Trái chủ 25 gói trái phiếu đều là bị hại
Kết quả điều tra của cơ quan công an xác định, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Vạn Thịnh Phát) đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu.
C03 cũng chính thức phát thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (An Đông) và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Theo điều tra, từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm có liên quan tại Vạn Thịnh Phát, An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận (Quang Thuận), Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại TP.HCM (Setra), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World (Sunny World) và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật.
Các công ty trên đã tạo lập 25 gói trái phiếu mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng để bán, huy động tiền và chiếm đoạt.
Theo các luật sư, cho tới nay, đây là vụ án có số bị hại lớn nhất trong lịch sử tố tụng. Con số 42.000 trái chủ vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan đã phá kỷ lục khi lớn gấp hơn 10 lần số nạn nhân vụ án lừa đảo tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.
C03 xác định những trái chủ đang sở hữu 25 mã trái phiếu do các công ty phát hành nêu trên là bị hại trong vụ án.
Do số lượng bị hại quá lớn, nên C03 đã ủy thác điều tra đến cơ quan cảnh sát điều tra công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của bị hại, C03 đề nghị các bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu và 20 mã số hiệu nêu trên khẩn trương đến cơ quan cảnh sát điều tra công an các tỉnh/thành phố (nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) phối hợp làm việc; cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Nếu người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án, C03 sẽ không xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.
Nạn nhân của trái phiếu An Đông “khủng” nhất
Hồ sơ của chúng tôi thể hiện, trong số 42.000 trái chủ của trái phiếu do 4 công ty trên phát hành, thì 3 mã trái phiếu ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01 do An Đông có phát hành có số bị hại lớn nhất.
Bằng chứng, hồi tháng 10/2022, ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát bị bắt giam, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI - doanh nghiệp tư vấn, kiêm đại lý phát hành cho trái phiếu An Đông) có một báo cáo thể hiện: 3 mã trái phiếu An Đông đã có khoảng 40.000 khách hàng mua qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gồm 17.400 người sở hữu trái phiếu ADC.2018.09, hơn 5.000 người mua lô ADC.2018.09-01 và hơn 15.500 người mua lô ADC.2019.01.
Ba mã trái phiếu này được An Đông phát hành năm 2018, 2019, thu về gần 25.000 tỷ đồng.
Đây đều là trái phiếu “nhiều không” như: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, đều do TVSI tư vấn rồi kiêm luôn đại lý phát hành. Sau khi ký hợp đồng hợp tác với TVSI, SCB rầm rộ phát động nhiều chương trình để cán bộ, nhân viên thi đua “dẫn dụ” khách hàng mua trái phiếu, khiến tới tận “phút 89”, chỉ 1 ngày trước khi Bộ Công an khởi tố bà Trương Mỹ Lan, vẫn có “Thượng đế” thành khổ chủ.
“Chân tướng” từng doanh nghiệp biến trái chủ thành khổ chủ
Ngoài An Đông, trái phiếu mã QT-2018.12.1 mà C03 tìm bị hại là do Quang Thuận phát hành vào ngày 27/12/2018 với khối lượng lên tới 15 triệu trái phiếu, thu về 1.500 tỷ đồng. Đây cũng là trái phiếu rủi ro cao nhất khi không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan được C03 khởi tố đầu tháng 10/2022. C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát; Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT TVSI, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Vạn Thịnh Phát.
Bắt tạm giam 4 thành viên đoàn thanh tra liên ngành đã từng tiến hành thanh tra SCB, bao gồm cả Trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước.
Tới hạn, Quang Thuận không thanh toán tiền lãi với lý do nguồn tiền theo phương án kinh doanh phát hành trái phiếu gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường bất động sản; nguồn tiền thu từ hoạt động kinh doanh thông thường hiện chưa bù đắp đủ cho khả năng trả lãi định kỳ; tài sản đang bị phong tỏa do có liên quan đến Vạn Thịnh Phát, nên việc kinh doanh gặp nhiều ảnh hưởng…
Quang Thuận “dính” với Vạn Thịnh Phát bắt đầu từ năm 2014, khi bất ngờ tăng vốn mạnh từ 150 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng, cùng với sự xuất hiện của 4 cổ đông họ Trương, trong đó Trương Huệ Vân, Trương Lập Hưng là các lãnh đạo cao cấp trong HĐQT của Vạn Thịnh Phát.
