OceanBank đã “có nơi có chốn” khi mới đây, MB chính thức công bố kế hoạch sáp nhập tại cuộc họp cổ đông.
“Kền kền” săn mồi
“New Tasco” là từ ông Phạm Quang Dũng, cổ đông sáng lập và cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) nhắc đến không dưới 3 lần trong bài phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi cuối tháng 4 của doanh nghiệp này. Tasco không đổi tên, nhưng có một loạt thay đổi từ cơ cấu cổ đông, dàn nhân sự HĐQT, lĩnh vực hoạt động trọng tâm, chiến lược kinh doanh đến các kế hoạch nâng quy mô vốn, tài sản tương lai gần.
Ông Dũng từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ cuối tháng 10/2021, nhưng tiền đề cho Tasco hiện tại là cuộc gặp giữa ông với một nhóm nhà đầu tư từ cách đây hơn một năm. Nhóm nhà đầu tư ban đầu quan tâm đến dự án bệnh viện, song ông đã mạnh dạn đưa ra lời mời mua lại Tasco khi giá cổ phiếu HUT chỉ khoảng 2.000 đồng.
Sau Đại hội đồng cổ đông, Ban lãnh đạo Tasco được bầu từ nhóm nhà đầu tư mới chính thức xuất hiện, đứng đầu là ông Vũ Đình Độ - người không quá xa lạ trong giới tài chính khi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính và hiện giữ ghế Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (mã DNP).
Tasco không phải là doanh nghiệp duy nhất hé màn thương vụ mua lại công ty giá thấp trên sàn tại mùa đại hội năm nay.
Cuộc họp cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup, mã OGC) mới đây đã thông qua 100% tờ trình, sau 2 năm liên tục có nhiều tờ trình bị phủ quyết. Theo bà Lê Thị Việt Nga, đại diện cổ đông IDS Equity Holdings và hiện được bầu làm Chủ tịch HĐQT, nhóm liên quan đến nhà đầu tư này đã sở hữu chi phối cổ phần tại Tập đoàn và khẳng định con thuyền OceanGroup đã có người chèo lái sau nhiều biến động.
Tương tự OceanGroup, OceanBank cũng đã “có nơi có chốn” khi mới đây, MB chính thức công bố kế hoạch sáp nhập tại cuộc họp cổ đông. MB nhận chuyển giao OceanBank không cần bỏ tiền mua, nhưng cần khắc phục khoản lỗ lũy kế hàng chục ngàn tỷ đồng.
Vietcombank đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, mà theo thông tin của Báo cáo Chính phủ mới công bố, gần như chắc chắn là CB.
Sau nhiều năm chỉ nằm trong chủ trương, với những chuyển động ngay đầu năm 2022, 2/4 ngân hàng yếu kém đã tìm được chủ mới.
Khi cung - cầu gặp nhau
Một dự báo cuối năm 2020 của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chỉ ra khả năng về sự trở lại mạnh mẽ của nhà đầu tư “kền kền” trong thời gian này, tương tự giai đoạn 2010-2012. Thực tế, nhiều thương vụ đã có các bước chuẩn bị trong năm trước và chính thức lộ diện ngay đầu năm 2022.
Theo ông Lực, đại dịch đã khiến một số doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn, giá mua lại do đó rơi xuống mức thấp. Trong khi đó, có những tổ chức tài chính nước ngoài dư dả về tiền mặt. Cùng với đó, tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa. Nền kinh tế cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, gồm cơ cấu lại tổ chức tín dụng, cũng là cơ hội để xúc tiến giao dịch M&A như trên.
Không riêng Việt Nam, theo thống kê của PwC về xu hướng hoạt động M&A toàn cầu, giá trị các thương vụ M&A năm 2021 trên toàn cầu đã xác lập mức cao mới và vượt xa các kỷ lục trước đó. Giá trị giao dịch được công bố công khai đạt mức cao kỷ lục (5.100 tỷ USD), tăng 57% so với năm 2020 với 130 thương vụ khủng (megadeals) có giá trị giao dịch lớn hơn 5 tỷ USD.
Nguồn tiền “rẻ” nhờ mức lãi suất thấp được duy trì trên toàn cầu trong gần 2 năm chống chọi với đại dịch đã hỗ trợ nền kinh tế, kích thích sự phát triển của các thị trường tài chính, gồm cả các thương vụ M&A nói chung và các cuộc săn mồi của “kền kền” tài chính nói riêng.
