Một điều gây ngạc nhiên là tuy đang khó khăn, nhưng K+ vẫn được tiếp tục đầu tư lớn.

Một điều gây ngạc nhiên là tuy đang khó khăn, nhưng K+ vẫn được tiếp tục đầu tư lớn.

K+ sẽ về đâu trong cuộc chơi mạo hiểm?

Bất chấp số lỗ lên tới hàng ngàn tỉ đồng, kênh truyền hình vệ tinh số K+ vẫn tiếp tục tiến lên phía trước dưới cái bóng của VTV. Họ đang toan tính gì cho tương lai?

“Em có thể giải đáp gì thêm cho anh ngoài những thông tin đã cung cấp”, tư vấn viên Nguyễn Thành Trung thuộc tổng đài 1900 1592 của K+ hỏi đến lần thứ ba sau gần 10 phút tư vấn về tất cả những thông tin mà tác giả bài viết cần “soi” về kênh truyền hình này. Phong cách phục vụ của Trung được đánh giá là khá chuyên nghiệp so với SCTV, đơn vị dẫn đầu cả nước về thị trường truyền hình trả tiền hiện nay.

 

Từ “bóng cả” VTV

 

Sau đúng một thập niên ra mắt, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lần đầu tiên Sách Trắng về Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2013 do Bộ Thông tin Truyền thông công bố có tới 20/47 đơn vị đã phải rời khỏi cuộc chơi truyền hình trả tiền trong năm qua vì thua lỗ. Sinh nhiều, tử cũng không ít vì chi phí đầu tư ban đầu khá lớn cùng tình trạng cạnh tranh kịch liệt đã dần biến sân chơi này thành đấu trường của những đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình lẫn hạ tầng công nghệ mạnh.

 

Hiện thị trường truyền hình trả tiền được chia thành 3 nhóm: truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh với “dấu ấn” của VTV bao trùm khắp mọi nơi. Thuộc nhóm “kèo trên” gồm SCTV (liên doanh giữa VTV với Saigon Tourist) và VTVCab (trước đây là VCTV) hiện chiếm gần 60% thị trường truyền hình trả tiền cả nước. Chưa kể một số đơn vị truyền hình cáp khác, kể cả truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh cũng ít nhiều có “phần” của VTV dưới hình thức góp vốn hay chia sẻ hạ tầng.

 

K+ sẽ về đâu trong cuộc chơi mạo hiểm? ảnh 1

Doanh thu thị trường truyền hình trả tiền năm 2012

 

Với vị thế đó, VTV có quyền áp đặt luật chơi theo cách của mình. Chỉ trong vòng hơn 3 năm, cả SCTV và VCTV đều tăng cước thuê bao từ chỉ 30.000 – 44.000 đồng/tháng lên mức 110.000 đồng/tháng để nâng cao chất lượng đường truyền và tăng số lượng kênh phục vụ. Nhưng dịch vụ của cả 2 đơn vị này tới nay vẫn nhận được khá nhiều phàn nàn từ phía khách hàng, nhất là khu vực ngoại thành.

 

Gần đây, sau thời gian dài chờ đợi, Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã cấp phép khai thác dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel, nhưng với một số giới hạn về phạm vi phát sóng có thể tránh đối đầu với SCTV và VTVcab. Chắc chắn VTV sẽ không dễ dàng để Viettel lấy bớt thị phần của mình. Việc Viettel vẫn tỏ ra khá thận trọng đối với thời điểm công bố triển khai 6 gói cước thuê bao với mức giá được cho là cực kỳ hấp dẫn trong hồ sơ trình cơ quan chủ quản cũng lý giải được phần nào cho tình hình cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực truyền hình cáp hiện nay.

 

Tới thế độc quyền của K+

 

Ra mắt năm 2010, Công ty Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV) là liên doanh giữa VTV (51%) với kênh Canal+ của Pháp (49%), hiện sở hữu và khai thác kênh truyền hình K+. Tuy nắm thị phần cao nhất trong mảng truyền hình số vệ tinh tại Việt Nam (43,47%), nhưng hiện K+ vẫn phải gánh khoản lỗ khá lớn (thông tin không chính thức lên tới 1.800 tỉ đồng), theo báo cáo gần đây của VTV gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

K+ sẽ về đâu trong cuộc chơi mạo hiểm? ảnh 2

Thị phần truyền hình số vệ tinh năm 2012

 

