"Hãy nhớ lời tôi nói. Tôi nghĩ là ông ta (Tổng thống Mỹ Donald Trump - PV) sẽ bằng cách nào đó hoãn cuộc bầu cử và chế ra lý do tại sao nó không diễn ra. Trump cho rằng đây là cách duy nhất sẽ giúp ông ta giành chiến thắng", ứng cử viên Đảng Dân chủ duy nhất còn lại trên đường đua tranh cử phát biểu tại cuộc gây quỹ trực tuyến hôm 23/4.
Theo Joe Biden, ông Trump muốn "làm tất cả có thể nhằm gây khó dễ cho cử tri đi bỏ phiếu" khi lên tiếng bác bỏ đề xuất cho tất cả các tiểu bang tiến hành bỏ phiếu qua bưu điện.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về hình thức bỏ phiếu cho cuộc bầu cử đang diễn ra cũng như trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Trong cuộc tranh cãi này, đảng Dân chủ muốn mở rộng việc bỏ phiếu qua bưu điện trên toàn quốc, tuy nhiên đảng Cộng hòa lại phản đối ý tưởng trên do lo ngại sẽ dẫn tới kết quả không chính xác.
Trước những cáo buộc của Joe Biden, Theo CNN, ông Trump không thể quyết định hoãn cuộc bầu cử một mình, bởi vì theo luật, ông chủ Nhà Trắng cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ nếu. muốn làm thế.
Đồng thời, chính nhà lãnh đạo Mỹ tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 4/4 cũng đã tuyên bố, cuộc bầu cử tổng thống vẫn sẽ được tổ chức theo kế hoạch vào ngày 3/11, bất chấp đại dịch.
Theo Lonna Atkeson, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Mexico, nguy cơ hủy bỏ hoặc hoãn cuộc bầu cử tổng thống liên quan đến đại dịch là hoàn toàn không có cơ sở.
"Bầu cử là một phần của nền dân chủ. Từng có nội chiến tại Mỹ, cũng từng có chiến tranh thế giới, nhưng hệ thống luật pháp Mỹ không có quy định về việc bãi bỏ bầu cử", vị giáo sư này nói và cho biết thêm, trong cuộc nội chiến năm 1961- 1965, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn được tổ chức vào năm 1864.
Theo bà Atkeson, các đối thủ chính trị của ông Trump cố tình đưa ra các giả định hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ cuộc bầu cử nhằm cáo buộc nhà lãnh đạo Mỹ cố gắng ở lại cầm quyền trong thời gian dài hơn giới hạn.
Bầu cử sơ bộ tại hàng chục bang của Mỹ đã bị hoãn do đại dịch Covid-19 bùng phát. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 887.000 ca nhiễm, hơn 50.000 ca tử vong.