Có công ty trong lĩnh vực mía đường lên kế hoạch lợi nhuận năm 2017 giảm 89% so với năm 2016

Có công ty trong lĩnh vực mía đường lên kế hoạch lợi nhuận năm 2017 giảm 89% so với năm 2016

Kế hoạch kinh doanh 2017 khiêm tốn, vì sao?

(ĐTCK) Năm 2016, nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu, lợi nhuận tăng cao, hoàn thành vượt kế hoạch, nhưng lên kế hoạch kinh doanh năm 2017 khá khiêm tốn.

TNA và SRF sẽ không còn khoản lợi nhuận bất thường

Năm 2016, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) đạt doanh thu 3.530 tỷ đồng, trong đó 93% doanh thu đến từ hoạt động thương mại sắt thép, tăng hơn 51% so với thực hiện năm 2015 và vượt 41% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 143,6 tỷ đồng, gấp đôi mức thực hiện năm 2015 và vượt 25% kế hoạch.

Ngày 1/4 tới, TNA tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, Hội đồng quản trị sẽ trình đại hội kế hoạch kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 26,8% so với thực hiện năm 2016.

Theo Ban lãnh đạo TNA, năm 2016, Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận không thường xuyên 46,2 tỷ đồng từ dự án bất động sản tại quận 2 TP.HCM, giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao. Năm 2017, TNA không dự tính khoản lợi nhuận này nên việc đặt kế hoạch trên là phù hợp với thực tế cũng như đảm bảo khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Tương tự, Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh (SRF) đạt 1.136 tỷ đồng doanh thu, hơn 96 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2016, tăng lần lượt 26% và 47,2% so với thực hiện năm 2015 và đạt lần lượt 94% và 160% kế hoạch. Năm nay, theo tài liệu sẽ trình Đại hội đồng cổ đông, họp ngày 31/3 tới, Hội đồng quản trị SRF đặt kế hoạch doanh thu tăng nhẹ so với thực hiện năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến 77 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm 2016.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Giám đốc Tài chính SRF cho biết, năm 2016, Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ việc chuyển nhượng tài sản trên đất. Năm 2017, kế hoạch lợi nhuận đề ra trên cơ sở không ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường.

VHC: xuất khẩu cá tra gặp thách thức

Trong lĩnh vực thủy sản, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) có một năm 2016 thắng lợi nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ. Ngoài ra, việc mở rộng và triển khai các thị trường xuất khẩu khác đạt kết quả khả quan. Theo đó, VHC đã vượt kế hoạch kinh doanh năm qua chỉ trong 9 tháng. Kết thúc năm 2016, VHC đạt 7.214 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 550 tỷ đồng, vượt 57,1% kế hoạch.

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của VHC mới đây, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VHC cho biết, năm 2017, dự kiến lợi nhuận của Công ty bằng mức thực hiện năm 2016.

Theo VHC, năm 2017 được dự báo là năm có nhiều thách thức đối với hoạt động xuất khẩu cá tra. Đặc biệt, Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ chính thức áp dụng đối với các nhà sản xuất cá tra xuất khẩu vào thị trường này. Farm Bill thiết lập quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến đối với các loài cá da trơn nhập khẩu theo tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn mà Mỹ đang áp dụng, trong đó có cá tra và cá ba sa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu cá tra đầu vào những tháng đầu năm 2017 có xu hướng tăng, sẽ ảnh hưởng đến chính sách về giá bán và định hướng chiến lược ổn định biên lợi nhuận của VHC. Mặc dù tự chủ nguồn nguyên liệu hơn 60%, nhưng giá cá tra nguyên liệu tăng có ảnh hưởng nhất định đến việc hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp của Công ty.

QNS: “khó hiểu” kế hoạch lợi nhuận giảm 89%

Năm 2016, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đạt kết quả kinh doanh tích cực, nhưng tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017, chỉ tiêu kinh doanh mà Ban lãnh đạo Công ty đưa ra khiến nhiều cổ đông và nhà đầu tư bất ngờ, bởi mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay là 184 tỷ đồng, giảm 89% so với thực hiện năm 2016. Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, với kế hoạch lợi nhuận này, QNS có thể thực hiện vượt mục tiêu chỉ trong một quý.

Theo một số chuyên gia, kế hoạch kinh doanh không chỉ đơn thuần là những con số mà còn thể hiện được định hướng, cách phân bổ và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả hoạt động và tạo lợi nhuận. Mặt khác, đề ra kế hoạch đồng nghĩa ban lãnh đạo doanh nghiệp nợ cổ đông một lời hứa. Điều thú vị là, bên cạnh những doanh nghiệp mạnh dạn khát vọng, hứa lớn, thì có không ít doanh nghiệp hứa thật nhỏ để cho... an toàn?

Tin bài liên quan