Kéo APEC về gần với doanh nghiệp Việt Nam

Kéo APEC về gần với doanh nghiệp Việt Nam

(ĐTCK-online) “Chúng tôi dự định sẽ thành lập Trung tâm về kinh doanh APEC, kêu gọi các doanh nghiệp (DN) muốn làm ăn với các đối tác trong APEC cùng chia sẻ thông tin, tận dụng cơ hội từ các sáng kiến của APEC cũng như trách nhiệm kiến nghị với cấp chính phủ”, Ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (ảnh) đã trao đổi với chúng tôi ngay sau khi trở về từ Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC diễn ra tại Australia.

Thưa ông, những vấn đề mà cộng đồng DN APEC kiến nghị tới các nhà lãnh đạo APEC năm nay có gì đáng chú ý?

Cộng đồng DN vẫn tiếp tục yêu cầu các nhà lãnh đạo APEC cải thiện các biện pháp tự do hoá mậu dịch, loại bỏ các rào cản đầu tư để duy trì sự phát triển bền vững và ổn định trong khu vực. Với sáng kiến của Australia (chủ nhà), chủ đề của năm nay là phát triển sạch và thay đổi khí hậu. Hội đồng Tư vấn doanh nhân APEC (ABAC) nhận thức vai trò của mình trong việc giải quyết những thách thức này. Các cam kết sẽ thực hiện đổi mới, nghiên cứu phát triển và ứng dụng những tập quán kinh doanh sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, nhằm thúc đẩy vấn đề an ninh năng lượng và thay đổi khí hậu đã được đưa ra. Tuy nhiên, với 14 kiến nghị, ABAC cũng đặt trách nhiệm với các chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý đồng bộ, minh bạch, đặc biệt là cần các ưu đãi của chính phủ liên quan đến an toàn năng lượng và thay đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp các DN thúc đẩy tăng cường đầu tư công nghệ tiếp kiệm năng lượng, giảm thiểu lượng khí thải.

 

Năm trước, ABAC có đề xuất Hiệp định thương mại tự do APEC. Tính khả thi của sáng kiến này cho đến nay như thế nào, thưa ông?

Đề xuất này được coi như một giải pháp khi mà vòng đàm phán Doha tiếp tục có dấu hiệu rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, lãnh đạo các thành viên APEC muốn ưu tiên thúc đẩy vòng đàm phàn Doha trước khi xem xét các các biện pháp thay thế. Song, họ cũng cho rằng, một số đề xuất như thống nhất tiêu chuẩn, mẫu thủ tục các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, có thể áp dụng một số thông lệ tốt, tạo sự đồng bộ hoá trong các hiệp định đang thực hiện và áp dụng mẫu thống nhất cho các hiệp định song phương và đa phương đang đàm phán, sắp tới. Hiện khu vực này đang có 28 hiệp định thương mại song phương và đa phương, 7 hiệp định nữa chuẩn bị ra đời. Tuy nhiên, đây là vấn đề kỹ thuật nên cần đòi hỏi thời gian.

 

Cơ hội của các DN Việt Nam ở đâu trong số những kiến nghị ABAC đưa ra?

Cũng như cộng đồng DN các nước đang phát triển, chúng tôi cũng có đề nghị Chính phủ các thành viên phát triển tăng cường hỗ trợ trong chuyển giao công nghệ, phổ cập các công nghệ mới với chi phí rẻ, hỗ trợ các nước đang phát triển áp dụng các tập quán hay trong nỗ lực hướng tới mục tiêu an toàn năng lượng và thay đổi khí hậu. Sự phát triển chênh lệch trong APEC cũng là vấn đề mà các DN Việt Nam quan tâm. Chúng tôi đề nghị cần có lộ trình phù hợp cho các nước đang phát triển. Đương nhiên, DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các kế hoạch gỡ bỏ rào cản, tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính chung. Khi đó, chắc chắn, cơ hội cho các DN quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam sẽ tăng lên.

 

Đó là về nguyên tắc, song trên thực tế, có vẻ như DN Việt Nam chưa thực sự có được những lợi ích đó?

Theo tôi, quan trọng nhất là chuyển giao sáng kiến cho DN Việt Nam . Đây vẫn là một điểm yếu của Việt Nam . Hơn nữa, bản thân các DN cũng chưa thực sự nhìn nhận đúng tầm quan trọng này. Bài toán lớn mà ABAC đặt ra vẫn là các DN ở các nước đang phát triển, các DN nhỏ và vừa sẽ cạnh tranh như thế nào. Có lẽ tính liên kết trong nội bộ cộng đồng DN mỗi nước cần phải được quan tâm hơn, để tạo sức mạnh mở rộng liên kết ra bên ngoài.

Riêng về tổ chức, có lẽ cũng có những thay đổi nhất định để phù hợp với các DN nhỏ và vừa, các DN ở quốc gia đang phát triển. Bởi lẽ, Hội nghị phát triển DN nhỏ và vừa trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC rất ít đại biểu tham gia. DN Việt Nam cũng không tham gia được vào Hội nghị này do chi phí cao.