Còn 20 mã trái phiếu số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 mà C03 tìm bị hại, do Setra phát hành trong ngày 31/8/2020, đáo hạn ngày 31/8/2025, tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng và đều có lãi suất là 11%/năm, kỳ lãi 6 tháng/lần. Thương vụ này do TVSI làm tổ chức lưu ký.
Vừa qua, Setra gửi văn bản đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo đã chậm lãi cho hai kỳ thanh toán đối với 20 mã trái phiếu này. Tổng số tiền lãi cùng với phạt lãi đã lên đến hơn 222 tỷ đồng. Lý do được Setra đưa ra là do tổ chức phát hành chưa thu xếp được nguồn thanh toán.
Cuối cùng là trái phiếu mã SNWCH1823001 do Sunny World phát hành. Sunny World nằm trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát. Năm 2018, Sunny World phát hành thành công 2 đợt trái phiếu có mã SNW-2018.10 và SNW-2018.12, kỳ hạn 5 năm, huy động được tổng cộng 3.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối tháng 11/2019, công ty này đã mua lại trước hạn 700 tỷ đồng trái phiếu mã SNW-2018.12 từ 2 nhà đầu tư tổ chức, dù số trái phiếu này được phát hành chưa đầy 1 năm.
Không phối hợp với công an sẽ thiệt thòi quyền lợi
Hồi tháng 6/2023, qua loạt bài “Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử”, Báo Đầu tư đã tham vấn nhiều luật sư để cung cấp cho hàng ngàn trái chủ cách thu thập chứng lý, củng cố hồ sơ để kịp thời cung cấp khi cơ quan công an tìm bị hại, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Hàng trăm trái chủ khắp cả nước đã làm theo, nên khi nhận được thông báo của cơ quan công an địa phương liên quan, đã nhanh chóng tới phối hợp cung cấp bằng chứng.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, trên nhiều diễn đàn mạng, nhiều người xưng là trái chủ lại phản bác, cho rằng không thể lấy được tiền, hoặc cho rằng danh sách trái chủ đã có trong hồ sơ thì cơ quan công an cứ thế mà làm, cần gì phải tìm bị hại, hoặc chỉ biết giao dịch qua SCB nên cứ tới SCB để đòi.
Thậm chí, trái chủ H.L bức xúc kể với chúng tôi: “Tôi dẫn nguồn tin Bộ Công an lên các hội nhóm kêu tìm bị hại, kêu trái chủ nhanh chóng đến cơ quan chức năng cung cấp hồ sơ chứng minh mình là bị hại, thì nhiều người vào bình luận là không lấy lại được tiền đâu, kiện mất công…”.
Trước vấn đề này, luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và cộng sự (TP.HCM) nhờ Báo Đầu tư chuyển lời tư vấn tới trái chủ rằng, trong vụ án này, khi các trái chủ được xác định là bị hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà C03 đã khởi tố, thì việc chi trả sẽ thực hiện thông qua bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này, cơ quan thi hành án sẽ dựa trên số tài sản còn lại của người phạm tội và số tiền theo đơn yêu cầu thi hành án của các bị hại để thực hiện nguyên tắc phân chia và hoàn trả theo quy định về thi hành án.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, các trái chủ phải khẩn trương củng cố hồ sơ chứng lý và trình báo cơ quan điều tra để được xác định tư cách bị hại trong vụ án.
Nếu không, nhìn từ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, có người là nạn nhân nhưng không trình báo, đến khi xử án thì khó còn cơ hội lấy lại quyền lợi.
(Còn tiếp)