Doanh nghiệp làm IR tốt thường được nhà đầu tư tin tưởng.

Doanh nghiệp làm IR tốt thường được nhà đầu tư tin tưởng.

IR cộng hưởng “giá trị thương hiệu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) trên thị trường hiện còn chưa đồng đều, nhưng không thể phủ nhận nhiều doanh nghiệp đã được nâng tầm nhờ hoạt động này.

Nỗ lực sáng tạo

Tháng 5/2023, đại diện Ban lãnh đạo Vietcombank (mã VCB) cùng Ban Quan hệ nhà đầu tư của Ngân hàng tổ chức buổi gặp mặt nhà đầu tư để cập nhật tình hình hoạt động trong quý đầu năm nay, cũng như chia sẻ về những cơ hội và triển vọng kinh doanh trong những quý tiếp theo.

Sự kiện đã nhận được sự quan tâm và tham dự của gần 120 đại diện là các cổ đông, nhà đầu tư tổ chức và các chuyên gia phân tích từ hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ kết nối qua hệ thống họp trực tuyến.

Trong gần 1,5 tiếng trao đổi, đại diện Vietcombank đã giải đáp hàng chục câu hỏi của cổ đông, nhà đầu tư về các lĩnh vực kinh tế nói chung, ngành ngân hàng và kết quả kinh doanh của Vietcombank nói riêng; trong đó tập trung vào các chỉ tiêu tăng trưởng, chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh, các kế hoạch tăng vốn, quản trị rủi ro, chuyển đổi số...

Trên sàn niêm yết, nằm trong tốp doanh nghiệp có hoạt động IR tốt nhất vẫn là những doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk (mã VNM), Hòa Phát (mã HPG), FPT (mã FPT)... Còn về nhóm ngành, các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và bán lẻ là nhóm vượt trội hơn phần còn lại trong công tác IR, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

Đơn cử, Masterise Homes - thành viên của Masterise Group - mặc dù chưa lên sàn chứng khoán nhưng có cách làm IR được giới quan sát đánh giá là rất “tự nhiên”, thông qua các “bản tin Masterise” cập nhật thông tin về hoạt động của doanh nghiệp qua từng quý một cách chi tiết, đầy đủ để nhà đầu tư kịp thời nắm bắt.

Từng là một trong những doanh nghiệp làm công tác IR rất tốt trên sàn niêm yết, song hoạt động này của Công ty cổ phần Tập đoàn Phát Đạt (mã PDR) có thời gian bị gián đoạn vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt sau những khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, khiến giá cổ phiếu “đổ đèo” từ mức hơn 100.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), trước khi tăng trở lại vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại.

Tuy vậy, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, Phát Đạt vẫn coi IR như một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp, thông qua các cuộc hội thảo, gặp gỡ nhà đầu tư để thông tin cho các cổ đông, khách hàng và đối tác hiểu và nắm được tình hình doanh nghiệp.

Ở một thời kỳ mà công nghệ đang rất phát triển, IR không đơn thuần là những cuộc gặp gỡ, chia sẻ thông tin truyền thống, mà nhà đầu tư còn có thể tìm hiểu doanh nghiệp thông qua các công cụ điện tử như video, podcast, chatbot... Nhiều doanh nghiệp áp dụng số hóa báo cáo thường niên giúp tăng cường trải nghiệm của người dùng, từ đó dễ dàng nắm bắt thông tin hữu ích từ báo cáo, trong số này có thể đến những doanh nghiệp như Techcombank, FPT…

Với thế mạnh tiên phong về công nghệ, FPT đã ra mắt bản digital báo cáo thường niên 2022 (báo cáo thường niên số), cũng là năm thứ ba liên tục triển khai song song 2 phiên bản báo cáo thường niên số và văn bản (file PDF) để cung cấp cho nhà đầu tư, khách hàng và đối tác. Thậm chí, nhiều nội dung thông tin trong báo cáo thường niên được truyền tải dưới dạng video, podcast... giúp thúc đẩy tương tác với người dùng nhiều hơn. Với cách làm này, người dùng có thể nghe thông tin về doanh nghiệp ngay cả khi đang lái xe, nghỉ ngơi…

Các ứng dụng phần mềm với nội dung sinh động, cập nhật xu thế giúp nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp. Ở nhóm công ty chứng khoán, Fanpage Bò&Gấu ra đời vào ngày 29/9/2019 với mong muốn ban đầu là tạo ra một kênh giải trí cho nhà đầu tư chứng khoán.

