Sự hiện diện của đồng tiền số đang đe dọa vị thế của tiền mặt, các ngân hàng thương mại...

Sự hiện diện của đồng tiền số đang đe dọa vị thế của tiền mặt, các ngân hàng thương mại...

Kế sách của ngân hàng trung ương trước nguy cơ tiền mặt bị “phế truất”

0:00 / 0:00
0:00
Trước nguy cơ tiền mặt bị “phế truất” bởi sự tấn công của các đồng tiền mã hóa, các ngân hàng trung ương đã có những động thái để giành lại vị thế của mình trong kỷ nguyên số.

Những diễn biến gay cấn, trồi sụt không giới hạn của Bitcoin và các đồng tiền số trong những ngày qua không chỉ trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông và giới đầu tư, mà còn tạo ra thách thức cực đại cho hệ thống ngân hàng truyền thống, từ các ngân hàng thương mại đến ngân hàng trung ương.

Sự trỗi dậy của các đồng tiền mã hóa cùng xu hướng số hóa giao dịch tài chính đang đặt ra cho chính phủ các nước, bao gồm Việt Nam, bài toán về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa cũng như việc ứng xử với tiền kỹ thuật số, trong đó không ngoại trừ ý tưởng về một đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.

Bài 2: Kế sách của ngân hàng trung ương trước nguy cơ tiền mặt bị “phế truất”

Trước nguy cơ tiền mặt bị “phế truất” bởi sự tấn công của các đồng tiền mã hóa, các ngân hàng trung ương đã có những động thái để giành lại vị thế của mình trong kỷ nguyên số và một trong số đó là phát hành tiền kỹ thuật số riêng. Còn tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách vẫn rất thận trọng để có những bước đi phù hợp.

Sức hấp dẫn của CBDC

Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương (NHTW) phát hành (central bank digital curency - CBDC) là IOU (giấy nợ) của NHTW được lưu trong ví kỹ thuật số của người sử dụng. Nó có thể được chuyển cho người dùng khác, dễ dàng như chuyển tiền qua thẻ tín dụng và điện thoại. Nhưng, là tiền của NHTW, nên việc giao dịch CBDC sẽ ít tốn kém hơn mà lại không có rủi ro.

Quần đảo Bahamas là quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố phát hành CBDC. Trung Quốc cũng đang thí điểm CBDC bằng cách phát tặng ngẫu nhiên cho người dân ở một số thành phố lớn. Những người này có thể sử dụng đồng tiền đó, thông qua ứng dụng (app) chuyên biệt, để thanh toán mua hàng ở một số nơi được chỉ định.

Ở Vương quốc Anh, vào ngày 19/4/2021, NHTW và Bộ Tài chính đã tuyên bố thành lập tổ công tác nghiên cứu về CBDC. Trong khi đó, NHTW châu Âu (ECB) dự kiến đến năm 2025 sẽ phát hành CBDC của riêng mình.

Vì sao các NHTW trên thế giới lại có động thái muốn tạo lập đồng tiền số như vậy?

Theo lời cựu Phó thống đốc NHTW Pháp, Jean-Pierre Landau, “chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, người dân và nhà chức trách đã thay đổi cách nghĩ và cách nói về tiền”. Sự ra đời của các đồng tiền mã hóa có thể khiến việc lưu thông tiền không còn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng truyền thống. Một tổ chức có mạng lưới người dùng rộng khắp, không phụ thuộc biên giới quốc gia, như Facebook, có thể dễ dàng triển khai đồng tiền số của riêng mình và thu hút khách hàng sử dụng nhanh chóng.

Khi tiền không còn chảy qua các ngân hàng, sẽ rất khó để các NHTW triển khai chính sách tiền tệ. Đồng thời, vai trò của tiền mặt cũng sẽ bị đe dọa. Hiện tại, tỷ lệ tiền mặt được sử dụng trong thanh toán ở các nước phát triển đang giảm xuống. Người dân không giữ nhiều tiền mặt và thường sử dụng các loại thẻ, app để mua hàng hóa, dịch vụ. Tiền mã hóa có thể góp phần đẩy nhanh công cuộc “truất phế” tiền mặt. Khi tiền mặt bị thất sủng, nó sẽ không còn được coi là một tài sản an toàn mà người dân có thể dựa vào khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.

