John Paulson bỏ vàng chơi đàn

John Paulson bỏ vàng chơi đàn

Vàng rớt giá mạnh. Nhiều quỹ đầu cơ lớn đã tháo chạy khỏi kim loại quý này.

Theo một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vào giữa tháng 8 vừa qua, trong quý II/2013, quỹ Paulson & Co. của nhà đầu cơ danh tiếng John Paulson đã giảm hơn phân nửa cổ phần nắm giữ trong SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, xuống còn chỉ 10,2 triệu cổ phiếu.

Tháo chạy khỏi vàng, Paulson đã tìm đến một khoản đầu tư mới: đàn. Giữa tháng 8.2013, ông đã đồng ý mua lại Steinway Musical Instruments, công ty chuyên sản xuất đàn piano có trụ sở tại Manhattan (Mỹ), với giá 512 triệu USD.

John Paulson bỏ vàng chơi đàn ảnh 1

Bỏ ra 512 triệu USD để mua một công ty sản xuất đàn, tỉ phú John Paulson đã khiến cả Phố Wall ngạc nhiên. Ảnh: Bwww.nypost

Động thái này đã khiến cho nhiều người trong giới âm nhạc lẫn giới tài chính Phố Wall phải nhướng mày. Bởi lẽ, công ty Paulson & Co. của ông xưa nay chỉ chuyên đầu tư vào các loại tài sản thế chấp, vàng và các tài sản tài chính khác. Hơn nữa, mặc dù Paulson & Co. sở hữu cổ phần ở nhiều công ty nhưng chưa bao giờ bỏ tiền ra mua đứt một công ty nào. Vì sao Paulson lại đột nhiên thay đổi khẩu vị?

Câu trả lời của Paulson rất đơn giản: “Chỉ vì tôi yêu piano”. Vị tỉ phú này hiện sở hữu 3 cây đàn piano Steinway & Sons có giá hàng trăm ngàn USD mỗi chiếc. Và mặc dù không phải là nghệ sĩ dương cầm nhưng ông từng chơi trống, kèn clarinet và saxphone. Ngoài mảng chính là đàn piano, Steinway còn bán cả kèn horn, kèn clarinet, kèn saxophone, sáo và trống.

Trong thế giới âm nhạc, Steinway không phải là một công ty tầm thường. Steinway là nhà sản xuất những cây đàn piano xịn nhất thế giới và các nhạc cụ khác với lịch sử 160 năm tuổi đời. Những cây đàn piano Steinway & Sons, kèn trumpet Bach Stradivarius và kèn saxophone Henri Selmer Paris do Công ty sản xuất đã và đang là biểu tượng của sự giàu sang và là nhạc cụ không thể thiếu trong các khán phòng hòa nhạc trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Giá bán của cây đàn Steinway không hề rẻ. Mức giá cao nhất, theo tờ Financial Times, lên tới 218.000 USD/chiếc.

Đối với giới chơi đàn, những cây đàn cánh dơi của Steinway, vốn phải mất khoảng một năm mới làm xong, có thể tạo ra âm thanh có chất lượng mà đàn của các thương hiệu khác không thể nào so sánh được. Những nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng từ Igor Stravinsky cho đến Cole Porter đều là khách hàng trung thành của Steinway.

Do đó, theo chuyên gia phân tích Arnold Ursaner thuộc CJS Securities, việc Paulson muốn sở hữu một thương hiệu nổi tiếng như Steinway là có thể hiểu được. “Steinway là một thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu. Có nó không khác gì sở hữu một bức tranh hay một căn hộ hoành tráng trên đại lộ Fifth Avenue ( New York )”, ông nói.

Nhưng đối với Paulson, lý do mua lại Steinway không chỉ có thế. Theo một người thân cận với vụ mua lại, Paulson nhìn thấy ở Steinway một thương hiệu xa xỉ có sức bền tốt và đang trên đà phục hồi sau khủng hoảng; và thương hiệu này mới chỉ chạm đến một phần nhỏ thị trường quốc tế, trong đó có Trung Quốc và Brazil .

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, cũng như nhiều mặt hàng xa xỉ khác, lượng sản phẩm Steinway bán ra có giảm xuống. Nhưng trong những tháng gần đây, tình hình hoạt động của Steinway đã được cải thiện thấy rõ. Trong quý gần nhất, Steinway đã lãi 20,2 triệu USD, so với mức 2,4 triệu USD cách đó một năm. Doanh số bán đã tăng lên đạt 92,4 triệu USD, nhờ mức tăng trưởng 2 con số của mảng piano. Giá cổ phiếu của Steinway đã tăng hơn 90% kể từ đầu năm đến nay.

Triển vọng của Steinway cũng rất tươi sáng. Theo tờ Financial Times, mặc dù doanh số bán ở Mỹ vẫn còn khá ảm đạm, nhưng các thị trường mới nổi lại là một cơ hội mới cho tăng trưởng của hãng nhạc cụ này.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường hứa hẹn nhất cho Steinway. Các nghệ sĩ dương cầm trẻ đang tạo cơn sốt như Lang Lang và Yuja Wang đều là người mê dương cầm của Steinway. Và họ đang thổi lên niềm đam mê âm nhạc cho một thế hệ mới tại đây. Và điều quan trọng hơn, Trung Quốc đang là quê hương của 1 triệu nhà triệu phú.

Đó là lý do chính khiến cho Paulson cũng như nhiều tập đoàn đầu tư khác đều muốn có được Steinway. Bản thân Paulson cũng đã rất hao tâm tổn sức mới mua được Steinway. Theo một hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý Mỹ, tính đến ngày 14.7.2013, đã có 10 công ty theo đuổi việc mua lại Steinway trong đó có Paulson.

Hồi tháng 7.2013, tập đoàn đầu tư vốn cổ phần tư nhân Kohlberg & Co. đã đề nghị mua lại toàn bộ công ty với giá 35 USD/cổ phiếu (tương đương 438 triệu USD). Paulson đã loại được Kohlberg khi ra giá 38 USD/cổ phiếu. Nhưng sau đó, Samick Musical Instruments (Hàn Quốc), cổ đông lớn nhất nắm giữ 32% cổ phần của Steinway, đã ra giá mua lại tới 39 USD/cổ phiếu. Muốn có bằng được Steinway, Paulson đã nâng giá chào mua lên tới 40 USD/cổ phiếu, tương đương với giá mua 512 triệu USD. Mức giá này cao gấp 35 lần lợi nhuận của Steinway.

“Việc tranh giành để chiếm lấy Steinway là một dấu hiệu cho thấy các tập đoàn đầu tư đang đặt cược vào nhóm hàng xa xỉ có sức bền tốt khi tìm cách kiếm lợi nhuận từ việc khai thác tầng lớp người giàu, vốn đang khấm khá trở lại nhờ kinh tế hồi phục”, tờ Financial Times nhận xét.

Paulson cũng đặt tham vọng lớn vào Steinway. Ông cho rằng việc nền kinh tế đang trên đà phục hồi và thị trường nhà đất Mỹ khởi sắc cũng sẽ góp phần giúp tăng lượng bán ra của đàn piano Steinway. Và đặc biệt, chiến lược của ông là tập trung đưa Steinway vươn ra khắp thế giới. “Mô hình kinh doanh đã được chứng thực là thành công của Steinway cùng lực lượng nhân viên tay nghề cao là nền tảng vững chắc để bành trướng”, ông nói.