Không thừa nhận, nhưng cũng không phủ nhận con số lỗ này, ông Jacques Aymar de Roquefeuil, Phó Tổng Giám đốc VSTV, cho biết: “Thua lỗ là điều hết sức bình thường mà bất cứ doanh nghiệp truyền hình trả tiền nào cũng phải trải qua vì chi phí thuê vệ tinh và mua bản quyền khá tốn kém, cùng cam kết luôn giữ sóng “sạch”, kiên quyết không quảng cáo xen giữa nội dung các kênh”. Vì vậy, nguồn thu duy nhất của đơn vị này là từ phí thuê bao. Tuy khó khăn nhưng K+ vẫn tiếp tục phát triển được hơn 150.000 thuê bao mới trong năm qua, nâng số thuê bao trong cả nước lên mức gần nửa triệu, tương đương mức tăng trưởng hơn 40%/năm.

 

Một điều gây ngạc nhiên là tuy đang khó khăn, nhưng K+ vẫn được tiếp tục đầu tư lớn. Mới đây, VSTV đã hoàn tất hợp đồng chuyển giao gói bản quyền Giải Ngoại hạng Anh (EPL) mùa giải 2013 - 2016 trị giá tới 35 triệu USD từ Canal+, gồm bản quyền phát sóng toàn bộ 380 trận đấu trong 3 mùa bóng, đặc biệt là được độc quyền phát sóng tất cả các trận đấu trong ngày Chủ nhật.

 

Chính vị thế độc quyền của K+ trong việc phát sóng các trận đấu thuộc EPL đã từng vấp phải phản ứng gay gắt từ Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam và không ít người hâm mộ. Tuy nhiên, ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc VSTV cho biết, K+ không chỉ phát sóng trên hạ tầng riêng của mình mà luôn sẵn sàng hợp tác với các đơn vị khác có hạ tầng kỹ thuật số phù hợp để cung cấp nội dung EPL. Hiện các thuê bao của hệ thống truyền hình Viettel, VTVcab và FPT được bán gói đồng phân phối các kênh K+1, K+NS và K+PM của kênh truyền hình K+ với giá 150.000 đồng/tháng.

 

Nhưng mới đây, K+ đã từ chối không bán gói dịch vụ của mình trên hệ thống của 2 đối thủ trực tiếp là VTC và AVG, khiến hơn 3 triệu thuê bao không có cơ hội xem các trận đấu của EPL mà K+ đang độc quyền.

 

“Họ khẳng định không chia sẻ nội dung với đối thủ cạnh tranh trực tiếp, mà chỉ phân phối gói kênh K+ trên hạ tầng cáp kỹ thuật số hoặc IPTV”, ông Hoàng Lê Sơn, Giám đốc VTC Digital, nói.

 

Trở lại câu chuyện giữ sóng “sạch” của K+. Giám đốc một công ty quảng cáo và tiếp thị kỹ thuật số có trụ sở ở quận 3, TP.HCM (không muốn nêu tên) khẳng định: “Đang kinh doanh thua lỗ, nhưng với vị thế độc quyền hiện nay trong việc phát sóng các trận đấu thuộc EPL, chắc chắn K+ phải tận dụng nguồn thu từ quảng cáo chứ không thể mãi trông chờ vào phát triển thuê bao, nghĩa là sóng của họ rồi cũng sẽ phải bớt sạch”.

 

Được biết, K+ vẫn đang triển khai một số gói cước tài trợ các trận bóng đá thuộc EPL, phổ biến nhất là hình thức chạy panel ở vị trí chân màn hình tivi, cùng các gói quảng cáo được thiết kế theo nhu cầu khác nhau của khách hàng. Thông tin này cũng trùng khớp với nội dung được cung cấp từ tư vấn viên Nguyễn Thành Trung về việc triển khai bán quảng cáo trên 4 kênh do K+ tự sản xuất hiện nay là K+1, K+NS, K+PC và K+PM. “Doanh thu từ thuê bao và quảng cáo của K+ có thể không dưới mức 400 tỉ đồng/năm”, vị giám đốc nói trên khẳng định.

 

Với thị phần cao nhất trong mảng truyền hình vệ tinh số cùng vị thế độc quyền trong phát sóng các trận đấu bóng đá đỉnh cao, có vẻ K+ dưới “cái bóng” của VTV đang được ngụy trang khéo léo để chuẩn bị cho chiến lược giành thị phần truyền hình trả tiền trên diện rộng thời gian tới.

>> Việt Nam trả gần 40 triệu USD xem bóng đá Anh

>> Thị trường truyền hình trả tiền nhiều tiềm năng