Năm 2017, Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Ngân hàng JP Morgan, sẽ trở thành tân chủ tịch của Hội nghị bàn tròn kinh doanh - Business Roundtable (BRT).
Trước đó, ông cũng được bổ nhiệm vào ban cố vấn kinh tế chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hội nghị BRT, đại diện cho 192 lãnh đạo của các công ty lớn nhất nhì nước Mỹ, đã bỏ phiếu cho Jamie Dimon giữa chức Chủ tịch trong nhiệm kỳ 2 năm.
Vị trí lãnh đạo của Dimon được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cơ hội cho cả nhóm trong bối cảnh tình hình chính trị thay đổi, đặc biệt là việc đàm phán với tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa về việc giảm thuế doanh nghiệp.
Sự hiện diện của ông cũng góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ tầng lớp lao động Mỹ, chẳng hạn như đầu tư vào các chương trình dạy nghề.
Tổng thống Obama trò chuyện với các thành viên BRT
Randall Stephenson, Chủ tịch kiêm CEO của AT&T, nhận xét rằng Jamie Dimon là một người “rất thực tế” - một người luôn bảo vệ quyền lợi cho công nhân Mỹ, một giám đốc am hiểu sâu sắc về nhiều ngành công nghiệp của Hoa Kỳ và “có thể là một người hỗ trợ tuyệt vời cho tổng thống mới đắc cử”.
Người hùng của khủng hoảng
Jamie Dimon sinh ngày 13/03/1956, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Harvard năm 1982. Ông luôn cho thấy bản lĩnh của một người quản lý khôn khéo và biết cách đương đầu với những rủi ro.
Từ năm 1975 đến 1998, Dimon là đối tác của của Sandy Weill trong việc tạo ra những dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới Citiroup.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của Dimon là vào năm 1998, khi ông cứu ngân hàng Bank One ở Chicago khỏi nguy cơ phá sản, sau đó hợp nhất với JP.Morgan vào năm 2004.
Dimon được nhìn nhận như người đầu tiên có thể vận hành được mô hình ngân hàng lớn.
Từ ngày đầu tiên điều hành JP Morgan đến nay, Dimon chưa từng thể hiện sự do dự trong quyết định chiến lược của mình, dù rằng các chuyên gia, các nhà đầu tư, phân tích của Phố Wall luôn thuyết phục ông theo hướng ngược lại.
Dimon thẳng tay hạ từ 20 - 50% mức lương của nhiều vị trí lãnh đạo tại JP Morgan khi mới nhận chức
Dimon còn biết đến là một người lãnh đạo sử dụng thành công các biện pháp bắt buộc, có tính răn đe để tránh cho JP Morgan có những sự tan rã đáng tiếc. Về JP Morgan khi ngân hàng khổng lồ này chỉ là một tổ chức rời rạc, trên dưới không đồng lòng, Dimon đã sử dụng biện pháp cưỡng chế, sử dụng triệt để quyền điều hành của mình, cải cách tất cá các bộ phận của ngân hàng.
Về nhân sự, Dimon thẳng tay hạ từ 20 - 50% mức lương của nhiều vị trí lãnh đạo. Ông ra lệnh cho các giám đốc IT phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống IT thông suốt trong vòng 6 tuần, nếu không chính ông sẽ lo việc đó và họ phải ra đi. Dimon còn tăng cường hệ thống kiểm soát, đặt ra chỉ tiêu về số lượng khách hàng mới cho các giám đốc chi nhánh, nếu không đạt được con số đó, họ sẽ bị đuổi việc.
Và Dimon đã thành công.
Mặt khác, vốn là người luôn đứng về phía người lao động, trong năm qua, CEO này đã quyết định tăng mức lương tối thiểu cho 18.000 nhân sự tại JPMorgan.
Trả lời phỏng vấn trên The New York Times, Dimon cũng nói lên mong muốn nâng cao mức lương tối thiểu cho người lao động theo giờ trong toàn ngành ngân hàng nói chung.
Jamie Dimon đã lãnh đạo JP Morgan trong hơn một thập kỷ, là vị lãnh đạo có nhiệm kỳ lâu năm nhất trong 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ hiện nay. Đôi lúc, JP Morgan được gọi là “The House of Dimon” (Nhà của Dimon) - cái tên thể hiện quyền lực của vị CEO tên tuổi Jamie Dimon.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Dimon luôn là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong ngành tài chính nước Mỹ.
JP Morgan được gọi là “The House of Dimon” (Nhà của Dimon)
Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất nhì nước Mỹ này đã tăng lên mức 86 USD/cổ phiếu sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, khiến cho 500.000 cổ phiếu mà Dimon mua lại hồi tháng 2 tăng giá trị từ 26,6 triệu USD lên đến 43,1 triệu USD.
Hiện tại, tổng số cổ phần mà CEO này nắm giữ tại JP Morgan là 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương 580,2 triệu USD.
Cũng trong năm qua, Jamie Dimon đã có nhiều phát biểu liên quan đến vấn đề kinh tế và chính trị, chẳng hạn như phản đối Brexit hay ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với sức ảnh hưởng của mình, Dimon được xếp thứ 19 trong danh sách những nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2016 của Forbes.