Kế hoạch giàu tham vọng và bài toán điều tiết dòng tiền của Cao su Sao Vàng (SRC)

0:00 / 0:00
0:00
CTCP Cao su Sao Vàng tỏ ra tự tin đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2021 giàu tham vọng, song điều tiết dòng tiền để bảo đảm sự ổn định tài chính là công việc không thể lơi là.
Kế hoạch giàu tham vọng và bài toán điều tiết dòng tiền của Cao su Sao Vàng (SRC)

Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (mã SRC) chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ô tô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật. Theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021 được công bố từ ông Nguyễn Thanh Tùng (người được ủy quyền công bố thông tin của Công ty), Cao su Sao Vàng đặt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng (doanh thu sản xuất công nghiệp 1.200 tỷ đồng và doanh thu thương mại 1.000 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng.

Những con số trên cho thấy, Cao su Sao Vàng tỏ ra tự tin hơn rất nhiều về bức tranh kinh doanh năm 2021 so với một năm về trước. Nhìn lại kế hoạch kinh doanh năm 2020, công ty ngành cao su này khá thận trọng khi đưa ra kế hoạch doanh thu 916 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khiêm tốn với 21 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch doanh thu năm 2021 tăng tới 140%, lợi nhuận trước thuế tăng gấp gần 5 lần so với kế hoạch năm 2020.

Việc Cao su Sao Vàng đưa ra kế hoạch cao cho năm 2021 cũng có cơ sở, dựa trên kết quả kinh doanh thực tế mà Công ty đạt được trong năm 2020. Hiện nay, số liệu báo cáo tài chính chưa được công bố chính thức, nhưng ước tính doanh thu năm 2020 có thể đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 50%; lãi trước thuế 80 tỷ đồng, tăng 55% so với thực hiện năm 2019. Theo đó, Cao su Sao Vàng có thể vượt 47% kế hoạch doanh thu và gấp 4 lần chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Tuy nhiên, sự tăng tốc trên có bền vững hay không và Công ty sẽ còn phải đối mặt những khó khăn gì trong chặng đường phía trước vẫn là những câu hỏi được giới đầu tư quan tâm đến cổ phiếu SRC và Cao su Sao Vàng đặt ra.

Số liệu tài chính tính đến hết quý III/2020 cho thấy, Cao su Sao Vàng đang có xu hướng phải nhượng bộ khách hàng nhiều hơn về thời hạn thanh toán. So với đầu năm, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng vọt tới 124,5%, đạt hơn 238 tỷ đồng. Giá trị phải thu tăng chủ yếu đến từ sự tăng đột biến của các khoản phải thu khách hàng, với con số hồi đầu năm chỉ hơn 100 tỷ đồng, nhưng đạt tới hơn 169 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020. Ngoài ra, việc Công ty có phát sinh khoản phải thu về cho vay 60 tỷ đồng cũng phần nào đóng góp vào sự tăng mạnh của các khoản phải thu ngắn hạn.

Tính đến cuối tháng 9/2020, các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi chưa phát sinh thêm nhiều so với đầu năm, với mức tăng thêm chưa đến 2 tỷ đồng. Cụ thể, số dư phải thu ngắn hạn khó đòi hồi đầu năm 2020 là 4,4 tỷ đồng, đến cuối tháng 9 là 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc gia tăng mạnh các khoản phải thu ngắn hạn cũng đặt ra áp lực lớn hơn cho Công ty trong việc kiểm soát thu nợ các đối tác để có thể kiểm soát được nợ khó đòi.

Trong khi đó, về dòng tiền kinh doanh, 9 tháng năm 2020, Cao su Sao Vàng vẫn duy trì được dòng tiền thuần dương, nhưng chỉ ở mức vừa đủ với con số rất khiêm tốn hơn 2,2 tỷ đồng. Tình trạng dòng tiền của Công ty theo đó đã kém dồi dào hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019, khi doanh nghiệp này đạt thặng dư dòng tiền trong kinh doanh lên tới hơn 110 tỷ đồng.

Con số hơn 2 tỷ đồng nêu trên khá mong manh, bởi chỉ một sự lơi lỏng nhỏ trong bất cứ khâu thu chi nào về tiền, cũng có thể khiến Công ty đối mặt với tình trạng bị thâm hụt dòng tiền trong kinh doanh.

Tin bài liên quan