chân và kéo thuê bao về mạng của mình. Trong sự cạnh tranh đó thì đối tượng được hưởng lợi nhất chính là người dùng khi doanh nghiệp di động nỗ lực nâng cao năng lực hạ tầng mạng lưới để cung cấp dịch vụ tốt hơn, đồng thời đa dạng hóa các gói cước ưu đãi và dịch vụ giá trị gia tăng cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Trong số thuê bao chuyển mạng giữ số thành công thì Viettel đứng đầu về số thuê bao đăng ký chuyển đến, với hơn 2,1 triệu thuê bao. Đến nay đã có gần 1,7 triệu thuê bao chuyển đến mạng này thành công, chiếm 90,7% số thuê bao đăng ký.

Ở chiều ngược lại, Vietnamobile hiện là nhà mạng có số thuê bao đăng ký chuyển đi nhiều nhất, hơn 1,3 triệu thuê bao của Vietnamobile đã chuyển mạng.

Trong khi đó, tỷ lệ chuyển mạng giữ số đến MobiFone thành công ít nhất, chỉ chiếm khoảng 83,2% thuê bao đăng ký. Vietnamobile có 100% thuê bao chuyển đến thành công, nhưng lại có tỷ lệ thuê bao chuyển đi thành công thấp nhất.

Như vậy, đã có gần 1,142 triệu thuê bao không chuyển mạng thành công. Trong số đó, có hơn 700.000 thuê bao bị từ chối và gần 316.000 thuê bao bị từ chối chuyển mạng sai sau đối soát, chưa chuyển mạng thành công dù có nhu cầu.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc chuyển mạng giữ số không thành công như: không đảm bảo điều kiện chuyển mạng giữ số, khách hàng quên xác nhận yêu cầu chuyển mạng, thuê bao không thỏa mãn thời gian giữa hai lần chuyển mạng, thuê bao đang chuyển vùng quốc tế và đặc biệt là do lỗi từ chính nhà mạng đã tìm mọi cách làm khó dễ để giữ chân thuê bao.

Điển hình như vào tháng 10/2020, Cục Viễn thông phát hiện còn hơn 400.000 thuê bao chuyển mạng giữ số không thành công, đặc biệt trong đó có khoảng 123.000 thuê bao bị nhà mạng từ chối sai.

Đến cuối tháng 4/2021, Cục Viễn thông cho biết, sau đối soát, có tới 219.237 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số sang nhà mạng khác, nhưng bị nhà mạng gốc từ chối sai.

Mở khóa cho thuê bao bị “giam lỏng”

Có thể thấy, sau hơn 3 năm thực hiện, chuyển mạng giữ số tạo ra sự cạnh tranh cần thiết giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường di động đang bão hòa, hướng tới mục tiêu giữ chân và kéo thuê bao về mạng của mình. Trong đó, xu hướng chung là thuê bao muốn chuyển sang mạng di động có vùng phủ rộng và chất lượng dịch vụ ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả của chuyển mạng giữ số, còn một số vấn đề tồn tại trong quá trình cung cấp dịch vụ, đặc biệt là việc cạnh tranh không lành mạnh khi doanh nghiệp từ chối chuyển mạng sai quy định. Mặc dù tỷ lệ này rất thấp, nhưng cần chấn chỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Trước tình trạng nhà mạng gây khó dễ, dùng gói cước để ràng buộc, giữ chân thuê bao có nhu cầu chuyển mạng giữ số, Cục Viễn thông cho biết, để làm rõ và minh bạch hóa các gói cam kết, gói cước ưu đãi của nhà mạng dùng để từ chối chuyển mạng, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp công bố công khai những gói cam kết, cách thức hủy gói trên trang thông tin điện tử của mình để thuê bao dễ dàng tra cứu trước khi đăng ký chuyển mạng. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị các doanh nghiệp có phương án cho thuê bao đền bù cam kết khi có nhu cầu chuyển mạng.

Với những trường hợp SIM số đẹp bị từ chối chuyển mạng, Cục Viễn thông chia sẻ, việc kinh doanh số điện thoại có cấu trúc đặc biệt kèm theo cam kết là một trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khi thuê bao sử dụng số và chấp nhận cam kết có nghĩa là đồng ý với những điều khoản trong giao kết dân sự. Do vậy, để tránh tình trạng “người muốn đi - kẻ níu giữ” thì khách hàng cần nghiên cứu kỹ nội dung trong cam kết sử dụng dịch vụ của nhà mạng trước khi giao kết hợp đồng hoặc điều kiện giao dịch chung.

Theo đại diện Cục Viễn thông, cơ quan này đang xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2017/TT-BTTTT với mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc phát triển chuyển mạng giữ số. Trong đó, Cục Viễn thông dự kiến trình lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông một số chủ trương, thay đổi lớn nhằm mở rộng hành lang pháp lý, giảm bớt điều kiện chuyển mạng.

Tin bài liên quan