Điểm sáng thu hút FDI
Với quỹ đất lên tới 4.500 héc-ta cho phát triển khu công nghiệp (KCN) và 1.300 héc-ta cho phát triển khu đô thị (KĐT), KBC có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, đặc biệt khi hiện nay điều kiện cấp phép hoạt động KCN bị hạn chế, thì quỹ đất của KBC là lợi thế lớn để tạo ra các giá trị tương lai.
Luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, KBC hướng tới cung cấp các sản phẩm phù hợp nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng và các dịch vụ hoàn hảo làm hài lòng khách hàng, kể cả những khách hàng khó tính nhất. Bởi vậy, KBC đã thu hút đầu tư nhiều tập đoàn quốc tế lớn như Canon, LG, Foxconn, Mitac, UMEC…
Năm 2014, vốn FDI vào Việt Nam đạt 21,92 tỷ USD, trong đó Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu với 7,32 tỷ USD. Theo xu hướng FDI vào Việt Nam, 100% khách hàng FDI mà KBC đã thu hút trong năm 2014 vào các KCN tại Hải Phòng và Bắc Ninh, đều đến từ Hàn Quốc. Tổng giá trị các hợp đồng đã ký kết trong năm 2014 đạt 1.439,4 tỷ đồng; diện tích cho thuê mới lên đến 88,3 héc-ta, chuyển nhượng 7 căn nhà xưởng có diện tích hơn 37.743 m2 và 4 căn nhà xưởng đang xây dựng dở dang có diện tích 14.000 m2.
Năm 2015, với việc một loạt FTA như Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu và dự kiến tới đây là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được nhận định sẽ mạnh mẽ hơn. KBC xác định sẽ tập trung để đón đầu tốt cơ hội này.
Trong quý I, Tập đoàn LG Electronics tại KCN Tràng Duệ với quy mô vốn đầu tư 1,5 tỷ USD đã khai trương và đi vào hoạt động. Sự hiện diện của LG sẽ kéo theo các dự án của các nhà máy vệ tinh khác. Sau giai đoạn 1, LG tiếp tục ký Hợp đồng nguyên tắc với KBC về việc mở rộng đầu tư, thuê thêm 40 héc-ta đất tại KCN Tràng Duệ để phục vụ cho dự án mở rộng giai đoạn 2. Trước thềm TPP, mới đây, một số doanh nghiệp của Mỹ đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác với KBC.
Theo Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm, việc Việt Nam ký kết TPP, tạo ra Khối mậu dịch tự do gồm 12 quốc gia APEC bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Mexico, Australia, New Zealand… sẽ giúp dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ và chính sách thuế ưu đãi.
Đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với KBC. Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn các sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu nhà đầu tư (đất sẵn sàng cho thuê, nhà xưởng sẵn sàng để bán và cho thuê), hiện KBC đang trong quá trình xúc tiến đầu tư với các hiệp hội ngành nghề lớn của Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản để thúc đẩy kinh doanh phát triển mạnh mẽ và theo chiều sâu, góp phần vào công cuộc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Cụ thể, KBC sẽ tập trung phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đẩy nhanh tiến độ thi công KCN Tràng Duệ - Hải Phòng, Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, KĐT Phúc Ninh…; triển khai các kế hoạch kinh doanh đa dạng, thu hút các tập đoàn công nghệ cao đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ…
Bước đầu tái cấu trúc tài chính thành công
Năm 2014, KBC hoàn thành tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu, phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ, phát hành trái phiếu chuyển đổi, trong đó đáng chú ý là đợt huy động thành công trái phiếu chuyển đổi 1.200 tỷ đồng. Việc này giúp KBC tái cấu trúc nợ và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, hướng về giá trị cốt lõi.
KBC đang xây dựng một hệ thống quản lý hoạt động kinh doanh, tài chính và dòng tiền một cách hiệu quả hơn. Kết thúc năm 2014, tổng nợ vay của doanh nghiệp đã giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Việc giảm thiểu chi phí tài chính sẽ giúp doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trở lại, chấm dứt thời kỳ chi phí tài chính gần như ăn hết vào lợi nhuận của doanh nghiệp như trước đây.
Nỗ lực của KBC đã tạo dựng trở lại niềm tin với cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và đối tác, cơ quan quản lý. Sau những ngày tháng khó khăn nhất, KBC đã bước đầu vượt qua những thử thách phía trước, hướng tới sự phát triển bền vững cho chu trình tăng trưởng mới và tiếp tục khẳng định vị thế doanh nghiệp phát triển KCN hàng đầu tại Việt Nam.