IR cần làm thật, nói thật và trân trọng nhà đầu tư

IR cần làm thật, nói thật và trân trọng nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư trông đợi các doanh nghiệp “làm mới” hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) để cầu nối giữa hai bên không phải là… “cây cầu ảo”.

Nói không với Doanh nghiệp làm IR kém

Nhà đầu tư 20 năm trên TTCK, ông Trần Tiến Dũng (Hà Nội) mở đầu câu chuyện về chủ đề IR thời dịch bệnh Covid-19 bằng chia sẻ, ông luôn nói không với cổ phiếu của các doanh nghiệp không biết cách xử lý quan hệ với nhà đầu tư.

Theo ông Dũng, những năm gần đây, hoạt động IR đã được các doanh nghiệp trên TTCK để tâm hơn, nhưng chất lượng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mong đợi của nhà đầu tư.

Ðiều này thể hiện qua nhiều doanh nghiệp, nhất là các công ty nhỏ thường ít công bố thông tin, đồng thời khi cần liên hệ với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin thì nhà đầu tư không thể kết nối.

Trường hợp liên hệ được với doanh nghiệp thì người công bố thông tin thường là nhân viên, không phải là người có thẩm quyền, nên nhà đầu tư không nhận được câu trả lời thỏa đáng, thay vào đó chỉ là những thông tin chung chung đã được công khai ra thị trường…

Có những doanh nghiệp làm IR kém, nhà đầu tư góp ý khi họp đại hội đồng cổ đông, nhưng để họ thay đổi là không đơn giản.

“Khi đối diện với hiện trạng này, tôi thường quyết định chọn thời điểm thích hợp để bán hết cổ phiếu nhằm tránh rủi ro. Thực tế cho thấy, với những doanh nghiệp làm IR kém, tính minh bạch cũng kém. Thời gian đầu có thể mang lại lợi ích cho nhà đầu tư bởi những chiêu trò bơm thổi cổ phiếu, nhưng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp này là rủi ro lớn cho nhà đầu tư…”, ông Dũng cho hay.

Ông cũng chia sẻ thêm, hoạt động IR đang có sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn với nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ.

Trong khi các nhà đầu tư lớn, tổ chức có nhiều lợi thế trong tiếp cận, nắm bắt thông tin về doanh nghiệp, thì ngược lại nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ rất khó kết nối, liên lạc với doanh nghiệp khi muốn cập nhật các thông về diễn biến hoạt động của công ty.

Sự thiếu chuyên nghiệp, thậm chí là “khó coi” trong hoạt động IR cũng đang thể hiện trên nhiều khía cạnh ở không ít doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chí căn bản.

Chẳng hạn, là doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cách đây tới 10 năm, nhưng hiện trên website của Công ty cổ phần Bao bì và In Nông nghiệp (INN) tại địa chỉ: https://appprintco.com không có mục “Quan hệ nhà đầu tư”, hay “Quan hệ cổ đông” trên trang chủ. Các thông tin về hoạt động của INN đều thể hiện trong mục “Tin tức”.

Một trường hợp khác, doanh nghiệp quy mô lớn đang đăng ký giao dịch trên UPCoM là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA) có “quan tâm” đến hoạt động IR, nhưng lại rất hình thức khi tiểu mục “Bản tin nhà đầu tư” trong mục “Quan hệ cổ đông” không có bất kỳ thông tin nào.

Phóng viên Ðầu tư Chứng khoán nhiều lần liên hệ với ông Lê Minh Quy, Phó tổng giám đốc, người công bố thông tin của VEA, để làm rõ một số thông tin về hoạt động của Công ty, nhưng không được.

Lý do là số điện thoại được công khai là của bộ phận văn thư, chứ không kết nối trực tiếp với ông Quy. Bộ phận tiếp nhận điện thoại này từng hứa sẽ báo cáo ông Quy để có phản hồi lại thông tin, nhưng chỉ dừng lại ở… lời hứa!

Ðó là những nét chấm phá nhỏ trong bức tranh hoạt động IR đang tồn tại ở nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn trên HNX, UPCoM hay HOSE. Ðiều này khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi thất vọng.

Làm mới IR, cách nào?

Trước hiện trạng IR còn nhiều yếu kém như vậy, nhà đầu tư cho rằng, để cải thiện chất lượng IR, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, nói rộng ra là bối cảnh đầu tư trên TTCK ngày càng đối diện với nhiều thông tin nhiễu, biến động nhanh và khó lường, đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động “làm mới”.

Các thông tin từ doanh nghiệp cần nhanh và đáng tin cậy, qua đó giúp cổ đông, nhà đầu tư hiểu đúng giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có kết nối tốt sẽ tránh được việc nhà đầu tư chọn cách bán hết cổ phiếu để phòng ngừa rủi ro.

Ðể “làm mới” hoạt động IR, theo góc nhìn của nhà đầu tư, chưa cần doanh nghiệp làm gì to tát mất nhiều tiền của, chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể. Ðầu tiên là rà soát lại website để nếu chưa có mục “Quan hệ nhà đầu tư”, hoặc “Quan hệ cổ đông” thì cần bổ sung.

Nếu có điều kiện, doanh nghiệp cần thiết lập mục con “Bản tin IR” trong mục “Quan hệ nhà đầu tư”, để giúp cổ đông, nhà đầu tư thuận lợi trong nắm bắt các thông tin cập nhật về doanh nghiệp.

Thứ nữa, để tránh hoạt động IR hình thức, chiếu lệ, doanh nghiệp nên xem xét cử người có đủ thẩm quyền và nắm thông tin sâu về hoạt động của doanh nghiệp để đảm đương vị trí là người công bố thông tin. Cùng với đó là minh bạch số điện thoại của người công bố thông tin, để cổ đông, nhà đầu tư thuận lợi trao đổi thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Ở góc nhìn của một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam nhiều năm nay, đại diện Công ty Quản lý quỹ Capital Asset Mangement, thành viên Hiệp hội Phân tích viên chứng khoán Nhật Bản chia sẻ, các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, nếu muốn nhà đầu tư nước ngoài biết đến nhiều hơn hãy chủ động tiến hành các hoạt động IR.

Một trong những hoạt động mà doanh nghiệp cần triển khai là liên kết các doanh nghiệp có cùng ngành nghề kinh doanh tiến hành các hoạt động quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp ở các thị trường tài chính quốc tế.

Với nhà đầu tư nước ngoài, thông qua các thông tin về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, họ đánh giá về tiềm năng tăng trưởng của các ngành, cũng như TTCK và nền kinh tế.

Trước đòi hỏi trên của nhà đầu tư, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đến đâu? Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, đại diện Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (VTR) cho hay, trong thời buổi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, để giúp nhà đầu tư nhận diện được giá trị, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, qua đó tạo sự gắn kết bền chặt hơn giữa nhà đầu và VTR, Công ty đang lên phương án chăm sóc cổ đông bằng nhiều cách.

Ðầu tiên là chủ động cập nhật các thông tin về hoạt động của VTR để gửi tới cổ đông. VTR cũng đang có ý tưởng thiết kế các sản phẩm, dịch vụ du lịch dành tặng cho các cổ đông gắn bó với Công ty…

IR thời nay không còn đất cho những chiêu trò “đánh bóng”, vì nhà đầu tư ngày càng thông minh và có khá nhiều kênh tiếp cận thông tin để “đọc vị” chất lượng doanh nghiệp. Thay vào đó, IR chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi mà như đúc rút ngắn gọn của nhà đầu tư bằng 3 từ thật: “Làm thật, nói thật và thật sự trân trọng nhà đầu tư, cổ đông”.

Tin bài liên quan