“Nợ nhiều hơn, thanh khoản cao hơn, giá tài sản hồi phục nhiều hơn” là kết luận của chiến lược gia Nikolaos Panigirtzoglou của JPMorgan Chase.
Ông cũng đã dự báo nợ sẽ tăng khoảng 16.000 tỷ USD trong năm nay, nâng tổng mức nợ vay tư nhân và nợ công lên mức cao kỷ lục 200.000 tỷ USD vào cuối năm.
Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ tiết kiệm tăng cao hơn, chính sách phù hợp của ngân hàng trung ương và nhiều tiền mặt dư thừa trong hệ thống hơn và phần lớn trong số đó có thể tìm đến kênh đầu tư qua thị trường chứng khoán, theo JPMorgan Chase.
“Tiền mặt nhàn rỗi tăng cao tạo ra một nền tảng hỗ trợ mạnh mẽ cho các tài sản phi tiền mặt như trái phiếu và cổ phiếu. Với mức lãi suất trái phiếu thấp như hiện tại, hầu hết thanh khoản này cuối cùng sẽ được chuyển vào cổ phiếu do nhu cầu tiết kiệm để phòng ngừa giảm dần theo thời gian”, theo các chiến lược gia của JP Morgan Chase.
Biểu đồ thể hiện lượng cung tiền M2 của Mỹ ra thị trường
Sự gia tăng thanh khoản toàn cầu đã diễn ra với tốc độ tăng chóng mặt trong cuộc khủng hoảng Covid-19 so với thời kỳ suy thoái năm 2008. Tổng số tiền được tạo ra có thể vượt quá 15.000 tỷ USD vào giữa năm tới khi việc nới lỏng định lượng tiếp tục ở mức mạnh hơn bình thường, theo các chiến lược gia.
Tại Mỹ, mức cung tiền M2 (bao gồm tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn, các tài sản có thanh khoản cao và không phải là tiền mặt) đã tăng 3.000 tỷ USD cho đến nay trong năm nay lên mức 18.400 tỷ USD, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang do Bloomberg tổng hợp.