Kazuma Abe, CEO, nhà sáng lập Medring
Trăn trở với những vấn đề y tế
Vài năm trở lại đây, Việt Nam trở thành môi trường khởi nghiệp ưa thích của nhiều nhà sáng lập nước ngoài. Họ sẵn sàng rời quốc gia mình để sang Việt Nam tìm kiếm cộng sự và cùng nhau giải các bài toán còn tồn tại trên dải đất hình chữ S. Một trong số đó là ông Kazuma Abe, CEO, nhà sáng lập Công ty TNHH Merding Việt Nam International.
Ông Kazume chia sẻ, mối quan tâm của ông với vấn đề chăm sóc sức khỏe bắt nguồn từ trải nghiệm thời thơ ấu. Cha ông qua đời vì chứng nhồi máu cơ tim khi ông mới 4 tuổi. Khi đó, ông còn chưa nhận thức được lý do tại sao cha mình mất sớm, nhưng lên đến cấp 3, Kazume đã dần đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe của cha lúc bấy giờ. Ông nhận ra, cha mình còn trẻ, nhưng không chăm sóc sức khỏe tốt và không kiểm soát được tình trạng bản thân.
Sau khi tốt nghiệp khoa Luật (Trường đại học Tokyo), Kazume vào làm việc tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Trong quá trình làm việc, ông tham gia việc thúc đẩy hiệu suất hóa, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc y tế. Từ năm 2015, ông được bổ nhiệm làm đại diện cho một công ty hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng liên kết với các bác sĩ Trường đại học Tokyo.
Mặc dù công việc ổn định, nhưng Kazume luôn đau đáu về sự ra đi của cha mình. Bên cạnh đó, quá trình làm việc trong môi trường y tế đã khiến ông luôn mong muốn hỗ trợ mọi người được chăm sóc sức khỏe từ sớm. Đó chính là lý do ông rời bỏ khu vực kinh tế nhà nước, đứng ra thành lập phòng khám của riêng mình tại Nhật Bản.
Một số rắc rối về quy định cũng như sự cạnh tranh về giá khiến phòng khám của ông phải đóng cửa. Vì vậy, ông chuyển định hướng sang các thị trường nước ngoài, những nơi còn nhiều dư địa trong mảng chăm sóc sức khỏe.
Năm 2019, Kazuma thành lập Medring, đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm thông minh Medi cho các phòng khám vừa và nhỏ. Medi giúp các phòng khám giải quyết những khó khăn của phương pháp quản lý thủ công trước đây, bằng cách số hóa quy trình tiếp đón, thăm khám bệnh nhân, quản lý tài chính - doanh thu, quản lý các giấy tờ, báo cáo… Từ đó, chi phí điều hành một phòng khám có thể được giảm bớt, tạo thuận lợi cho quy trình khám chữa bệnh.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên được ông Kazuma lựa chọn để triển khai Medi.
“Tôi cảm thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức cả về số lượng lẫn chất lượng của các dịch vụ chăm sóc y tế. Một yếu tố quan trọng khác là Việt Nam có nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin dồi dào. Do đó, tôi đã quyết định bắt đầu công việc kinh doanh của mình tại Việt Nam”, ông Kazuma chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Việt Nam còn nhiều tiềm năng để số hóa ngành y tế
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng bệnh án điện tử ở Việt Nam vẫn thấp (khoảng 2%). Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và đến ngày 31/12/2030, đảm bảo 100% cơ sở y tế hoàn thành việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Điều này tạo điều kiện cho những phần mềm như Medi dễ dàng được chấp nhận và áp dụng. Từ khi chính thức ra mắt vào tháng 4/2022, đến nay, Medi đã hợp tác với hơn 300 phòng khám tại 18 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, thuộc mọi chuyên môn, như Đa khoa, Tai mũi họng, Nội, Nhi, Sản, Mắt, Da liễu...
Ông Kazuma đánh giá, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng lớn để các start-up trong mảng y tế có thể tận dụng và “đi tắt, đón đầu”. So với Nhật Bản, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn khi Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy số hóa dữ liệu y tế ở cấp độ quốc gia. Ngoài ra, môi trường pháp lý tương đối cởi mở đối với việc sử dụng dữ liệu bệnh nhân.
Nhìn trên bức tranh rộng hơn, ông Kazuma nhận xét, Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già hóa. Như vậy, nhu cầu khám chữa bệnh sẽ tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, rất khó nâng cao năng lực y tế ngay lập tức để đáp ứng với nhu cầu đó.
“Biện pháp thu hẹp khoảng cách cung - cầu sẽ là nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế thông qua các hoạt động số hóa của các phòng khám thông minh”, đại diện Medring đánh giá.
Trong năm 2023, Kazuma đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng số lượng phòng khám sử dụng phần mềm Medi tại Việt Nam. Ông tin tưởng năm 2023 sẽ là năm tăng trưởng tuyệt vời cho Medi. Trong tương lai, start-up này cũng tính tới khả năng mở rộng sang các nước ASEAN khác.
Với những người nước ngoài muốn khởi nghiệp tại Việt Nam, theo ông, họ cần chuẩn bị những gì?
Tôi nghĩ, các quốc gia mới nổi như Việt Nam có nhiều tập quán kinh doanh độc đáo mà các nước phát triển không có. Trước khi bắt đầu dự án kinh doanh ở bất cứ quốc gia nào, nhà sáng lập nên chuyển đến đó sinh sống, dành thời gian trò chuyện với người bản địa để hiểu phong tục, tập quán và cách mọi thứ đang vận hành.
Ngoài ra, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất với bất cứ start-up nào. Chỉ cần chọn sai người đồng hành hay nhân sự, là mô hình sẽ không thành công. Tất nhiên, không dễ tìm kiếm nhân sự tại một quốc gia nơi bạn không sinh ra. Nên cuối cùng, câu chuyện vẫn quay về việc bạn phải đi sâu tìm hiểu về đất nước mình dự định khởi nghiệp.