Thanh khoản đang dồi dào, nên chỉ cần một tín hiệu xoay chiều chính sách được đưa ra, thì dòng tiền sẽ “bùng nổ”
Tỷ giá, lãi suất hạ nhiệt, kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu tích cực
Việc Fed tăng lãi suất 0,25% giữa tuần qua không nằm ngoài dự báo của thị trường. Sau khi Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm nhẹ 2 phiên liên tiếp, tỷ giá và lãi suất cũng diễn biến tích cực.
Cụ thể, kết thúc tuần qua, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lùi về chỉ còn hơn 1%/năm, giảm tới 4,3% so với thời điểm ngày 14/3 - khi chuẩn bị giảm lãi suất điều hành (lãi suất điều hành giảm 0,5 - 1% kể từ ngày 15/3). Thanh khoản dồi dào, tín dụng tăng chậm là nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh.
Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường cũng giảm mạnh so với đà giảm của USD Index trên thế giới. Chỉ số USD Index cuối tuần qua chỉ còn đứng ở mức 102 điểm, giảm gần 12% so với mức đỉnh cuối năm 2022. Điều này hỗ trợ cho tỷ giá trong nước.
“Với Việt Nam, việc tăng lãi suất lần này của Fed cũng nằm trong tiên lượng, trong tính toán của cơ quan điều hành và nhà đầu tư, nên sẽ tác động không đáng kể. So với năm ngoái, áp lực lãi suất và tỷ giá đã giảm đi rất nhiều vào đầu năm nay”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, việc Fed tăng lãi suất 0,25% không phải là tích cực với thị trường tài chính toàn cầu, bởi Fed vẫn hàm ý có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, nhưng sẽ giúp thị trường bớt tiêu cực hơn.
“Theo tôi, tình hình trong nước tích cực hơn thị trường thế giới, vì lãi suất ở Việt Nam đã chính thức đạt đỉnh, có nghĩa là, lãi suất thời gian tới có thể tiếp tục giảm hoặc không tăng nữa. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là lãi suất sẽ đảo chiều ngay, mà cần độ trễ từ 3 đến 6 tháng, thậm chí cả năm. Kinh tế thế giới nhìn chung vẫn còn khó khăn”, ông Phan Dũng Khánh dự báo.
Nhìn chung, các chuyên gia đều nhận định, chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu vẫn chưa kết thúc. Tuần qua, không chỉ Fed tăng lãi suất 0,25%, mà Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất lên tới 0,5%, bất chấp sự cố Credit Suisse. Với cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra tại Mỹ, rất có thể, Mỹ sẽ chậm lại quá trình tăng lãi suất, song gần như chắc chắn, mặt bằng lãi suất cao tiếp tục được duy trì trong bối cảnh lạm phát chưa được kiểm soát.
Vậy với Việt Nam thì sao? Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể chứng kiến “cơn gió ngược”, tức là có thể tiếp tục giảm lãi suất (ngược chiều tăng của thế giới), nếu như Fed không có các động thái bất ngờ trong thời gian tới và USD không đột ngột chuyển hướng tăng.
Các chuyên gia cho rằng, hiện xác suất USD quay lại mức 110 điểm (hiện là 102 điểm) là 55 - 60%. Nếu khả năng này xảy ra, áp lực với tỷ giá là rất lớn và lộ trình giảm lãi suất sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nếu USD Index “thủng ngưỡng” 98 điểm, xác suất về lại mốc 110 điểm hầu như không có. Nếu USD Index loanh quanh ngưỡng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn toàn có thể giảm thêm lãi suất.
Dòng tiền chưa có dấu hiệu “đảo chiều”, các kênh đầu tư sẽ còn khó khăn
Đối với nhà đầu tư, việc Fed tăng lãi suất 0,25% tuần qua không có nhiều tác động, do đã được thị trường dự báo từ trước. Thực tế, trước khi Fed tăng lãi suất 0,25%, NHNN đã có động thái chủ động đón đầu, đó là giảm lãi suất điều hành 0,5 - 1% vào ngày 15/3.
Tuy vậy, dù cho Fed bớt “diều hâu” hơn, hay dù NHNN đã hạ lãi suất điều hành, thì điều khiến nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay - dòng tiền - vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều ấm lên.
Ông Phan Linh, sáng lập Công ty TakeProfit cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành của NHNN có tác động tích cực tới thị trường trung và dài hạn, song cần độ trễ để thẩm thấu vào nền kinh tế. Hiện dòng tiền vẫn chưa được khơi thông, dù thanh khoản hệ thống ngân hàng rất dồi dào, một phần do nhu cầu của doanh nghiệp sụt giảm, một phần do các ngân hàng thẩm định chặt chẽ hơn sau các sự cố về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản thời gian qua.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, điểm tích cực hiện nay là thanh khoản đang rất dồi dào, vì vậy, chỉ cần một tín hiệu xoay chiều chính sách được đưa ra, thì dòng tiền sẽ “bùng nổ”.
Trong khi đó, đánh giá về tác động của việc Fed tăng lãi suất tới thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư ở Việt Nam, ông Phan Dũng Khánh nhấn mạnh, việc Fed tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam không lớn, có chăng, tác động chỉ là yếu tố tâm lý ngắn hạn.
“Khả năng, thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn, có thể nửa cuối năm sẽ tích lũy và dần đi lên. Theo tính toán của tôi, sau quý I/2024, thì thị trường chứng khoán mới tăng trưởng tích cực hơn. Hiện chưa phải thời điểm lý tưởng để xuống tiền, đặc biệt là với các nhà đầu tư có ý định lướt sóng, dùng đòn bẩy hoặc tất tay”, ông Khánh khuyến nghị.
Về các kênh đầu tư khác, theo ông Khánh, năm nay, giá vàng có thể vượt mức đỉnh đã được thiết lập năm 2020. Tuy vậy, tỷ suất sinh lời của vàng vẫn thua kém nhiều kênh đầu tư khác. Chưa kể, vàng trong nước và vàng thế giới không có sự liên thông, nên rất rủi ro cho nhà đầu tư. Riêng thị trường bất động sản, khả năng vẫn sẽ còn khó khăn cho đến hết năm sau, bởi bất động sản luôn là thị trường sau cùng phục hồi.
Về những “biến số” ảnh hưởng tới các kênh đầu tư thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và một số nước châu Âu là vấn đề nhà đầu tư phải cẩn trọng theo dõi, vì sẽ tác động tâm lý rất lớn tới thị trường.
Việc tăng lãi suất lần này của Fed tác động không đáng kể tới Việt Nam
- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
Với Việt Nam, việc tăng lãi suất lần này của Fed tác động không đáng kể, do nằm trong dự đoán của nhà đầu tư và nhà điều hành. Tuy nhiên, các diễn biến liên quan tới sự cố ngân hàng tại Mỹ, châu Âu… những ngày tới có thể vẫn còn xáo trộn, có tác động nhất định tới thị trường tài chính Việt Nam.
Hy vọng, với nền tảng là hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu đã “khỏe” hơn nhiều giai đoạn khủng hoảng trước đây, cộng với những động thái chính sách quyết liệt, nhanh chóng của giới chức Mỹ và Thụy Sĩ, thì nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ, châu Âu có thể “hạ cánh mềm”, vượt qua được cú sốc hiện nay.