Nhiều cổ đông băn khoăn về nguồn vốn khổng lồ mà ITA phải huy động để thực hiện các dự án.

Nhiều cổ đông băn khoăn về nguồn vốn khổng lồ mà ITA phải huy động để thực hiện các dự án.

ITA xin trả lại dự án chậm tiến độ

(ĐTCK-online) Ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Khu công nghiệp Tân Tạo (ITA) cho biết, doanh nghiệp đã chi phí hơn 2.000 tỷ đồng cho 2 dự án Nhiệt điện Kiên Lương và Khu đô thị Hải Âu. Do tiến độ dự án Hải Âu quá chậm chạp, ITA đã gửi văn bản xin trả lại dự án cho tỉnh Kiên Giang. Theo kế hoạch đầu tư tới năm 2012, doanh nghiệp này cần số vốn tới 850 triệu USD. Ông Mến trao đổi với ĐTCK.

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương đã được thực hiện đến đâu, việc chậm tiến độ của dự án này có ảnh hưởng gì tới nguồn thu của Công ty, thưa ông?

Tại dự án Nhiệt điện Kiên Lương, ITA tham gia đầu tư đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho nhà máy, sau đó cho thuê lại mặt bằng cùng cơ sở hạ tầng cho DN đầu tư nhà máy điện. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành đền bù giải tỏa, đóng tiền sử dụng đất và mặt nước, nạo vét bùn, san lấp lấn biển được tổng cộng 70 héc-ta bao gồm: mặt bằng cho nhà máy 60 héc-ta và hơn 10 héc-ta cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường xá, điện, nước, cây xanh, bãi đậu trực thăng, văn phòng, nhà ở cho chuyên gia… và 58 héc-ta khu tái định cư. ITACO và các công ty liên doanh đã chi phí cho những công việc trên từ tháng 7/2007 khi được giao chủ trương đến nay là gần 1.800 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ chi thêm 400 tỷ đồng nữa từ nay đến cuối năm bằng nguồn vốn từ trái phiếu đã phát hành để kịp giao đất cho chủ đầu tư nhà máy điện vào tháng 12/2010.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã ký hợp đồng cho thuê lại đất với chủ đầu tư nhà máy điện và thu được tiền thuê gần 600 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2010 sẽ tiếp tục thu thêm khoảng 200 tỷ đồng.

 

Dự án Khu đô thị Hải Âu được báo chí phản ánh là vẫn “giậm chân tại chỗ”. Vậy Công ty đã chi phí như thế nào cho dự án này và có giải pháp gì để giảm thiểu thiệt hại? 

Với dự án đảo Hải Âu, ITA đã chi phí khoảng 1,5 triệu USD để làm quy hoạch, thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Cho đến tháng 12/2009, doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho phép khai thác cát để triển khai thi công san lấp. Tuy nhiên, đã gần 1 năm qua, tỉnh Kiên Giang vẫn chưa cấp giấy phép và cũng không giao mặt nước cho Công ty. Vì vậy, Công ty đã gửi văn bản xin trả lại dự án nếu tỉnh tiếp tục chậm trễ trong các thủ tục cấp giấy phép khai thác cát và giao khu vực dự án.

 

Được biết, ngoài 2 dự án trên, ITA còn triển khai nhiều dự án khác. Ông có thể cho biết, Công ty sẽ thu xếp nguồn vốn cho những dự án đó như thế nào?

Ngoài hai dự án trên, ITA còn triển khai nhiều dự án khác với tổng vốn đầu tư tính đến năm 2012 là 850 triệu USD. Tính đến tháng 9/2010, Công ty đã đầu tư 549 triệu USD. Nguồn vốn cần thiết để triển khai các dự án trên trong 3 năm tới dự kiến khoảng 200 triệu USD. Công ty sẽ giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư và thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Chúng tôi dự kiến con số tổng lợi nhuận của 3 năm (2010 - 2012) giữ lại khoảng 315 triệu USD, trong đó sẽ dành 200 triệu USD để tiếp tục đầu tư các dự án đã được cấp phép và 115 triệu USD chuẩn bị cho việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án khác.

 

315 triệu USD là con số rất lớn, ông có thể cho biết rõ hơn các nguồn thu để có số lợi nhuận này?

Để có nguồn vốn trên, HĐQT Công ty đã đặt ra kế hoạch tài chính từ năm 2010 đến năm 2012 dựa trên cơ sở nguồn thu từ các dự án đang thực hiện. Năm 2010, ITA đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 672 tỷ đồng, năm 2011 lên tới 1.728 tỷ đồng và năm 2012 là 3.879 tỷ đồng; tương ứng với quy mô vốn điều lệ 3.028 tỷ đồng, 4.588 tỷ đồng và 7.112 tỷ đồng (kế hoạch tài chính năm 2010 đã được thông qua tại ĐHCĐ năm 2010).