Nếu như trước đó, khái niệm về IR vẫn còn khá mới mẻ và nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của IR, thì hiện tại, các doanh nghiệp đã dành nhiều quan tâm hơn cho hoạt động này, thể hiện ở việc công bố thông tin đầy đủ, một nền tảng quan trọng trong công tác IR.
Theo khảo sát của Vietstock, nếu như năm 2012 chỉ có 3,3% doanh nghiệp niêm yết hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin, thì tỷ lệ này đã tăng lên 4,2% vào năm 2014; 9,7% vào năm 2015 và vọt lên 18,47% trong đợt khảo sát gần nhất năm 2016. Bên cạnh đó, công tác IR cũng dần chuyên nghiệp hơn, khi một số doanh nghiệp đã hình thành bộ phận IR chuyên trách.
Với vai trò Trưởng ban Cuộc bình chọn Doanh nghiệp có hoạt động IR tốt nhất năm, bà Phạm Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam, cho biết, tiêu chí của một doanh nghiệp có hoạt động IR tốt bên cạnh tuân thủ đúng và kịp thời nghĩa vụ công bố thông tin theo Thông tư 52/2012/TT-BTC và mới đây là Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp còn phải đáp ứng về chất lượng và tính minh bạch của thông tin công bố.
Các doanh nghiệp tạo nên sự tương tác cùng nhà đầu tư và thị trường chứng khoán, coi trọng lợi ích của cổ đông, website doanh nghiệp có chuyên mục Quan hệ cổ đông thân thiện… được các nhà đầu tư bình chọn dựa trên mức độ hài lòng và các định chế tài chính đánh giá theo thang điểm.
IR trước áp lực tin đồn
Tại buổi tọa đàm “IR - Bí quyết gia tăng giá trị doanh nghiệp” diễn ra mới đây, TS. Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, hiện nay, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn giữa IR (quan hệ nhà đầu tư) và PR (quan hệ công chúng). Trên thực tế, hoạt động IR gắn liền với tài chính của doanh nghiệp và người làm công tác IR được xem như “cánh tay phải” của giám đốc tài chính.
"Ngôn ngữ tài chính được xem là điều kiện căn bản để người làm IR hiểu hoạt động doanh nghiệp, cũng như nắm bắt văn hóa doanh nghiệp nhanh hơn"
- Ông Thái Quang Trung, Phó giám đốc Nghiên cứu khách hàng tổ chức CTCK Maybank KimEng.
Theo ông Chí, người làm IR phải giúp công chúng, nhà đầu tư hiểu được giá trị của doanh nghiệp mình, chuyển tải những thông điệp quan trọng, hỗ trợ cho công tác phát hành, huy động vốn nhằm thu về giá trị cao nhất cho công ty, qua đó cải thiện tính thanh khoản cho cổ phiếu.
“Không dừng lại là nghĩa vụ công bố thông tin, IR còn tham gia vào nhiều nội dung, chiến lược để hiểu giá trị doanh nghiệp. Vì vậy, người làm IR phải được đào tạo chuyên môn về tài chính”, ông Chí nhấn mạnh.
Cho rằng, ngoài yếu tố chuyên môn, người làm IR cần có những kỹ năng về marketing, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hà Sài Gòn kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Quốc tế Sơn Hà chia sẻ, trong quá trình quản trị doanh nghiệp có cả thông tin tốt và xấu, cũng như thông tin đồn thổi.
Ông Hà cũng chia sẻ kinh nghiệm từ chính Công ty rằng, có thời điểm trên thị trường xuất hiện tin đồn ông rời Việt Nam không rõ mục đích, giá cổ phiếu Công ty ngay lập tức bị ảnh hưởng. Để kịp thời trấn an dư luận, bộ phận IR của Công ty đã đăng tải những hình ảnh về việc ký kết hợp tác với đối tác tại Mỹ của ông vào ngày giờ cụ thể. Nếu không có kỹ năng marketing nhanh nhạy, có lẽ tác động của những tin đồn sẽ còn kéo dài.
