Ba nội dung điều chỉnh
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 5170/BKHĐT – GSTĐĐT (Công văn số 5170) gửi Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành.
Tại Công văn số 5170, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm định đề nghị Vietravel Airlines giải trình, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ Dự án theo những ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2022, Vietravel Airlines đã gửi văn bản đề nghị điều chỉnh Dự án Vận tải hàng không lữ hành tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến tháng 10/2022, tân binh của ngành vận tải hàng không chính thức có đề xuất xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tới các bộ, ngành liên quan.
Có 3 nội dung chính yếu mà Vietravel Airlines xin thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 457/QĐ-TTg (Quyết định 457) ngày 3/4/2020.
Nội dung đầu tiên là việc Vietravel Airlines xin điều chỉnh tên nhà đầu tư từ Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam thành Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam.
Với dự báo thị trường nội địa năm 2023 đạt 45,5 triệu lượt khách thì số lượng tàu bay cho riêng thị trường nội địa là 182 chiếc. Đối với thị trường quốc tế, trên cơ sở thị phần mục tiêu (42%), dự kiến các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển khoảng 13,6 triệu lượt khách, tương đương với 57 tàu bay. Theo tính toán này, nhu cầu về tàu bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ là từ 230 tàu bay cho các tháng đầu năm, tăng dần theo hàng tháng cho đến 250 tàu bay vào các tháng cuối năm.
Nội dung thứ hai liên quan đến quy mô Dự án Vận tải hàng không lữ hành. Tại Quyết định 457, số tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, lượng tàu bay tăng dần đến năm thứ 5 là 8 chiếc, chủng loại là Airbus/Boeing hoặc tương đương.
Trong hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Vietravel Airlines đề nghị sửa thành: số tàu bay khai thác năm đầu tiên là 3 tàu bay, tăng dần đến năm 2025 là 25 chiếc, đến năm 2030 là 50 chiếc. Trong giai đoạn sau năm 2030, Hãng muốn được phát triển quy mô đội tàu bay phù hợp với nhu cầu thị trường với chủng loại là Airbus/Boeing hoặc tương đương.
Nội dung quan trọng thứ ba là việc Vietravel Airlines xin nâng tổng vốn đầu tư của Dự án Vận tải hàng không lữ hành. Tại Quyết định 457, tổng vốn đầu tư Dự án là 700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư. Tại hồ sơ điều chỉnh Dự án, nhà đầu tư đề nghị nâng tổng vốn đầu tư gấp hơn 10 lần quy mô được duyệt (8.250 tỷ đồng), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.
Điều đáng nói, đây cũng là nội dung trong Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam mà Vietravel Airlines nhận được ý kiến đề nghị giải trình làm rõ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Cụ thể, trong Công văn số 5170, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, số liệu về tổng vốn đầu tư điều chỉnh dự án đang có sự sai khác giữa văn bản đề nghị điều chỉnh dự án (8.250 tỷ đồng) và Đề xuất dự án đầu tư điều chỉnh (7.700 tỷ đồng).
“Đây là sự sai khác khá lớn, do vậy, đề nghị nhà đầu tư rà soát chuẩn xác lại số liệu về tổng vốn đầu tư, các nguồn vốn huy động cho phù hợp”, Công văn số 5170 nêu rõ.
Được biết, Vietravel Airlines được đầu tư bởi Tập đoàn Du lịch và Hàng không - Vietravel Corporation (mã chứng khoán: VTR). Hãng chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên kết nối TP.HCM - Hà Nội vào ngày 25/1/2021. Tân binh của ngành hàng không đang khai thác 4 tàu bay và dự kiến tiếp tục đón thêm 2 tàu trong tháng 7/2023.
Trước đó, trả lời báo chí về đề xuất tăng quy mô, tăng vốn khủng của Vietravel Airlines, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, đề xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của Hãng, trong đó chủ yếu giúp tăng quy mô đội tàu bay.
“Đối với một hãng hàng không mới, đầu tư phát triển đội tàu bay là nhu cầu tất yếu để tồn tại và phát triển. Chỉ khi sở hữu đội tàu bay đủ lớn, doanh nghiệp mới có thể có lãi”, ông Kỳ giải thích về việc xin Chính phủ cho tăng vốn và quy mô đội tàu bay.
Theo Chủ tịch Vietravel Airlines, giai đoạn vừa qua, do Covid-19 và quy mô đội bay còn nhỏ, Hãng vẫn chưa thể có lãi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng muốn nhanh chóng tăng đội tàu bay để đón đầu nhu cầu vận tải hàng không, du lịch sau 2 năm đại dịch.
Cấn cá phương án huy động vốn
Liên quan đến vốn góp của nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Báo cáo tài chính năm 2021 của Vietravel Airlines (đã được kiểm toán), tại Bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2021, vốn góp chủ sở hữu là 861,6 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 438,3 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét cho kỳ tài chính 6 tháng kết thúc vào ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu là 594,3 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 705,6 tỷ đồng); nguồn vốn dài hạn nhà đầu tư có thể sử dụng là âm 192,015 tỷ đồng. Căn cứ các báo cáo tài chính nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc nhà đầu tư dự kiến huy động thêm 700 tỷ đồng vốn góp để thực hiện Dự án điều chỉnh là không khả thi.
Về vốn vay của các tổ chức tín dụng, trong hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, nhà đầu tư dự kiến huy động khoảng 4.738,21 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ Dự án không có văn bản cam kết từ các tổ chức tín dụng, không nêu cụ thể huy động từ tổ chức tín dụng nào.
Do vậy, cơ quan chủ trì thẩm định chưa có cơ sở đánh giá tính khả thi của phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho Dự án.
Về lợi nhuận để lại của nhà đầu tư (dự kiến khoảng 3.125,52 tỷ đồng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo số liệu tại các báo cáo tài chính, tại thời điểm 31/12/2021 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 438,3 tỷ đồng, tại thời điểm 30/6/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 705,6 tỷ đồng.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư đang không hiệu quả nên phần lợi nhuận để lại để tái đầu tư là không có cơ sở. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nhà đầu tư giải trình làm rõ phương án huy động vốn để thực hiện Dự án, đảm bảo tính khả thi.
Vào đầu tháng 2/2023, trong Công văn số 942/BTC-ĐT tham gia ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng, tổng vốn đầu tư cả 2 giai đoạn theo báo cáo là 15.890 tỷ đồng là chưa thống nhất so với tổng vốn đề xuất là 8.250 tỷ đồng.
Đồng thời, theo báo cáo, nhà đầu tư đã hoàn tất việc góp vốn 2.000 tỷ đồng (năm 2020 là 700 tỷ đồng, năm 2021 là 1.300 tỷ đồng), vượt tổng vốn đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 457 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư giải trình làm rõ các nội dung nêu trên, đồng thời xem xét lại phân kỳ đầu tư đảm bảo tiến độ thực tế.
Một điểm gợn khác trong hoạt động của Vietravel Airlines là việc cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đều ghi nhận từ ngày 1/11/2021 đến ngày 31/12/2021, Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam có tổng vốn đầu tư là 1.300 tỷ đồng, vượt 600 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư được ghi nhận tại Quyết định số 457.
“Đề nghị nhà đầu tư giải trình làm rõ lý do tăng tổng vốn đầu tư dự án trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án”, Công văn số 5170 nêu rõ.