KDC - NKD - KIDO: Điểm sáng M&A năm 2010

KDC - NKD - KIDO: Điểm sáng M&A năm 2010

(ĐTCK-online) CTCK Bảo Việt (BVSC) vừa hoàn tất việc tư vấn phát hành cho CTCP Kinh Đô (KDC) để hoán đổi lấy cổ phiếu của CTCP Chế biến thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc (NKD) và CTCP KIDO (KIDO). Báo ĐTCK đã phỏng vấn ông Nhữ Đình Hoà, Tổng giám đốc BVSC về "điểm sáng" M&A này.

Ông có thể tóm tắt thương vụ M&A KDC - NKD - KIDO và lợi ích của các bên sau thương vụ này?

Đây là thương vụ M&A lớn lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam giữa 3 DN, trong đó 2 DN đã niêm yết là NKD và KDC. Để thương vụ thành công, với tư cách là tổ chức tư vấn, BVSC đã đồng hành và hỗ trợ các DN trong suốt quá trình 2 năm chuẩn bị từ 2008 đến 2010.

Tháng 12/2010, KDC đã phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu NKD và KIDO của các cổ đông, qua đó, KDC sở hữu 100% vốn của các công ty này, đồng thời NKD và KIDO sẽ chuyển đổi thành các công ty TNHH một thành viên trực thuộc KDC sau hoán đổi. Đến nay việc hoán đổi đã thành công và chúng tôi đang trong giai đoạn đăng ký lại loại hình DN đối với NKD và KIDO.

Về lợi ích khi thực hiện thương vụ này, đó là sau khi sáp nhập, sẽ hình thành một Tập đoàn thực phẩm Kinh Đô có quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, từ đó gia tăng vị thế cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước của Kinh Đô; giảm bớt chi phí sản xuất -kinh doanh cho DN thông qua việc tập trung quản lý hoạt động R&D, tiếp thị và bán hàng, đặt mua và điều phối nguyên vật liệu… nhờ đó gia tăng cạnh tranh về giá.

Về mặt tài chính, sau sáp nhập, Kinh Đô sẽ tăng khả năng huy động vốn và giảm thiểu chi phí vốn; tập trung hóa, sử dụng vốn và đầu tư tài chính hiệu quả hơn. Thông qua việc sáp nhập, các giao dịch nội bộ giữa các công ty mà KDC với tư cách là công ty mẹ cũng sẽ được minh bạch hóa hơn và tạo tin cậy cho nhà đầu tư.

 

Hoạt động M&A thời gian qua tại Việt Nam diễn ra khá sôi nổi, ông có thể khái quát mục tiêu của các DN khi thực hiện M&A tại Việt Nam ?

Hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian qua diễn ra hết sức phong phú và đa dạng. Về mục tiêu, động lực để các DN thực hiện M&A có thể khái quát thành một số dạng thức như sau: M&A nhằm tăng quy mô DN, tăng thị phần (thường là các công ty cùng ngành nghề như giữa HT1 - HT2; KDC - NKD - KIDO…); M&A nhằm mua lại công ty, từ đó sở hữu các dự án hay các tài nguyên của công ty bị mua lại (thường diễn ra đối với các DN tìm mua lại các dự án đang trong giai đoạn triển khai xây dựng và thường tập trung trong một số ngành như bất động sản, khai thác khoáng sản hoặc các DN có quỹ đất); M&A nhằm tái cấu trúc lại nhóm công ty như KDC - NKD - KIDO, Hiệp Quang - Dabaco (DBC), KMR - KMF... nhằm tăng sức cạnh tranh, nâng cao sức mạnh thương hiệu cũng như tạo điều kiện cho việc huy động vốn hay niêm yết trên TTCK.

 

M&A đem lại nhiều lợi ích cho DN, còn các cổ đông có lợi gì trong hoạt động này, thưa ông?

M&A đem lại nhiều lợi ích cho DN, cũng đồng nghĩa với việc nó đem lại nhiều lợi ích cho các cổ đông và nhà đầu tư. Ở đây, tôi chỉ phân tích một xu hướng đang hình thành trong các nhà đầu tư tổ chức mà đặc biệt là các quỹ đầu tư liên quan đến hoạt động M&A.

Hiện nay, các quỹ đầu tư đang rất nỗ lực tìm kiếm các cơ hội đầu tư hiệu quả cho nguồn vốn của mình. Nhìn chung, các quỹ đầu tư thường mong muốn các DN họ đầu tư có quy mô tương đối, quản trị minh bạch, ổn định, có triển vọng phát triển và lộ trình niêm yết rõ ràng. Tuy nhiên, một thực tế là phần lớn DN hiện nay có quy mô vừa và nhỏ với trình độ quản trị còn thấp và tiềm năng phát triển chưa rõ ràng. Chính vì vậy, thay vì tìm kiếm và trực tiếp đầu tư vào các công ty này và tham gia vào quản trị công ty (lĩnh vực mà các quỹ đầu tư không có nhiều thế mạnh), nay các quỹ đầu tư thực hiện đầu tư vào các công ty lớn nhằm giúp cho các công ty này thực hiện các thương vụ mua lại công ty khác.

 

Ông dự báo như thế nào về xu thế hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2011 và các năm tiếp theo?

Hầu hết DN Việt Nam hiện có quy mô vừa và nhỏ, thiếu về kinh nghiệm thương trường, khả năng tài chính; thiếu đội ngũ nhân lực có khả năng quản trị DN... Với sự phát triển của TTCK, việc chuyển nhượng vốn đã có môi trường thuận lợi hơn rất nhiều. Các DN khi đứng trước quyết định về phương thức mở rộng sản xuất, thay vì tự thực hiện dự án, họ có thể tìm kiếm và mua lại DN trong lĩnh vực mà họ định phát triển. Thực hiện điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian đầu tư mở rộng, tận dụng được cơ sở hạ tầng, thị trường, hệ thống phân phối sẵn có của DN mua cũng như tạo ra yếu tố cộng lực giữa các DN. Do đó, M&A sẽ là một xu thế quan trọng đối với các DN Việt Nam trong thời gian tới.