Hay như trường hợp của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), gần đây nhất, thông tin về việc hai cổ đông lớn nước ngoài của NLG đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu NLG, mà ngay chính NLG cũng không được thông báo trước. Câu hỏi mà nhà đầu tư đặt ra lúc đó là chuyện gì đang xảy ra với NLG? Chính nhờ việc duy trì các buổi gặp gỡ nhà đầu tư hàng quý, cộng thêm sự tư vấn từ công ty chứng khoán đối tác, đã giúp NLG nhanh chóng tìm được hai nhà đầu tư lớn khác mua lại cổ phần, giúp NLG giải quyết bài toán khó lúc đó.
Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Sàn Bất động sản Nam Long, Giám đốc Ban IR kiêm Giám đốc Khối kinh doanh và tiếp thị NLG cho biết, nếu không làm tốt công tác IR, mà nghĩ rằng doanh nghiệp cứ làm tốt rồi mọi người sẽ hiểu, đó là sai lầm lớn.
Ông Minh chia sẻ, trước khi niêm yết, NLG từng làm việc với nhiều quỹ đầu tư ngoại. Vì vậy, ban lãnh đạo Công ty đinh ninh rằng, thị trường chắc hẳn đã biết về NLG, nên khi niêm yết, nhà đầu tư trong nước ắt sẽ quan tâm đến doanh nghiệp. Kết quả là, giá cổ phiếu NLG đã giảm dần đều trong vòng 6 tháng kể từ khi niêm yết (tháng 4/2013), từ mức 27.000 đồng/CP về còn 16.000 đồng/CP. Đó là cũng là lúc NLG nhìn lại công tác IR của mình. Cuối năm 2015, NLG chính thức thành lập Ban IR.
"Không dừng lại là nghĩa vụ công bố thông tin, IR còn tham gia vào nhiều nội dung, chiến lược để hiểu giá trị doanh nghiệp. Vì vậy, người làm IR phải được đào tạo chuyên môn về tài chính"
- TS. Lê Đạt Chí.
Khi bắt đầu đầu triển khai phát hành cổ phiếu, NLG lại vấp phải sai lầm thứ hai khi cho rằng, việc áp dụng kinh nghiệm huy động vốn thành công tại các thị trường quốc tế vào Việt Nam sẽ hiệu quả. Kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản thường có độ trễ nhất định giữa việc bán hàng và ghi nhận doanh thu, đồng thời doanh nghiệp sẽ phải định giá lại bất động sản mỗi năm như thông lệ quốc tế.
Điều này đối với nhà đầu tư nước ngoài là bình thường, nhưng với nhà đầu tư nhỏ lẻ hay giới phân tích trong nước, NLG phải mất một khoảng thời gian khá dài để giải thích. Vì vậy, theo ông Minh, NLG đã phải định hướng lại chiến lược IR, cụ thế hóa theo từng đối tượng. Nhờ đó, từ đầu năm 2016, giá cổ phiếu NLG bắt đầu cải thiện và tăng trở lại mức 21.000 đồng/CP như hiện nay.
Công tác IR còn nhiều hạn chế
Theo ông Thái Quang Trung, Phó giám đốc Nghiên cứu khách hàng tổ chức CTCK Maybank KimEng, điểm tích cực trong hoạt động IR của nhiều doanh nghiệp hiện nay nằm ở việc họ đã bắt đầu chú trọng đầu tư đội ngũ nhân sự IR, tuyển dụng những người có nền tảng kiến thức về tài chính. Bởi, ngôn ngữ tài chính được xem là điều kiện căn bản để người làm IR hiểu hoạt động doanh nghiệp, cũng như nắm bắt văn hóa doanh nghiệp nhanh hơn. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay trong công tác IR, theo ông Trung, là ở khả năng tiếp cận thông tin.
