Sau nhiều lần trì hoãn công bố báo cáo soát xét kết quả hoạt động kinh doanh cho giai đoạn 6 tháng kết thúc ngày 30/9/2015, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật đã công bố báo cáo tài chính soát xét công ty mẹ.
Kết quả này gây bất ngờ lớn cho cổ đông bởi trước đó JVC công bố lợi nhuận 6 tháng niên độ 2015-2016 của công ty mẹ lãi 3,94 tỷ đồng nhưng sau soát xét lỗ 623,48 tỷ đồng.
Ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả kinh doanh của công ty mẹ JVC sau soát xét đó là khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng từ 16 tỷ trước soát xét lên 639,77 tỷ sau soát xét, con số bất thường này đã khiến lợi nhuận trước thuế của JVC lỗ 620 tỷ trong 6 tháng niên độ 2015-2016, lợi nhuận sau thuế lỗ 623 tỷ.
Kết quả kinh doanh sau soát xét của JVC
Kiểm toán KPMG trong quá trình soát xét báo cáo tài chính cho JVC cũng đã đưa ra kết luận ngoại trừ về tính hiện hữu, tính chính xác và khả năng thu hồi các khoản phải thu khách hàng và trả trước cho người bán là các bên liên quan, bao gồm khoản phải thu khách hàng 76,97 tỷ đồng và khoản trả trước cho người bán 9,43 tỷ đồng. KMPG đã không thể thu nhập được các thư xác nhận của các bên liên quan cho các số dư này.
Tại ngày 30/9, Ban giám đốc JVC chưa hoàn tất việc đánh giá khả năng thu hồi của các khoản phải thu khách hàng với các bên thứ ba và Ban giám dốc cũng chưa cập nhật dự phòng phải thu khó đòi dựa trên tuổi nợ của các khoản phải thu này tại ngày báo cáo, nếu Ban giám đốc cập nhật dự phòng dựa trên tuổi nợ của các khoản phải thu này thì chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ tăng thêm 10,2 tỷ, lỗ lũy kế và sau thuế sẽ tăng thêm 7,36 tỷ.
Ngoài ra công ty đã ghi nhận khoản trả trước cho một nhà cung cấp để mua máy móc thiết bị phục vụ cho các dự án đầu tư liên kết tại các bệnh viện với giá trị ghi sổ tại ngày 30/9/2015 là 190 tỷ,2 tỷ đồng, nhưng dự án này đã không còn được tiếp tục thực hiện. Công ty đang trong quá trình đàm phán với nhà cung cấp này để tìm phương án xử lý các đơn đặt hàng và thu hồi khoản trả trước này nhưng KPMG không nhận được thư xác nhận của nhà cung cấp này cho các số dư của khoản trả trước cho nhà cung cấp tại ngày 30/9/2015.
JVC cũng có khoản đầu tư dài hạn khác vào một dự án đầu tư liên kết thiết bị y tế với một bên liên quan với giá trị ghi sổ 110,75 tỷ đồng và Ban giám đốc đánh giá không có nghi ngờ đáng kể nào về khả năng thu hồi khoản đầu tư dài hạn này. Nhưng các bên liên quan không xác nhận số dư phải thu, xin gia hạn các khoản nợ và Ban giám đốc đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi trị giá 315,36 tỷ cho các khoản ứng trước và thanh toán hộ cho bên liên quan này.
Phía kiểm toán không thể xác định liệu có cần thực hiện điều chỉnh đối với số liệu thể hiện trên báo cáo tài chính riêng giữa niên độ về các khoản đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế và các khoản liên quan của JVC hay không!
Khoản tiền mặt 403 tỷ đồng đầu năm theo JVC là do két tiền mặt của công ty được cơ quan chức năng tạm thời thu giữ vào tháng 6/2015 để phục vụ công tác điều tra liên quan đến ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty, khoản này được ghi nhận là khoản Phải thu ngắn hạn khác. Ngoài ra, khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng trị giá 285 tỷ đồng vào ngày 31/3/2015 cũng đã không còn tại thời điểm 30/9, khoản vay nợ ngắn hạn đã giảm 200 tỷ.