“Iran không phải là nguyên nhân gây nên tình trạng khủng hoảng hiện nay. Chúng tôi không có ý định tự trừng phạt chính mình sau khi các lệnh cấm vận được gỡ bỏ”, ông Amir Hossein Zamaninia cho biết.
Việc Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ đang trở thành mối lo ngại lớn đối với các nhà sản xuất dầu mỏ trên toàn cầu. Giá mỗi thùng dầu đã giảm hơn một nửa so với thời điểm giữa năm 2014 mà nguyên nhân chính là tình trạng nguồn cung dư thừa quá lớn trên thị trường.
Theo ông Zamaninia, Iran muốn nâng sản lượng lên mức họ từng sản xuất trước khi bị cấm vận. Sau khi đạt được mục tiêu này, họ mới cùng bàn bạc và sắp xếp lại chiến lược cho tương lai.
Iran không cần phải có sự đầu tư từ nước ngoài để có thể nâng mức sản lượng lên thêm 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các khoản đầu tư nước ngoài có thể sẽ giúp ích cho các chiến lược tài chính trong dài hạn của quốc gia này.
“Chúng tôi không hề nghi ngờ việc chúng tôi có thể thu hút ít nhất 40 – 50 tỷ USD đầu tư nước ngoài mỗi năm”, Zamaninia cho biết.
Trước mối lo ngại về những tác hại nghiêm trọng mà giá dầu thấp gây ra, 5 trong số 13 thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), bao gồm Ả Rập Xê út, Kuwat, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar và Venezuela, cùng với Nga đã thống nhất với thỏa thuận sẽ duy trì sản lượng ổn định ở mức trong tháng 1/2016.
Tuy nhiên, Iran từ chối tham gia vào thỏa thuận không nâng sản lượng. Trong tuần trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh đã gọi đây chỉ là một “trò đùa”, theo kênh Press TV của Iran.