“Nhiều khi nhà đầu tư muốn liên hệ với Công ty, nhưng không biết liên lạc với ai. Thậm chí, khi đã tiếp cận được thì thông tin đưa ra lại là vấn đề. Nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại, ngoài kế hoạch ngắn hạn, họ thường rất quan tâm đến kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp, cũng như giá trị mà doanh nghiệp đang tìm kiếm. Những thông điệp mang tính chiến lược như vậy thì không phải ai cũng có thể chuyển tải, ngoài lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Trung cho hay.
Cũng theo ông Trung, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thông tin đã có sẵn trên webiste Công ty, nhưng nhà đầu tư ngoại khi mua cổ phiếu của một doanh nghiệp, họ không chỉ đơn thuần bỏ vốn vào doanh nghiệp, mà họ còn muốn nắm giữ cả bộ máy quản trị, cũng như văn hóa doanh nghiệp đó, bởi thực tế, không thường xuyên có mặt tại Việt Nam để theo dõi.
Mặt khác, theo TS. Lê Đạt Chí, hoạt động công bố thông tin tại nhiều doanh nghiệp hiện nay hầu như chỉ đơn thuần là công bố theo nghĩa vụ. Thể hiện rõ nhất qua báo cáo tài chính, bởi ở góc độ nhà đầu tư, họ quan tâm và cần thông tin cốt yếu khiến cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng hay giảm, song chưa nhiều doanh nghiệp chủ động công bố cụ thể điều này, mà chủ yếu là buộc phải công bố theo quy định.
Liên quan vấn đề này, phụ trách bộ phận IR của một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản lại cho rằng, công ty sẵn sàng chia sẻ với nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, có những thông tin liên quan đến bí mật hay chiến lược kinh doanh, nên không thể công bố.
Làm sao để có hoạt động IR tốt?
Nhìn chung, với phần lớn doanh nghiệp hiện nay, khái niệm IR còn khá mới mẻ. Do đó, theo bà Phạm Thị Thanh Nga, để có thể làm tốt công tác IR thì trước tiên, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ IR và những giá trị mà IR có thể mang lại. Có nhận thức rõ về giá trị của IR thì doanh nghiệp mới có những định hướng cụ thể, cũng như đầu tư đúng mức cho công tác này. Các doanh nghiệp thường chỉ thực hiện công tác IR khi cần, chẳng hạn, khi cần huy động vốn, có dự án mới, thông tin tích cực, hay khi thị trường có biến động… Tuy nhiên, đây là quan điểm không thực sự phù hợp, bởi thị trường chứng khoán đang ngày một phát triển và chuyên nghiệp hơn, nên công tác IR cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình hoạt động, nhằm xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, tạo lợi thế vượt trội để có thể tối ưu hoá giá trị doanh nghiệp.
Bà Nga cho rằng, để hoạt động IR phát huy hiệu quả, cần có sự quan tâm ngay từ đầu, không nên để “nước đến chân mới nhảy”. Doanh nghiệp cần có bộ phân IR độc lập, thiết lập quy trình và chiến lược cho công tác IR. Bộ phận IR cần nằm dưới sự quản lý trực tiếp của giám đốc điều hành hoặc giám đốc tài chính. Các thành viên trong bộ phận cần phải có kiến thức về tài chính, thị trường vốn, để có thể tương tác hiệu quả với cộng đồng nhà đầu tư. Bên cạnh nguồn nội lực, doanh nghiệp cũng có thể hợp tác với các tổ chức tư vấn hoạt động IR chuyên nghiệp bên ngoài để gia tăng hiệu quả.
Riêng với nhà đầu tư, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang xây dựng hoạt động IR một cách chuyên nghiệp hơn, để bảo vệ mình trước các luồng thông tin, nhà đầu tư cần trang bị cho mình những kỹ năng sàng lọc thông tin tốt, cập nhật thông tin từ nhiều phía, để có cái nhìn khách quan nhất về doanh nghiệp.