Phiên họp chiều 31/3 của Uỷ ban Kinh tế .

Phiên họp chiều 31/3 của Uỷ ban Kinh tế .

Kéo dài thời hạn Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu: Không gỡ vướng thì chỉ như "câu giờ"

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ý kiến tại phiện họp của Uỷ ban Kinh tế cho rằng cách xử lý các vướng mắc khi thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là chưa thấu đáo.

Cần xử lý các vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thay vì chỉ kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết này, theo chuyên gia Cấn Văn Lực.

Chiều 31/3, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh đã báo cáo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Theo đó, có tới 6 vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết 42, liên quan đến việc mua bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu; về quyền thu giữ tài sản đảm bảo; về thủ tục rút gọn; về xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản; về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý; về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.

Thế nhưng, tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội, Chính phủ lại chỉ đề xuất kéo dài thời hạn thực hiện toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 trong thời hạn 2 năm, từ ngày 16/8/2022 đến hết ngày 15/8/2024. Mặc dù sự cần thiết ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã nhiều lần được nêu trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, ông Nguyễn Đình Việt cho biết, các tổ chức tín dụng rất băn khoăn là nếu không sửa đổi nội dung nghị quyết 42 mà chỉ kéo dài thì đã phù hợp chưa, có khả thi để xây dựng khuôn khổ pháp luật mới về xử lý nợ xấu hay không.

Đều khẳng định tác dụng tích cực của Nghị quyết 42, song các ý kiến tại phiên thảo luận đều cho rằng cần hoàn thiện hơn chính sách xử lý nợ xấu, bởi nợ xấu đang có xu hướng gia tăng và sẽ luôn song hành với nền kinh tế chứ không chỉ với hoạt động ngân hàng.

Nêu vướng mắc mà không giải quyết, thì việc gia hạn chỉ là câu giờ, dứt khoát nên xử lý vướng mắc, điều chỉnh Nghị quyết 42, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Về thẩm quyền, ông Lực đề nghị nội dung nào thuộc thẩm quyền Quốc hội thì trình Quốc hội, còn vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ xử lý.

Đồng ý với chuyên gia Cấn Văn Lực, chuyên gia Đỗ Văn Sinh cho rằng lẽ ra khi sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 cần có ngay chương trình xây dựng luật để xử lý nợ xấu thì đã không bị động như hôm nay.

Giờ chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là Quốc hội đã họp kỳ thứ ba thì sẽ không thể kịp trình luật, ông Sinh nhìn nhận và nhấn mạnh thấy mắc mà không gỡ, thấy tắc mà không tháo, thế thì đề xuất để làm gì.

Hoạt động ở khối tư nhân, chuyên gia Trần Anh Đức cho rằng trong hai năm được gia hạn Nghị quyết 42 thì cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để làm cơ sở thực tế xây dựng luật. Và trong thời gian đó cần hướng dẫn chi tiết hơn 1 số nội dung của Nghị quyết 42 để có thể thực hiện hiệu quả hơn.

Tán thành ý kiến các chuyên gia, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp cho rằng trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng cần kéo dài chính sách tại Nghị quyết 42. Còn những vướng mắc đã đủ điều kiện để sửa ngay kỳ họp thứ ba hay chưa cần hết sức cân nhắc.

Đề nghị cần kéo dài ba năm như đề xuất gần đây của Ngân hàng Nhà nước, bà Phạm Mai Sương, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho rằng nếu áp đặt sau hai năm phải ra được luật về xử lý nợ xấu trong bối cảnh Quốc hội một năm chỉ họp hai kỳ thì có thể sẽ quá gấp gáp, dẫn đến không đảm bảo chất lượng. Bà Sương cũng cho rằng luật nên mở rộng hơn, xử lý toàn bộ nợ xấu của nền kinh tế chứ không chỉ của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức thì không phải đến bây giờ mà việc làm luật về xử lý nợ xấu đã được khởi động từ mấy năm trước rồi, nên chỉ nên kéo dài Nghị quyết 42 hai năm thôi. Và ông Đức cho rằng luật này phải mở rộng phạm vi áp dụng cho cả nền kinh tế với quy định quan trọng nhất là tạo lập được thị trường mua bán nợ.

Hồi âm ý kiến đại biểu vể sự chậm trễ trình Luật xử lý nợ xấu, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh dẫn quy định tại Nghị quyết 42 là "Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ xấu hằng năm, báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp đầu năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm".

Về băn khoăn có tháo gỡ vướng mắc hay chỉ "câu giờ", Phó thống đốc phân trần, dù chỉ sửa một vấn đề trong 6 khó khăn vướng mắc cũng chưa chắc đã được thông qua trong một kỳ họp nên chỉ đề xuất kéo dài thời hạn.

Với các vướng mắc thì Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ theo thẩm quyền, liên quan đến toà án thì đề nghị Quốc hội có ý kiến, còn nếu vướng ở nghị quyết thì sẽ xử lý khi làm luật, Phó thống đốc nêu hướng giải quyết.

Ông Kim Anh cũng trình bày lý do lần này không "xin" điều chỉnh phạm vi khoản nợ (nợ xấu quy định tại Nghị quyết 42 bao gồm: Khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15 tháng 8 năm 2017; Khoản nợ được hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực) dù đó là mong muốn của toàn ngành ngân hàng, đồng thời cho biết nếu được thì xin áp dụng cơ chế tại nghị quyết số 42 với tất cả các khoản nợ trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực.

Nhắc lại ý kiến chung ở phần thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh là cách xử lý các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nghị quyết 42 là chưa thấu đáo.

Nêu con số hiện tại nợ xấu còn hơn 412 ngàn tỷ đồng, cộng cả số nợ được giãn, hoãn thì còn cao hơn, ông Thanh nói trong bối cảnh đó thì kéo dài thời hạn nghị quyết 42 là cần thiết rồi, và phương án khả thi là cho kéo dài 1 số nội dung cốt yếu nhất.

Uỷ ban Kinh tế sẽ báo cáo nội dung này với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14/4, trong phiên họp thứ 10, ông Thanh cho biết.

Tin bài liên quan