Kéo dài thời gian cơ cấu nợ: Thêm “ô-xy dòng tiền” cho ngân hàng, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thở phào khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN, chính thức kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng và mở rộng phạm vi cơ cấu nợ.
Việc kéo dài thời gian gia hạn nợ thêm 6 tháng và mở rộng phạm vi cơ cấu nợ sẽ gỡ khó cho khách vay là cá nhân, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại. Ảnh: Đ.T Đồ họa: Đan Nguyễn

Việc kéo dài thời gian gia hạn nợ thêm 6 tháng và mở rộng phạm vi cơ cấu nợ sẽ gỡ khó cho khách vay là cá nhân, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại. Ảnh: Đ.T Đồ họa: Đan Nguyễn

Doanh nghiệp thở phào

Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa lần 1 Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi lần 2 Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tiếp tục kéo dài thời gian cơ cấu nợ, phạm vi cơ cấu nợ. Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, việc sửa đổi lần 2 này diễn ra nhanh chóng, kịp thời gỡ khó cho các khách vay là cá nhân, doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại.

So với quy định cũ, Thông tư 14/2021/TT-NHNN có 2 điểm mới đáng lưu ý. Đó là phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 như quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Ngoài ra, thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng (kéo dài đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021).

Tuy chưa hài lòng với mức “nới” về thời gian, phạm vi cơ cấu nợ mà Thông tư 14/2021/TT-NHNN đưa ra, song đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, Thông tư này ra đời sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, Thông tư mới sẽ giúp ngân hàng, doanh nghiệp dễ thở hơn. “Dựa trên nội dung sửa đổi, OCB sẽ đẩy nhanh cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng”, ông Tùng cho biết.

Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ cho phép ngân hàng cơ cấu nợ với khoản vay phát sinh trước ngày 30/6/2020. Như vậy, hầu hết các khách hàng vay vốn trong năm 2021 và bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 diễn ra từ cuối tháng 4/2021 đến nay không nằm trong phạm vi được cơ cấu nợ. Việc bỏ sót đối tượng này khiến hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ rơi vào nợ xấu.

Vì vậy, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban Điều hành Ngân hàng MB cho rằng, việc giãn thời gian cơ cấu nợ theo thông tư mới của NHNN là rất cần thiết, giúp cho nhiều chủ thể phục hồi sản xuất, quay vòng vốn, để từ đó phù hợp với thời hạn của các khoản vay cũ và mới mà khách hàng cần thanh toán khi đến hạn.

Các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán PSI nhận xét, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng trả lãi, giúp ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu nợ, giúp chất lượng tài sản và lợi nhuận ngành ngân hàng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Covid-19.

Nhiều vướng mắc chưa được gỡ bỏ

Dù đánh giá cao việc NHNN ban hành kịp thời Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN lần thứ hai, song lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, Thông tư mới chỉ gỡ được một phần rất nhỏ khó khăn của ngân hàng, doanh nghiệp.

Theo đại diện một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Thông tư 14/2021/TT-NHNN chỉ cho phép cơ cấu nợ tối đa 12 tháng và chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022 là chưa hợp lý, bởi chưa biết dịch kéo dài đến khi nào. Không có căn cứ nào để khẳng định doanh nghiệp được cơ cấu sau 12 tháng sẽ có khả năng trả nợ.

“Vì vậy, đáng lẽ Thông tư nên sửa đổi theo hướng cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu theo dòng tiền, chứ không phải là thời hạn ‘cứng’ 12 tháng. Đồng thời, nên cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Nếu quy định như thế này, NHNN sẽ còn phải sửa nhiều lần”, vị lãnh đạo này nói.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, việc NHNN mở rộng phạm vi cơ cấu nợ, nhưng không giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu sẽ khiến gánh nặng dự phòng thêm đè nặng lên vai các ngân hàng. Nếu NHNN cho phép giãn thời gian trích lập dự phòng ra 5 năm, thay vì 3 năm, các ngân hàng thương mại sẽ có nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia ngân hàng, việc NHNN thận trọng trong ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN là điều dễ hiểu. Bởi lùi quá sâu thời hạn tái cơ cấu hoặc giãn quá nhiều thời gian trích lập dự phòng rủi ro đồng nghĩa với việc nợ xấu đang bị “dồn cục” và bị đẩy về tương lai nhiều hơn, tiềm ẩn rủi ro khó lường. Do đó, Thông tư này được NHNN cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt chú trọng yếu tố an toàn hệ thống.

Việc cơ cấu lại khoản nợ, lãi đến hạn mà doanh nghiệp khó khăn chưa trả được sẽ liên quan đến nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại. Do vậy, những văn bản tháo gỡ khó khăn thông qua cơ cấu, tỷ lệ trích lập dự phòng… phải phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng không để cho các ngân hàng thương mại bị giảm sút năng lực tài chính, không ảnh hưởng đến sự ổn định của từng tổ chức tín dụng cũng như cả hệ thống ngân hàng trong tương lai cả ngắn hạn và trung hạn.

- Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN

Tin bài liên quan