Kế hoạch kinh doanh “giảm nhiệt” ở nhiều công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
Trái ngược với con số tăng trưởng mạnh mẽ năm 2021, nhiều công ty chứng khoán trình cổ đông kế hoạch năm 2022 có phần giảm nhiệt.
Các công ty chứng khoán nhận định, chứng khoán là vẫn kênh đầu tư thu hút nhà đầu tư, nhưng giảm nhiệt hơn

Các công ty chứng khoán nhận định, chứng khoán là vẫn kênh đầu tư thu hút nhà đầu tư, nhưng giảm nhiệt hơn

Kế hoạch “giảm nhiệt”

Sau năm 2021 đạt lợi nhuận trước thuế ấn tượng 534 tỷ đồng, năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 504 tỷ đồng, giảm 5,5%. Kế hoạch này được đề ra dựa trên nhận định VN-Index năm nay dao động quanh 1.340 - 1.750 điểm và thanh khoản bình quân 25.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên.

Tương tự, Đại hội đồng cổ đông Chứng khoán FPT (FTS) thông qua mục tiêu tổng doanh thu 1.090 tỷ đồng, giảm 3,7% và lợi nhuận trước thuế giảm 6,3%, về mức 680 tỷ đồng. Chứng khoán Bản Việt (VCI) thông qua kế hoạch với doanh thu 3.240 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2,7% so với năm 2021. Hay Chứng khoán Thành Công (TCI), sau một năm đạt lợi nhuận kỷ lục, đặt kế hoạch lợi nhuận 222 tỷ đồng, tăng 2,3%.

Thị trường vẫn có một số công ty chứng khoán lạc quan hơn, đặt ra mức tăng trưởng 2 chữ số, như Chứng khoán Smart Invest (AAS) kỳ vọng doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng 25%, lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng, tăng 27%; Chứng khoán Phú Hưng (PHS) có kế hoạch doanh thu 604 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 160,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 14% so với kết quả năm trước.

Sau tái cấu trúc và tăng trưởng mạnh, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đặt kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng lần lượt 46% và 85% so với thực hiện năm 2021. Cổ đông Công ty vẫn cho rằng, đây là kế hoạch khiêm tốn, khi mà quý I ước đạt 300 tỷ đồng.

Lý giải từ các công ty

Các công ty chứng khoán nhận định, chứng khoán là vẫn kênh đầu tư thu hút nhà đầu tư, nhưng giảm nhiệt hơn, bởi các tổ chức, cá nhân sẽ tập trung hơn cho việc tái phục hồi và đẩy mạnh các kế hoạch kinh doanh, sản xuất sau đại dịch, nhất là với những diễn biến khó lường bên ngoài.

Trong dự báo của VCI - là cơ sở để công ty này đặt kế hoạch năm 2022, Vn-Index đạt 1.550 điểm vào cuối năm 2022. Trả lời chất vấn của cổ đông về việc nếu Vn-Index 1.700 điểm thì sẽ thế nào, ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCI cho biết, nếu thị trường tăng tốt hơn, thuận lợi hơn, Công ty cũng sẽ cố gắng để tăng lợi nhuận.

Đối với VDS, ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho rằng, lạm phát bùng nổ trên thế giới và lây lan tới Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Chưa kể, mặt bằng giá cổ phiếu đang ở mức cao, không thuận lợi cho hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán.

Theo ông Tuấn, trong điều kiện hiện nay và của VDS, thì kế hoạch đưa ra là tích cực. Sắp tới, vốn điều lệ của Công ty tăng lên 2.100 tỷ đồng và ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt 20% - gấp 3 lần lãi suất gửi tiết kiệm - là rất nỗ lực. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức và nỗ lực vượt kế hoạch, nội bộ VDS cũng có mục tiêu lợi nhuận cao hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Với TPS, ông Trần Sơn Hải, Tổng giám đốc chia sẻ, Công ty có một số khoản doanh thu đến nhanh hơn dự kiến, nên ước tính lợi nhuận quý I khoảng 300 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch lợi nhuận cả năm có vẻ khiêm tốn so với kết quả quý I. HĐQT đã họp và thống nhất, sau tháng 6, khi Công ty tăng vốn xong, có thể xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận cho phù hợp. Bên cạnh doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn phát hành trái phiếu, TPS sẽ đẩy mạnh các mảng như môi giới cổ phiếu - trụ cột bên cạnh mảng trái phiếu, chào bán chứng quyền, kinh doanh chứng khoán phái sinh cũng như tự doanh.

Tiếp tục tăng vốn mạnh

Rất nhiều công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn khủng. Nếu các năm trước, công ty có vốn 1.000 tỷ đồng là hiếm hoi, thì nay, có những công ty sẽ tăng vốn với quy mô như một ngân hàng tầm trung (như Chứng khoán SSI 15.000 tỷ đồng, Chứng khoán VNDirect 12.000 tỷ đồng).

Nhiều công ty chứng khoán nhỏ cũng có sức bật về tăng vốn như Smart Invest muốn tăng lên 5.000 tỷ đồng, Chứng khoán DNSE lên 3.000 tỷ đồng, Chứng khoán APG lên 4.000 tỷ đồng...

Không thể lấy kết quả thực hiện của một năm với nhiều điều kiện thuận lợi để đặt kế hoạch tiến đều bước cho các năm sau.

- Ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT VDS

Đối với VCI, việc tăng vốn chủ sở hữu chủ yếu bằng lợi nhuận giữ lại, chỉ năm 2017 là tăng vốn thêm 500 tỷ đồng, qua đó giúp tỷ suất lợi nhuận vượt trội. Tuy nhiên, theo ông Tô Hải, tình hình hiện nay không cho phép VCI đi theo hướng cũ và phải chấp nhận bước chân vào lĩnh vực rủi ro hơn, như retail (khách hàng cá nhân) chẳng hạn.

Với AAS, dự kiến toàn bộ số tiền huy động từ các đợt chào bán trên sẽ được phân bổ cho các hoạt động của Công ty, gồm đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường, cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán và các hoạt động bảo lãnh, phát hành chứng khoán.

Có thể thấy, các công ty chứng khoán đang tích cực bổ sung năng lực tài chính, bởi bên cạnh tăng khả năng cung cấp margin, còn mở ra cơ hội kinh doanh thêm các mảng khác, có thêm nhiều sản phẩm khác. Cuộc đua tăng vốn chỉ để lấy thị phần môi giới vẫn có sức nóng riêng, nhưng nhiều công ty chứng khoán không xem đây là mục tiêu chính của việc tăng vốn, quan trọng hơn là vừa có được thị phần, nhưng không làm giảm hiệu quả hoạt động.

Chẳng hạn, với VDS, ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết, ở mảng đầu tư, Công ty theo trường phái đầu tư giá trị, không đầu tư theo tin đồn. Năm 2022, hoạt động đầu tư có ảnh hưởng, nên trong kế hoạch cũng giảm mạnh mảng này. Song kỳ vọng hiệu suất đầu tư trên vốn đầu tư bình quân vẫn ở mức 30%, bên cạnh đầu tư cổ phiếu niêm yết, sẽ kinh doanh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, mở thêm hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả tương đối 18-20%.

Tin bài liên quan