Kế hoạch tăng trưởng phải đáp ứng yêu cầu, có tính khả thi

0:00 / 0:00
0:00
Đó là hai căn cứ để xây dựng kế hoạch năm 2023 mà ngành kế hoạch và đầu tư dự thảo trình Chính phủ và Quốc hội.
Kế hoạch tăng trưởng phải đáp ứng yêu cầu, có tính khả thi

Yêu cầu cần đáp ứng

Yêu cầu đầu tiên là phải đáp ứng mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân một năm trong kế hoạch 5 năm là 6,5-7,0%, hay năm 2025 so với năm 2020 phải tăng 37-40,3%. Năm 2021 tăng 2,56%, năm 2022 theo nhiều dự đoán tăng 7%, tính chung 2 năm tăng 9,74% và 3 năm còn lại phải tăng 24,8-27,8%, bình quân một năm tăng 7,66-9,0%.

Theo đó, tốc độ tăng của 3 năm còn lại đều ở mức rất cao. Do vậy, tốc độ tăng của năm 2023 phải khá cao, bởi đây là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, nếu không đạt được mức 7,66-9%, thì không đạt được mục tiêu 5 năm hoặc dồn gánh quá nặng cho 2 năm cuối kế hoạch 5 năm.

Một yêu cầu quan trọng khác là, cùng với tăng trưởng kinh tế là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (như lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng hợp, dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài…). Một yêu cầu quan trọng nữa là góp phần phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường.

Đáp ứng yêu cầu thể hiện quyết tâm, cũng là tính chiến đấu của cơ quan đề ra mục tiêu và các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, đáp ứng yêu cầu không có nghĩa là duy ý chí, sẽ gây ra tình trạng tăng trưởng nóng, gây ra bất ổn vĩ mô…

Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng là tăng trưởng không chỉ về số lượng, mà còn phải nâng cao chất lượng tăng trưởng - tức là nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, tăng tỷ trọng đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP.

Phải có tính khả thi

Tính khả thi phụ thuộc vào hiện trạng và các yếu tố tác động. Hiện trạng bao gồm kết quả tích cực và những hạn chế về tăng trưởng GDP của năm 2022.

Kết quả tích cực của năm 2022 được biểu hiện ở một số điểm chủ yếu. Rõ nhất là tăng trưởng có xu hướng cao lên qua các quý và 6 tháng qua. Theo nhiều ước tính, tăng trưởng GDP cả năm 2022 có thể đạt 7%, thậm chí có thể cao hơn nữa (7,5%). Đà tăng lên với tốc độ cao của năm 2022 là tín hiệu khả quan để năm 2023 tiếp tục tăng cao…

Không chỉ tăng trưởng cao, năm 2022 còn đạt kết quả tích cực về nhiều mặt khác. Hiệu quả đầu tư tăng khá khi hệ số ICOR thấp chỉ bằng một nửa của 2 năm trước, khi tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP thấp hơn các năm trước, nhưng tốc độ tăng GDP cao gấp 2-3 lần tốc độ tăng của 2 năm trước.

Tốc độ tăng số lao động đang làm việc không còn bị mang dấu âm như 2 năm trước, mà tăng trở lại (6 tháng đầu năm 2022 tăng khoảng 2,4%, lao động ngành công nghiệp tăng 5,8%, số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 6,3%). Nhưng do tốc độ tăng GDP cao, thì mức năng suất lao động tăng và tốc độ tăng năng suất đạt khá cao. Dự đoán mức năng suất lao động tính bằng VND sẽ đạt khoảng 185 triệu đồng - cao hơn mức 171,3 triệu đồng của năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động tính theo giá so sánh đạt khoảng 4,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao, nếu loại trừ giá 8 tháng tăng cao (15,1% - cùng kỳ giảm 5,1%). Xuất khẩu hàng hóa cao hơn mục tiêu và cao hơn nhập khẩu, nên xuất siêu đạt khá (8 tháng xuất khẩu tăng 18,2%, nhập khẩu tăng 13,7%, xuất siêu gần 5,5 tỷ USD) hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Khách quốc tế tăng mạnh. Ngân sách bội thu. Tăng trưởng tín dụng cao hơn không bao nhiêu so với 2 năm trước. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Tỷ giá cơ bản ổn định…

Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 cũng còn những khó khăn, hạn chế. Đại dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều đối tác lớn về đầu tư, thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động và cả ở trong nước. Biến động khí hậu và thiên tai khó lường. Tăng trưởng cao, có một phần do số gốc so sánh thấp. Các điểm nghẽn, yếu tố động lực cải thiện chưa nhiều. Tỷ trọng của kinh tế trong nước đối với công nghiệp và xuất khẩu còn thấp…

Các yếu tố tác động trong năm 2023 được dự báo vẫn có sự đan xen giữa thuận lợi và thách thức, trong đó có những thách thức không nhỏ và khó lường.

Năm 2022 dù thành công cũng sẽ trở thành quá khứ. Quá khứ không chỉ là điểm xuất phát, tạo đà cho thời gian tới, mà quan trọng hơn là những bài học kinh nghiệm. Trong các bài học kinh nghiệm, có bài học về tính khả thi cần quan tâm khi xuất khẩu mục tiêu, để tránh tăng trưởng nóng. Mục tiêu dài hạn đạt được không phải là tốc độ tăng trưởng nóng trong hôm nay, mà quan trọng hơn là sự bền vững của tốc độ tăng trong dài hạn. Một trong những nội dung của sự bền vững là ổn định kinh tế vĩ mô, là chất lượng tăng trưởng.

Cùng với thách thức ở trong nước, còn có nhiều thách thức từ nước ngoài. Lạm phát trên thế giới tăng sẽ làm cho chi phí đầu vào ở trong nước tăng, nhập khẩu lạm phát sẽ tăng kép nếu tỷ giá VND/ngoại tệ tăng do sức ép của sự tăng giá USD trên thế giới…

Tin bài liên quan