Với sự thể hiện hài hước dưới dạng truyện tranh nhưng không kém phần ý nghĩa, các comic (bức hình truyện tranh) của Bò&Gấu đã tái hiện diễn biến thị trường chứng khoán với những con số khó hiểu và đồ thị khô khan trở nên mới lạ, sinh động và dễ nắm bắt hơn. Chỉ sau 3 năm, Bò&Gấu đã đạt hơn 190.000 người theo dõi, kéo nhà đầu tư đến gần hơn với Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE, đơn vị sở hữu fanpage này.

Việc ứng dụng giải pháp công nghệ, trí tuệ nhân tạo... như cách làm của nhiều doanh nghiệp hiện nay nếu được nhân rộng sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận với người dùng, đặc biệt là các nhà đầu tư trẻ tuổi.

Các thành viên thị trường cũng từng ấn tượng với các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp như “Chuyện của POW”, hay các cuộc gặp gỡ “analyst meeting” định kỳ hàng quý, bán niên hay hàng năm của nhiều doanh nghiệp khi sẵn sàng mời các nhà đầu tư đi tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư thực tế của mình.

Còn chưa đồng đều

Nhìn một cách tổng quan, hiện nay, hoạt động IR diễn ra sôi nổi hơn so với giai đoạn trước, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức bộ phận IR để thực hiện công tác này một cách bài bản, chuyên nghiệp. Nhiều công ty chứng khoán cung cấp thêm dịch vụ IR để cùng hỗ trợ doanh nghiệp mang hình ảnh, thông tin của mình đến nhà đầu tư một cách hiệu quả hơn.

Trên thị trường, hiện có một bộ phận không nhỏ lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng công tác IR. Không ít doanh nghiệp lấy lý do “phải tốn thêm kinh phí, hay chưa có nhân sự phù hợp” để né tránh công tác này.

Tuy nhiên, trên thực tế, những doanh nghiệp làm công tác IR tốt chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành khi thành lập hẳn phòng, ban hay nhóm chuyên trách trong công ty. Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô nhỏ (xét cả về yếu tố vốn hóa, quy mô doanh thu, lợi nhuận) có hoạt động IR hạn chế hơn.

Ngoài ra, cũng phải nói đến môi trường kinh doanh, khi thuận lợi thì doanh nghiệp thường đẩy mạnh công tác IR và ngược lại, giảm bớt khi thị trường khó khăn, cho thấy tâm lý “tốt khoe xấu che” vẫn phổ biến. Trong kinh doanh, sự thăng trầm là điều bình thường, nhưng đa phần chủ doanh nghiệp vẫn luôn e ngại khi đề cập tới khó khăn, khi mà các cổ đông thường coi đây như là lý do để “quy tội” làm rớt giá cổ phiếu.

Hơn nữa, IR chưa được coi là một dạng hoạt động cần công bố thông tin chính thức từ doanh nghiệp, tức là không cần báo cáo các Sở giao dịch chứng khoán hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mà là do doanh nghiệp chủ động thực hiện, cho nên ít nhiều vẫn tạo sự bất cân xứng thông tin giữa các doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp niêm yết trên sàn không có bộ phận IR khá phổ biến, chỉ khi cần doanh nghiệp mới thông qua đơn vị tư vấn là các công ty chứng khoán hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group cho biết, trong quá trình tìm hiểu các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, ông nhận thấy có một sự “vênh” rất lớn trong công tác IR giữa các doanh nghiệp, mặc dù trong từng trường hợp cụ thể, IR còn quan trọng hơn cả PR (quảng cáo) bởi chính là một cách quảng cáo tự nhiên nhất của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Trung, trên thị trường, hiện có một bộ phận không nhỏ lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng công tác IR, có thể xuất phát từ tư duy chưa thực sự cởi mở của họ. Không ít doanh nghiệp lấy lý do “phải tốn thêm kinh phí, hay chưa có nhân sự phù hợp” để né tránh công tác này.

“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp làm IR tốt cũng là những doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư chú ý bởi mang đến niềm tin cho họ và ngược lại”, ông Trung nói và chia sẻ thêm, nhiều doanh nghiệp chưa đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư để hiểu nhu cầu của họ. Việc quyết định nắm giữ cổ phiếu lâu dài hay không phụ thuộc vào tính minh bạch của doanh nghiệp và việc làm công tác IR tốt sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn sâu hơn và đánh giá tích cực hơn về doanh nghiệp.

Tin bài liên quan