Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025: Nền tảng cho sự bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
Một nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là “quyết” Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Đây là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu 2030, 2045.
Trong 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Ảnh: Lê Toàn

Trong 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Ảnh: Lê Toàn

Nhanh chóng phục hồi, nhanh chóng bứt phá

Khi Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 hoàn tất, chuẩn bị trình Quốc hội vào ngày mai (22/7), cũng là lúc Việt Nam trải qua những ngày cam go nhất của cuộc chiến chống Covid-19. Dịch bệnh còn dai dẳng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng thực hiện 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã vạch ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021 và được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Cụ thể, để tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6%, thì quý III phải tăng 6,2%, quý IV tăng 6,5%. Trong khi đó, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, thì quý III phải đạt mức tăng trưởng 7%, còn quý IV tăng 7,5%.

Việc thực hiện được 2 kịch bản trên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế, tập trung các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Trong khi đó, dịch đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh ở các tỉnh phía Nam. 19 địa phương của khu vực này đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2021.

Tuy vậy, cho tới thời điểm này, quan điểm nhất quán của Chính phủ vẫn là không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Và ngay cả với kế hoạch 5 năm, quyết tâm của Chính phủ vẫn là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bởi thế, trong dự thảo kế hoạch 5 năm, các mục tiêu quan trọng vẫn được đặt ra, trong đó tăng trưởng bình quân là 6,5-7%.

Dự thảo kế hoạch 5 năm cũng đã xác định một trong 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là “tập trung thực hiện ‘mục tiêu kép’, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn ưu tiên; bảo đảm đời sống nhân dân”.

Để thực hiện “mục tiêu kép”, ngoài việc khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, Chính phủ cũng đã xác định nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.

Thực tế, khi kế hoạch 5 năm 2021-2025 bắt đầu được dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định, 2 năm đầu tiên là tập trung phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của Covid-19, 3 năm sau tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh mới. “Nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu nhiệm kỳ, bứt phá, phát triển trong những năm tiếp theo” là mục tiêu rất rõ ràng đã được đặt ra.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có lẽ đồng tình với kế hoạch này, nên khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, đã nhấn mạnh việc “phải nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu, bứt phá phát triển trong những năm tiếp theo”.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã nhắc đến việc Chính phủ cần tiếp tục đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, duy trì thành quả, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, an sinh xã hội gắn liền với từng bước phát triển. “Ủy ban Kinh tế nhất trí với các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 5 năm 2021-2025, nhưng chỉ tiêu hằng năm cần phấn đấu cao hơn”, ông Thanh bày tỏ quan điểm.

Giải quyết các “điểm nghẽn”

5 năm (2016-2020) là giai đoạn mà kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nếu chỉ tính 4 năm (2016-2019), tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%. Do năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2,91%, nên tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là 6%, không đạt mục tiêu đề ra, song Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên khu vực và thế giới.

Không những thế, báo cáo Quốc hội, Chính phủ khẳng định, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Số liệu thống kê cho thấy, quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 271,2 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với cuối năm 2015. Kinh tế vĩ mô cũng ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch; bội chi, nợ công giảm mạnh; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục…

Tuy nhiên, các điểm nghẽn cũng được Chính phủ thẳng thắn thừa nhận. Đó là năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế chưa cao; kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu…

Khi đề cập vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về các chỉ số an toàn nợ công, ngưỡng an toàn của nợ Chính phủ, việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, hay các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu… Chưa kể, còn là vấn đề mà nền kinh tế đang phải đối mặt, đó là những khó khăn do dịch bệnh...

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế bày tỏ sự lo ngại khi thu ngân sách chưa bền vững, thuế thu nhập doanh nghiệp trong tổng thu ngân sách giảm, số vượt thu ngân sách địa phương khá cao, nhưng chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần… Đặc biệt, các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng (doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài và tư nhân) đều không đạt dự toán.

Các vấn đề liên quan đến sự phát triển của khu vực tư nhân, sự thiếu vắng các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, hay tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài… cũng đã được nhấn mạnh.

Giải quyết các điểm nghẽn trên chính là cách để nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng.

Nền tảng cho sự bứt phá

Việt Nam đang bước vào một kỳ 5 năm tiếp theo trong vô vàn khó khăn và thách thức, nhất là khi đại dịch đã làm lộ rõ hơn nữa nhiều yếu kém mang tính hệ thống, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người dân. Nền kinh tế cũng đang đối mặt với rủi ro lỡ nhịp kinh tế thế giới khi một số quốc gia đã dần tiến tới mở cửa nền kinh tế. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là một thách thức lớn…

Trong khi đó, chúng ta đang đặt những tham vọng to lớn hơn cho nền kinh tế, nhất là vào thời điểm cuối năm 2025, mục tiêu là trở thành “nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”. Kế hoạch 5 năm 2021-2025, có thể nói, cũng là nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển vào các năm 2030, 2045. Mục tiêu lớn thì cần có các giải pháp đột phá.

Bởi vậy, trong các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đặt ra, có nhiều giải pháp rất đáng chú ý, từ việc phải tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao…, đến đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, xã hội số…, rồi thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển…

Trong 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có một chỉ tiêu rất đáng chú ý, đó là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Đây chính là biểu hiện rõ nét của một nền kinh tế đang phát triển “có công nghiệp theo hướng hiện đại”, mục tiêu đã đặt ra vào năm 2020 nhưng chưa đạt được.

Ngoài các giải pháp trên, Dự thảo kế hoạch 5 năm cũng đề cập việc tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng, sớm tạo các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới…

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc phải quy định cụ thể thời hạn, lộ trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc hoàn thành và thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh…

Vấn đề đặt ra với nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn là làm sao tận dụng được các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0, do sự thay đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu sau Covid-19 mang lại. Bởi vậy, chuyện thử nghiệm một số vấn đề mới liên quan đến các mô hình kinh tế mới cũng đã được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. Một chiến lược phục hồi và tăng tốc phát triển trong bối cảnh hiện nay cũng rất cần thiết.

Còn TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam một lần nữa nhắc tới chuyện cải cách thể chế - câu chuyện luôn được đề cập lâu nay. Theo ông, Việt Nam cần một cuộc cách mạng về thể chế để “thay máu”, để “nâng cấp” nền kinh tế.

Tin bài liên quan