Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp của KBC đạt được nhiều thành tựu mới

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp của KBC đạt được nhiều thành tựu mới

KBC sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới

(ĐTCK) Quyết liệt thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tái cấu trúc tài chính, xây dựng bộ máy nhân sự tinh gọn năng động và chuyên nghiệp, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi - đầu tư phát triển khu công nghiệp, hàng loạt giải pháp tái cấu trúc đã giúp Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) dần thoát khỏi giai đoạn khó khăn, củng cố vị thế doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu và đang sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới.

Doanh nghiệp phát triển Khu công nghiệp hàng đầu

Được thành lập từ năm 2002, KBC hiện là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bất động sản, có danh mục đầu tư đa dạng, với các dự án trải dài từ Bắc tới Nam, từ khu công nghiệp công nghệ cao, khu đô thị, khách sạn đến các tổ hợp đa năng. Hàng loạt khu công nghiệp của KBC đã rất thành công trong thu hút các nhà đầu tư như: Quế Võ, Đại Đồng Hoàn Sơn, Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh); Tràng Duệ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng); Quang Châu (Bắc Giang); Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng (Đà Nẵng); Tân Phú Trung, Lê Minh Xuân (TP. HCM)… Với nguồn cung hơn 9.000 héc-ta đất khu công nghiệp, KBC có khả năng đáp ứng nhu cầu thuê đất xây dựng nhà máy và thuê mua nhà xưởng xây sẵn đối của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khách hàng của KBC chủ yếu là những tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực, điển hình như Canon, LG, Foxconn, Wintek, Mitac, DK UIL, Woojeon & Handan, Bujeon, Starwood, Siflex, Hosiden, Nichirin, UMEC, Crystal…

Hàng năm, hệ thống các khu công nghiệp của KBC trải dài từ Bắc tới Nam thu hút từ 5 đến trên 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu từ các khu công nghiệp của KBC đóng góp tới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. 

Chuyển động tích cực cho tương lai

Sau một thời gian gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC đã bắt tay vào tái cấu trúc toàn diện Công ty. Công ty đã thoái vốn thành công nhiều khoản đầu tư ngoài ngành, tập trung phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi, tinh giản bộ máy, giảm mạnh nợ vay. Những khó khăn dần bỏ lại sau lưng, hiệu quả kinh doanh được cải thiện rõ rệt, KBC đang chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, bền vững hơn.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp của KBC những năm qua đạt được nhiều thành tựu mới. Dự án tiêu biểu nhất mà KBC thu hút vốn đầu tư gần đây chính là dự án của LG Electronics (của Tập đoàn LG - Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Dự án này nằm trên diện tích đất hơn 40 héc-ta, có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hải Phòng. Hiện nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động, sản xuất nhiều sản phẩm như thiết bị xe ô tô, máy giặt, máy hút bụi, máy điều hòa, tivi, điện thoại di động. Sự hiện diện của LG Electronics tại Khu công nghiệp Tràng Duệ sẽ kéo theo các dự án của các nhà máy vệ tinh khác. Mới đây, LG Electronics tiếp tục ký Hợp đồng nguyên tắc với KBC về việc mở rộng đầu tư, thuê thêm 40 héc-ta đất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ để phục vụ cho dự án mở rộng giai đoạn 2.

Cùng với đó, việc thu hút vốn FDI từ gần 50 dự án mới và các dự án mở rộng của các công ty vệ tinh của Samsung (sản xuất smartphone tại Bắc Ninh và Thái Nguyên) vào các khu công nghiệp của KBC ở Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần làm cho Bắc Ninh trở thành một “thung lũng Silicon của Việt Nam”, với các tên tuổi lớn như Samsung, Canon, Foxconn… đi cùng với đông đảo các doanh nghiệp vệ tinh từ lớn đến nhỏ trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao.

KBC hiện đang trong quá trình xúc tiến đầu tư với các hiệp hội ngành nghề lớn của Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản để thúc đẩy kinh doanh phát triển mạnh mẽ và theo chiều sâu, góp phần vào công cuộc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.

Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm kỳ vọng, Việt Nam sẽ sớm ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo ra Khối mậu dịch tự do gồm 12 quốc gia APEC bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Mexico, Australia, New Zealand… Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ và chính sách thuế ưu đãi. Đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với KBC, doanh nghiệp đã nhiều năm liên tục nhận Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ, trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo KBC cho biết, trong thời gian tới, để tăng hiệu quả kinh doanh, ngoài việc thu hút đầu tư, KBC còn tập trung công tác chuẩn bị để luôn có sẵn quỹ đất lớn đón nhà đầu tư nước ngoài với chi phí giá thành thấp. Đây là lợi thế rất lớn của KBC trong nhiều năm tới.    

Tin bài liên quan