Với bản án này, chủ đầu tư Keangnam Vina sẽ phải trả lại số tiền mua căn hộ khách hàng đã nộp là 781 triệu đồng. Bản án có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.
Tranh chấp giữa khách hàng và Keangnam Vina kéo dài từ năm 2011 và sau 4 năm đã có được bản án có hiệu lực pháp luật. Nội dung tranh chấp chủ yếu ở hai nội dung: thanh toán bằng ngoại tệ USD và diện tích căn hộ bàn giao thiếu hay đủ.
Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo của bà T.V.T, sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà T.V.T và Keangnam Vina vô hiệu, bác đơn kháng cáo của Keangnam Vina.
Bà T.V.T. đã khởi kiện Keangnam Vina đề nghị Tòa án tuyên bố hủy hợp đồng mua bán căn hộ do hợp đồng có điều khoản tính giá căn hộ bằng USD là vi phạm quy định về quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam và Keangnam bàn giao thiếu diện tích (thiếu 15m2), trái với quy định trong hợp đồng. Sở dĩ diện tích bị thiếu là do Keangnam tính luôn cả diện tích chung (cột, hộp kỹ thuật…) vào diện tích bán cho khách hàng trong khi pháp luật quy định diện tích chung thuộc sở hữu chung của toàn bộ cư dân tòa nhà, không thể phân chia, chủ đầu tư không thể bán. Bà T.V.T chỉ yêu cầu hủy hợp đồng và đòi lại 781 triệu đồng đã nộp cho Keangnam, không yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong khi đó, Keangnam Vina cũng có đơn phản tố cho rằng khách hàng chậm thanh toán là vi phạm các điều khoản trong hợp đồng nên Keangnam Vina có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đồng thời, yêu cầu khách hàng bồi thường khoản thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng gồm khoản phạt hơn 580 triệu đồng, lãi chậm thanh toán hơn 1 tỷ đồng, thiệt hại do mất đi khoản tiền cho thuê căn hộ (nếu không bán) hơn 440 triệu đồng, thiệt hại do chênh lệch giá bán trước đây và bây giờ là hơn 1,1 tỷ đồng.
Ở cấp sơ thẩm, bản án sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của khách hàng, xác định lại giá bán căn hộ tại thời điểm ký kết, theo tiền Việt Nam là 5,902 tỷ đồng, xác nhận nguyên đơn đã thanh toán hơn 781 triệu đồng, xác định diện tích căn hộ trên thực tế là 117,129m2, thiếu 0,791m2 so với hợp đồng. Bản án cũng bác đơn phản tố của Keangnam vì cho rằng khách hàng không vi phạm nghĩa vụ thanh toán mà chỉ dừng thanh toán do phát hiện Keangnam vi phạm điều cấm của pháp luật về ngoại hối.
Tại phiên tòa sơ thẩm, cả hai bên đều giữ nguyên quan điểm kháng cáo và không thể thỏa thuận được. Do đó, Hội đồng xét xử đã tiếp tục làm việc. Với nhận định rằng, hợp đồng mua bán đã định giá căn hộ bằng USD nhưng không quy đổi thành VND một lần ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng mà mỗi đợt thanh toán lại quy đổi thành VND theo tỷ giá tại thời điểm đó. Bản chất đây chính là việc thanh toán bằng USD nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà T.V.T.
Đối với vấn đề diện tích căn hộ, Hội đồng xét xử cho rằng việc hợp đồng chỉ ghi tổng diện tích căn hộ mà không ghi rõ diện tích chung, diện tích riêng là trái với quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 01/TT-BXD.
Từ đó, Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo của bà T.V.T, sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà T.V.T và Keangnam Vina vô hiệu, bác đơn kháng cáo của Keangnam Vina.