Ít có hệ thống ngân hàng nào trên thế giới dám dũng cảm đồng hành với doanh nghiệp nhỏ như ở Việt Nam

(ĐTCK) Trong thời điểm khó khăn, dù các ngân hàng phải vật lộn với việc xử lý nợ xấu, củng cố thanh khoản, chống lạm phát, nhưng không một nhà băng nào đóng băng tín dụng đối với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

Tại Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm.

Để đảm bảo cho hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được liên tục, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hình thành cơ cấu vốn tối ưu và tập trung vốn sản xuất..., nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò không nhỏ.

“Tính đến ngày 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế”, ông Hùng thông tin.

Ít có hệ thống ngân hàng nào trên thế giới dám dũng cảm đồng hành với doanh nghiệp nhỏ như ở Việt Nam ảnh 1

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP 

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế chia sẻ, trong 10 năm qua, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam có những thời điểm gặp nhiều khó khăn. Lạm phát phi mã, kinh tế đình đốn, nợ xấu tăng cao, thanh khoản khó khăn và khả năng sinh lời của hầu hết của Ngân hàng thương mại ở mức thấp.

Mặc dù vậy, hệ thống ngân hàng không chủ trương đóng băng tín dụng như các ngân hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới vào thời điểm đó, đặc biệt là đóng băng tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Có thể nói, ít có một hệ thống ngân hàng nào trên thế giới dũng cảm đồng hành với doanh nghiệp vừa và nhỏ như ở Việt Nam trong thời điểm khó khăn nhất”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Thực tế cũng cho thấy, hậu hết các Ngân hàng thương mại Việt Nam vừa xử lý nợ xấu, vừa tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp và mạnh dạn cho vay mới giúp rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sống sót, từng bước phục hồi và phát triển trở lại.

Tuy nhiên, TS. Nghĩa cũng cho rằng, việc mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho kinh tế hộ gia đình và cho vay tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và Ngân hàng với Ngân hàng cũng đặt ra nhiều rủi ro đáng quan tâm.

"Ít có một hệ thống ngân hàng nào trên thế giới dũng cảm đồng hành với doanh nghiệp vừa và nhỏ như ở Việt Nam trong thời điểm khó khăn nhất"

- TS. Lê Xuân Nghĩa

Cụ thể như, rủi ro về sử dụng vốn sai mục đích; rủi ro về việc sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, đặc biệt là bất động sản; rủi ro về việc mở rộng quy mô không phù hợp với nhu cầu thị trường và năng lực quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa; rủi ro về quản lý vốn, quản lý tài chính của doanh nghiệp thiếu minh bạch…

“Vì vậy, bên cạnh việc mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Ngân hàng thương mại cần có cơ chế và biện pháp kỹ thuật thích hợp để giám sát việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất, tránh lệ thuộc vào quy trình thủ tục đơn thuần…”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank bổ sung, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, rất cần sự phối hợp đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan chức năng, Ngân hàng thương mại và từ chính bản thân doanh nghiệp.

Theo đó, về phía Cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hành lang pháp lý để doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo hoạt động ổn định, lâu dài, an toàn; thiết lập hệ thống thông tin cập nhật nhanh chóng, kịp thời về công nghệ; biến động thị trường, giá cả; dự báo về tài chính… giúp doanh nghiệp có hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ban hành thông tư hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (ngày 12/6/2017) nhằm cụ thể, chi tiết hóa các nội dung hỗ trợ đã được công bố trong Luật.

Về phía Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh các quy định về cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Điều kiện cấp tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng rủi ro đối với cho vay tín chấp quản lý nguồn thu từ hợp đồng kinh tế…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét để ban hành chính sách hỗ trợ Ngân hàng thương mại như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái cấp vốn…, nhằm tạo điều kiện có vốn ưu đãi để Ngân hàng thương mại sử dụng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Ngoài ra, cần có các chương trình ưu đãi về lãi suất, chính sách/cơ chế cấp tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động các doanh nghiệp này.

Tin bài liên quan