Việc phát hành CBDC là động thái để các NHTW giành lại vị thế của mình trong kỷ nguyên số. CBDC, vốn tồn tại trong không gian số, có thể được phổ biến rộng khắp đến tay người dân mà không phải chịu sự hạn chế của tiền mặt truyền thống và các ngân hàng thương mại. Khi sử dụng CBDC, người dân là khách hàng trực tiếp của NHTW, không phải qua bất cứ trung gian nào.

Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy phân tích trường hợp của Bahamas. Bahamas là một quốc gia nhỏ, với lãnh thổ bao gồm hơn 700 hòn đảo nằm rải rác trên vùng biển Caribe. Mật độ dân số của cả nước chỉ vỏn vẹn 25 người/km2. Địa thế phức tạp, dân cư thưa thớt khiến việc mở thêm chi nhánh ngân hàng không khả thi về mặt kinh doanh, nên nhiều người dân khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng. CBDC là một giải pháp để đưa tiền trực tiếp đến dân chúng. Điều này cũng có thể giúp tránh được tình trạng người dân phụ thuộc vào đồng tiền mã hóa được phát hành bởi các tổ chức nước ngoài.

Ngoài ra, với một hệ thống trực tiếp như trên, chi phí giao dịch sẽ giảm đi đáng kể so với các giao dịch qua ngân hàng truyền thống, vốn phải chịu nhiều loại phí cắt cổ, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới. Đồng thời, CBDC cũng có thể giúp truyền dẫn nhanh chóng chính sách tiền tệ và giúp NHTW thực hiện các biện pháp phi chính thống như lãi suất âm.

Sự phổ quát, nhanh chóng, tiện lợi, cộng với rủi ro thấp do đồng tiền được đảm bảo bởi chính NHTW đã tạo ra sức hấp dẫn và tiềm năng to lớn của CBDC.

Bài toán quản lý CBDC

Thông qua hoạt động kinh doanh của mình (nhận tiền gửi và cho vay), ngân hàng thương mại có chức năng tạo ra tiền. Tiền mới có thể được tạo ra trong chớp nhoáng chỉ bằng một chữ ký.

Trên thực tế, tiền trong tài khoản tư nhân chiếm tuyệt đại đa số trong tiền mở rộng (broad money) ở các quốc gia phát triển (ở Mỹ là 90%, Anh: 97%, khối Eurozone: 91%, Nhật Bản: 93%). Ngoài ra, do ngân hàng thương mại có xu hướng sử dụng những khoản tiền gửi ngắn hạn, có tính thanh khoản cao làm nguồn cung ứng cho các khoản cho vay dài hạn, có tính thanh khoản thấp hơn, nên phải có một cơ quan đóng vai trò “người cho vay khẩn cấp” để đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. NHTW đóng vai trò này.

Sự hiện diện của đồng tiền số, dù được phát hành bởi NHTW hay các tổ chức tư nhân, đều có khả năng làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ truyền thống nói trên cũng như thay đổi vị thế của các ngân hàng thương mại.

Khi CBDC được cho phép sử dụng rộng rãi, các ngân hàng thương mại có nguy cơ suy giảm, thậm chí mất trắng tiền gửi. Đồng thời, quá trình chuyển đổi từ tiền gửi ngân hàng sang CBDC sẽ khiến bảng cân đối kế toán của NHTW phình to thêm. Như vậy, ngân hàng thương mại sẽ không còn nguồn tiền chính để thực hiện cho vay.

Để giải quyết vấn đề trên, liệu NHTW có thể cho các ngân hàng thương mại “vay lại” các khoản tiền này với một mức lãi suất chính sách nào đó? Điều này có thể làm dấy lên tranh cãi, do vấn đề mâu thuẫn lợi ích. Hơn nữa, ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng là cung cấp tín dụng cho những ai có nhu cầu. Các hộ gia đình và doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào ngân hàng thương mại.

Nhờ chức năng tạo tiền, ngân hàng thương mại có thể cung cấp tín dụng cấp kỳ, nhất là khi khủng hoảng xảy ra (như khi đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu vào tháng 3/2020), điều mà các định chế tài chính khác (như quỹ hưu trí) không làm được. Khi ngân hàng thương mại không còn khả năng làm điều này, quyền lực lẫn trách nhiệm sẽ phải dồn vào NHTW. Nhưng, NHTW có thể gồng gánh tất cả hay không?

