Nội dung tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ giữa ông Lê Mạnh H. và chủ đầu tư Keangnam, về cơ bản, tương tự với các vụ kiện trước.
Ông Lê Mạnh H. ký hợp đồng mua căn hộ với Keangnam vào năm 2009, căn hộ B3504 tại tầng 35, tòa B, tổng diện tích là 126m2 với giá là 352.000 USD. Đến tháng 5/2011, ông Lê Mạnh H. đã thanh toán hết tiền, nhận bàn giao căn hộ nhưng sau đó giữa ông Lê Mạnh H. và Keangnam đã phát sinh tranh chấp.
Ông Lê Mạnh H. cho rằng, Keangnam đã vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi bán căn hộ bằng USD. Vì việc này, Keangnam đã bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt.
Đồng thời, khách hàng cho rằng, căn hộ Keangnam giao căn hộ thiếu diện tích khoảng 14,6m2 so với diện tích trong hợp đồng. Theo ông H., diện tích mua bán ghi trong hợp đồng, theo quy định pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng, phải là diện tích thuộc sở hữu riêng, không bao gồm diện tích chung (cột chịu lực, hộp kỹ thuật…). Tuy nhiên, thực tế căn hộ đã bị tính cả phần diện tích chung này, thậm chí, một hộp kỹ thuật nằm ngoài hành lang cũng bị Keangnam tính luôn vào diện tích căn hộ bán cho khách hàng.
Phía Kengnam phủ nhận quan điểm của khách hàng, cho rằng họ không niêm yết, thanh toán, quảng cáo bằng ngoại tệ nên không vi phạm quy định ngoại hối. Việc đưa USD vào hợp đồng chỉ nhằm thuận lợi cho hạch toán với công ty mẹ, vì Keangnam là tập đoàn đa quốc gia.
Về diện tích, Keangnam cho rằng hai bên đã thỏa thuận phương pháp đo từ tim tường đến tim tường nên phải bao gồm cả diện tích hộp kỹ thuật, cột… Ngoài ra, đại diện Keangnam khẳng định, họ bán theo từng căn, căn hộ này có giá này chứ không bán theo đơn vị m2. Vì thế đề nghị tòa án không chấp nhận quan điểm của nguyên đơn.
Bản án sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Xét thấy việc ghi giá bán căn hộ bằng USD trong hợp đồng là vi phạm pháp luật nhưng do sự thỏa thuận tự nguyện của hai bên nên bản án sơ thẩm xác định lại giá bán căn hộ bằng VND.
Với tỷ giá tối đa được phép tại thời điểm mua bán căn hộ là 17.800 đồng/USD, căn hộ được xác định có giá 6,26 tỷ đồng. Trong khi khách hàng đã thanh thoán cho Keangnam 6,88 tỷ đồng. Do đó buộc Keangnam trả lại cho khách hàng hơn 660 triệu đồng.
Về diện tích, theo kết quả đo đạc của Trung tâm Kiểm định chất lượng sản phẩm Đo đạc và bản đồ thì trong căn hộ có 11,3m2 thuộc phần diện tích chung. Trong phần diện tích chung này có một hộp kỹ thuật 2m2 nằm ngoài tường bao của căn hộ. Bản án cho rằng, hai bên đã thỏa thuận phương pháp đo tim tường đến tim tường không trái với quy định pháp luật nên chấp nhận và xác định lại diện tích căn hộ, loại bỏ diện tích hộp kỹ thuật nằm ngoài tường bao và 1/2 diện tích tường bao.
Như vậy chênh lệch diện tích thực tế và diện tích theo hợp đồng là 3,1m2, tương đương với 155 triệu đồng.
Tổng cộng, Keangnam phải trả lại cho khách hàng số tiền 773 triệu đồng.