Như Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin về phiên tòa xét xử vụ kiện giữa khách hàng và Chủ đầu tư Keangnam, tranh luận giữa hai bên ngày càng gay gắt trong thời tiết nắng nóng của Hà Nội.
Tranh cãi của 2 bên xoay quanh 3 vấn đề.
Vi phạm quy định ngoại hối?
Khách hàng cho rằng Keangnam tính giá căn hộ bằng USD là vi phạm quy định về quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vi phạm này, khách hàng đã ngừng thanh toán tiền và yêu cầu Keangnam điều chỉnh giá bán căn hộ, tính bằng VND thay vì USD. Nhưng phía Keangnam không chấp nhận. Cũng vì việc này, Keangnam đã bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính 8,5 triệu đồng.
Phía Keangnam khẳng định không niêm yết, quảng cáo, không thanh toán bằng USD nên không vi phạm. Hợp đồng có điều khoản về giá căn hộ nhưng đã được quy đổi sang VND.
Keangnam ăn bớt diện tích căn hộ
Keangnam giao căn hộ thiếu diện tích so với hợp đồng. Theo hợp đồng, căn hộ A710 diện tích 118,75m2 và diện tích này không bao gồm của tường, cột, hộp kỹ thuật. Tức là diện tích căn hộ mà khách hàng đã mua không bao gồm phần diện tích thuộc sở hữu chung trong căn hộ (nếu có). Toàn bộ diện tích căn hộ khách hàng đã trả tiền mua phải thuộc sở hữu riêng.
Nhưng thực tế Keangnam đã phân chia toàn bộ diện tích thuộc sở hữu chung (tường, cột, khung chịu lực, hộp kỹ thuật) của tòa nhà vào diện tích căn hộ và bán cho khách hàng. Do đó căn hộ A710 có diện tích sàn (đo từ tim tường đến tim tường) là 103,74m2. Diện tích còn thiếu so với trong hợp đồng là 15,01m2.
Phía Keangnam khẳng định không thiếu và theo phương phá đo đạc mà Keangnam viện dẫn thì nếu có thiếu chỉ thiếu 0,08m2, không đáng kể so với diện tích căn hộ. Hơn nữa, Keangnam cho rằng việc đo đạc không… quan trọng bởi việc mua bán, giá cả được tính theo căn hộ chứ không phải theo m2. Tức là căn hộ A710 có giá là 319.394 USD, không cần biết nó có diện tích là bao nhiêu!
Phối cảnh cây xanh, công viên, hồ nước biến thành… nhà tang lễ!
Khách hàng cho rằng Keangnam đã cung cấp thông tin không trung thực nhằm nâng cao giá bán và thu hút khách hàng. Khi tìm hiểu dự án tại Khu căn hộ mẫu, khách hàng được xem một loạt bản vẽ phối cảnh thể hiện Tháp A và Tháp B nằm sát công viên đô thị, hồ nước với quy mô hàng chục ha, lớn nhất ở Hà Nội.
Nhưng trên thực tế, khi được tiếp cận Hồ sơ quy hoạch Khu đô thị mới Cầu Giấy, khách hàng mới phát hiện ra chắn trước hai tòa tháp của Keangnam là Lô đất E1, E2 trong đó Lô đất E1 có chức năng sử dụng đất là… Nhà tang lễ Văn Minh.
Điều này khiến khách hàng hết sức bất bình khi chủ đầu tư Keangnam đưa ra thông tin lừa dối dù biết rất rõ có Nhà tang lễ ngay trước hai tòa tháp bởi quy hoạch nói trên được phê duyệt từ năm 2003 và đến 2007 Keangnam mới được chấp thuận là chủ đầu tư.
Keangnam khẳng định mình không lừa dối khách hàng, bản vẽ phối cảnh chỉ nhằm mục đích giúp khách hàng hình dung về dự án còn lại khách hàng phải tự tìm hiểu về dự án, đó không phải là trách nhiệm của Keangnam.
Keangnam phản tố đòi phạt khách hàng 3,2 tỷ đồng Keangnam đã có yêu cầu phản tố cho rằng khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán khi dừng đóng tiền cho Keangnam. Với lý do này Keangnam có quyền chấm dứt hợp đồng và phạt hợp đồng, tính lãi nhưng thực tế chủ đầu tư đã tạo điều kiện cho khách hàng thực hiện đúng hợp đồng. Keangnam đề nghị Hội đồng xét xử xem xét buộc nguyên đơn bồi thường số tiền 3,25 tỷ đồng. |