Cựu thống đốc Bank of England, Mervyn King, đề xuất giải pháp khắc phục vấn đề cung cấp tín dụng, rằng Bank of England có thể cho vay thế chấp với các điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống cho vay thế chấp hiện hành

khá phức tạp. Theo Stephen Cerchetti của Brandeis University, ở châu Âu, trong 15 năm trở lại đây, các tài sản được đem ra thế chấp có thể bao gồm từ 25.000 đến 30.000 chứng khoán khác nhau, thậm chí có cả chứng khoán “ma”, được thêm vào cho đủ theo quy định. Với hằng hà sa số chứng khoán, với các mức độ chiết khấu khác nhau như vậy, liệu một mình NHTW có khả năng đảm đương nổi hay không? Tất cả những điều trên hoàn toàn có thể gây khó khăn trong việc định giá tín dụng.

Ngoài ra, không như các đồng tiền mã hóa quen thuộc, vốn mang tính phi tập trung, CBDC vẫn phải chịu sự kiểm soát của NHTW phát hành ra nó. Để có thể quản lý việc sử dụng CBDC, phòng ngừa các giao dịch tài chính phi pháp, nhiều khả năng, người dùng phải đăng ký. Nói cách khác, người dùng sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân của mình để có thể sở hữu và sử dụng CBDC. “Thủ tục” này không hề khác với những gì khách hàng phải làm khi đăng ký tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hay ví điện tử.

Điều này lại dẫn đến một vấn đề gây tranh cãi trong thời đại công nghệ thông tin, đó là quyền riêng tư và giữ bí mật thông tin cá nhân. Các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan công quyền có quyền đòi hỏi thông tin cá nhân đến đâu? Làm sao để dữ liệu người dùng không bị lợi dụng vào việc bất minh? Có lẽ, sẽ cần rất nhiều thời gian để có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề trên.

Những bước đi thận trọng của Việt Nam

Nhìn chung, ý tưởng về một đồng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành là bước đi tất yếu, trước sự trỗi dậy của các đồng tiền mã hóa, một hệ thống tài chính ngày càng được số hóa và vị thế của tiền mặt ngày càng yếu đi ở nhiều nước. Nhưng, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn đang rất thận trọng với CBDC. Giống như nhiều NHTW trên thế giới, việc chấp nhận CBDC ở Việt Nam cùng với những đổi mới trong lĩnh vực fintech cũng giống như yêu cầu “ông nội nghe rap”.

CBDC có tiềm năng to lớn, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng cũng góp phần làm thay đổi hoàn toàn vai trò của NHTW lẫn ngân hàng thương mại, cùng mối quan hệ giữa hai loại định chế này. Hiện nay, đa số người dân vẫn coi trọng tiền mặt. Các ngân hàng thương mại thường tính chi phí giao dịch quá cao, đặc biệt là các giao dịch quốc tế. Trong khi đó, nhiều người dân, nhất là ở các tỉnh, gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng và dễ bị sa vào tín dụng đen.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều văn bản chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tham gia ngăn chặn tín dụng đen từ các nền tảng fintech đang tràn lan, khó kiểm soát, nhưng tình hình vẫn còn khá phức tạp, nhất là ở những vùng nông thôn.

CBDC có thể giải quyết các rào cản trong hệ thống ngân hàng hiện tại. Tuy nhiên, để triển khai CBDC, cần phải có hạ tầng thông tin đủ mạnh, đồng thời tạo điều kiện tối đa để người dân dễ dàng tiếp cận tiền điện tử, như khuyến khích cung cấp smartphone giá rẻ. Thật đáng tiếc khi mới đây, VinSmart tuyên bố dừng sản xuất smartphone chỉ sau gần 3 năm, dù đã từng chiếm lĩnh top 3 thị phần smartphone Việt Nam và được vinh danh Thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020. Nếu có sự phối hợp với tầm nhìn dài hạn giữa NHNN và nhà sản xuất smartphone Việt Nam trong việc tạo ra một đồng tiền Việt kỹ thuật số, có thể, mọi thứ sẽ tốt hơn.

Một thông tin liên quan đến việc phát hành tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương, các thử nghiệm ban đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, đồng euro kỹ thuật số mang lại những kết quả đầy hứa hẹn về cách công nghệ có thể được sử dụng để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng mà không cần nới lỏng các tiêu chuẩn chống lại các hoạt động bất hợp pháp.

Tin bài liên quan