Nhựa Đồng Nai đang dành ra một khoản tiền lớn để tham gia hợp đồng hợp tác đầu tư với các đối tác doanh nghiệp, đi kèm là tỷ suất cơ hội 6-11%, lợi nhuận được phân chia cụ thể tại thời điểm thanh lý hợp đồng. Số tiền cho hợp đồng hợp tác cả ngắn và dài hạn xấp xỉ 1.665 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần thời điểm đầu năm và tương đương 12% tổng tài sản.
Hay tại Công ty cổ phần CMC, công ty sản xuất gạch này cũng đang dành 991,9 tỷ đồng để hợp tác đầu tư ngắn hạn (6 tháng), kỳ vọng nhận lãi suất 6-7%/năm. Các doanh nghiệp sản xuất ngoài dành vốn cho các nhu cầu vốn lưu động, thường dành ra một phần đầu tư chứng khoán kinh doanh hay thực hiện các hợp tác đầu tư tài chính như trên.
Lợi nhuận cao, rủi ro cũng cao
Tìm kiếm các công ty đang thua lỗ, thậm chí, công ty chuẩn bị phá sản để đưa về vực dậy là câu chuyện không mới ở thị trường chứng khoán toàn cầu. Chấp nhận khẩu vị rủi ro cao nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao là đặc trưng của “các nhà đầu tư kền kền”. Các năm gần đây, ngay tại thị trường Việt Nam, nhiều “vịt trời” cũng đã hoá “thiên nga” sau khi có sự giúp sức của các nhà đầu tư mới.
Từ mức vốn điều lệ 240 tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế “ăn mòn” tới 97% vốn hồi năm 2018, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (mã cổ phiếu TPS) - tiền thân là Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông (mã ORS) đã tăng vốn, cải thiện hoạt động kinh doanh. Đến cuối quý I/2022, Chứng khoán Tiên Phong đã có quy mô vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế riêng quý đầu năm đạt 280 tỷ đồng, vượt qua kết quả kinh doanh cả thập kỷ trước cộng lại.
Tuy nhiên, với rủi ro cao, đã có những cổ đông sớm phải buông bỏ khoản đầu tư. Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) được biết đến với thương vụ giải cứu Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HVG) đang ngập trong nợ nần và thua lỗ. Hiện Thaco vẫn là cổ đông lớn nhất đồng hành với HAGL Agrico.
Song với khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (mã cổ phiếu HVG), Thaco đã sớm buông sau chưa đầy một năm. Cổ phiếu HVG từ lâu đã bị chuyển xuống giao dịch tại sàn UPCoM vì vi phạm công bố thông tin. Ông lớn thủy sản một thời cũng đã ngưng cập nhật báo cáo hơn một năm nay.
Câu chuyện tại Công ty cổ phần Tập đoành Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã cổ phiếu TTF) cũng là một điển hình về “giải cứu” doanh nghiệp. Giữa năm 2016, Tân Liên Phát đã chấp thuận gia tăng sở hữu Gỗ Trường Thành và giải cứu khoản nợ 1.202 tỷ đồng, nhưng đã quyết định dừng lại vì phát hiện “sai lệch nghiêm trọng” về hàng tồn kho và nợ khó đòi. Cổ phiếu TTF lao dốc. Tuy nhiên, ở vùng giá chiết khấu hơn nhiều, Công ty cổ phần Xây dựng U&I của doanh nhân Mai Hữu Tín đã tham gia mua cổ phần và vẫn đang tái cơ cấu doanh nghiệp này.
Trong vòng đời của một doanh nghiệp, mỗi chặng đường khác nhau đối diện những cơ hội và khó khăn khác nhau. Không nhất thiết doanh nghiệp sẽ gắn bó mãi với một người đứng đầu. Như chia sẻ của người sáng lập Tasco Phạm Quang Dũng, bản thân ông không còn nhiều động lực ở các năm gần đây và đã tìm người kế nhiệm cho doanh nghiệp “con đẻ” từ 5 năm trước.
Khá bình thường khi ở từng giai đoạn, doanh nghiệp có sự đồng hành của nhóm cổ đông với các khẩu vị rủi ro khác nhau. Lựa chọn tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp đang khó khăn có thể mang lại thành quả lớn, nhưng cũng có thể chịu rủi ro cao.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, các thương vụ mua lại tài sản/doanh nghiệp khó khăn cơ bản là tốt và thuận theo quan hệ cung cầu có mua có bán. Giai đoạn đại dịch đã khiến một số doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn. Giá mua lại “khá mềm” ở thời điểm khó khăn thúc đẩy các thương vụ diễn ra mạnh hơn năm vừa qua.