Thế nhưng, để một CTCP có thể phát triển được nhà máy điện thì việc lập dự án, thông báo với cơ quan hữu trách hay thoả thuận góp vốn với các CTCP khác cùng có mục tiêu như mình là... chưa đủ.
Điều rất dễ nhận thấy là trước khi “bổ nhát cuốc đầu tiên” xây dựng nhà máy điện, ít nhất nhà đầu tư phải có được thoả thuận với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về đấu nối lưới điện và hợp đồng mua bán điện trong đó giá cả phải rõ ràng (mức giá này phải dưới 0,45USD/kWh thì mới có cơ hội đàm phán tiếp). Do tính chất của sản phẩm điện là “làm ra nhưng không thể dùng xe ô tô chở đi tiêu thụ” nên khó có chuyện nhà đầu tư xác định giá theo ý muốn hay lợi dụng tên tuổi của mình để “làm giá”. Vậy nên khó có thể tạo ra “làn sóng đầu tư vào nhà máy điện”, vì việc này không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia ngành điện, tới năm 2015, có khả năng giá bán lẻ điện vẫn chưa thể thả nổi theo giá thị trường mặc dù có lộ trình nhất định về tăng giá. Cũng theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình hình thành thị trường điện, phải sau năm 2022, giá mua, bán điện của các nhà sản xuất điện lẫn người sử dụng điện mới được thực hiện tự do trên thị trường.
Đối với các nhà máy điện quy mô dưới 20 MW trở xuống, các vấn đề đàm phán về đấu nối với lưới điện quốc gia và giá bán không phải quá khó khăn, nhưng vấn đề là các nhà máy này hầu như chỉ là các dự án thuỷ điện nhỏ, tận dụng dòng chảy của các sông nhỏ. Còn hệ thống sông ở Việt Nam đều đã được đưa vào nghiên cứu và quy hoạch, nên việc đặt vị trí xây dựng nhà máy ở đâu, ai xây dựng cũng là vấn đề quan trọng, bởi bên cạnh mục tiêu phát điện, tìm kiến lợi nhuận thuần tuý, việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện còn phải tính tới mục tiêu chống lũ, cứu hạn. Chính vì vậy, các nhà máy thuỷ điện công suất 100 MW thường được xem là có giá thành tốt nhất trong các nguồn điện và không phải ai cũng có thể “xí phần” , nhất là các công ty tư nhân.
Với các nhà máy nhiệt điện chạy than (mà một số CTCP thông tin là đang xin làm), hiện chưa có dự án nào được cơ quan hữu trách chấp thuận. Nguyên nhân là để có tính kinh tế thì nhà máy phải có quy mô từ 300 MW trở lên. Ngoài ra, do cứ 1.000 MW điện thì cần khoảng 3 triệu tấn than mỗi năm, nên cùng với việc xây dựng nhà máy điện, cần xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập than. Do đó, việc nhà đầu tư dự tính được giá bán điện dưới 0,45 USD/kWh vẫn chưa đủ, mà quan trọng nhất là địa điểm đề xuất phải nằm trong quy hoạch phát triển ngành điện được duyệt theo từng thời kỳ.
Ở những địa điểm lưới điện quốc gia “ngang qua cửa”, dù nhà đầu tư “chấp nhận” đầu tư cơ sở hạ tầng khá tốn kém và giá bán điện chào mời dưới 0,45 USD/kWh, thì dự án chưa chắc đã được chấp thuận. Với các dự án điện khí, tình trạng cũng không khả quan hơn. Theo tính toán của các chuyên gia khi xây dựng Tổng sơ đồ phát triển điện tới năm 2015, có tính tới năm 2025, do nguồn khí có thể dẫn vào bờ không dồi dào nên chỉ có các doanh nghiệp nhà nước hoặc của các nhà đầu tư mỏ khí và đường ống dẫn khí từ ngoài khơi vào bờ mới được ưu tiên xem xét trước. Nhưng tới giai đoạn 2015-2017, việc xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện khí cũng không có nhiều cơ hội nếu chỉ trông chờ vào các nguồn khí dẫn vào bờ như kế hoạch phát triển các mỏ khí hiện nay. Như vậy, ý định chờ nguồn khí “chạy qua nhà mình” để xây dựng nhà máy điện của một số CTCP hiện nay sẽ khó có cơ hội triển khai. Đó là chưa kể khi có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm tới một vị trí, thì sẽ còn phải tổ chức đấu thầu lựa chọn. Trong trường hợp chấp nhận nhập khẩu khí để làm nhiên liệu đầu vào, thì có quá nhiều vấn đề phải cân nhắc.
Đối với nhà máy điện nguyên tử, cơ hội xem ra càng khó với những CTCP đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, bởi mức độ an toàn và vấn đề an ninh của nhà máy. Theo Quyết định 38/2007/QĐ-TTg, với các nhà máy điện trên 100 MW trở lên, Nhà nước có quyền nắm cổ phần chi phối. Chính vì vậy, viễn cảnh “là chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện” mà nhiều CTCP đưa ra gần đây nhằm “đánh bóng” thương hiệu của mình, có lẽ chỉ là “những kế hoạch cho tương lai chưa xác định”(?).